Chính trị - Xã hội

KỲ HỌP THỨ 4, QUỐC HỘI KHÓA XIV

Ưu tiên an toàn hệ thống ngân hàng, kiểm soát thông tin truyền thông

08:14, 18/11/2017 (GMT+7)

Sáng 17-11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Lê Minh Hưng tiếp tục trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.

Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Trương Minh Tuấn trả lời chất vấn các nội dung về việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử; công tác quản lý Nhà nước về báo chí, truyền thông; về hệ thống dịch vụ truyền thông, việc xã hội hóa các chương trình phát thanh, truyền hình; giải pháp kiểm soát, hạn chế thông tin xấu, độc hại, phản cảm trên mạng xã hội và định hướng thông tin, tuyên truyền văn hóa, đạo đức xã hội.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: TTXVN
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: TTXVN

Xử lý yếu kém, bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng

Trả lời câu hỏi của đại biểu Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) về giải pháp xử lý ngân hàng yếu kém, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết: “NHNN đã và sẽ thực hiện nhiều giải pháp, một trong số đó là hoàn thiện khuôn khổ pháp lý.

Việc Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) sẽ giúp NHNN có cơ sở xử lý vấn đề này tốt hơn”. Theo quy định trong dự luật đang trình Quốc hội thông qua tại kỳ này, ngân hàng bị mua được phép bán nợ xấu cho VAMC, được hỗ trợ xử lý rủi ro, hỗ trợ của TCTD... nhưng không dùng trực tiếp ngân sách Nhà nước. Luật quy định rất cụ thể về biện pháp hỗ trợ trong luật để công khai, minh bạch.

Về vấn đề tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết thêm, theo số liệu cập nhật đến cuối tháng 9-2017, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống TCTD là 2,34% tổng dư nợ, giảm so với mức 2,46% vào cuối 2016. Tuy nhiên, theo Thống đốc, nếu đánh giá đầy đủ và thận trọng, một số khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu, nợ xấu nội bảng và nợ đã bán cho VAMC thì nợ xấu và nợ tiềm ẩn của toàn hệ thống ngân hàng đến cuối tháng 9-2017 là 566.000 tỷ đồng, tương đương 8,61%, giảm hơn 1% so với cuối năm 2016.

Đại biểu Tô Thị Bích Châu (TP. Hồ Chí Minh) hỏi: “Chính sách cho phép phá sản ngân hàng là biện pháp đúng trong nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, mức chi trả rủi ro 75 triệu đồng gây nhiều băn khoăn. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để khách hàng biết được mức độ rủi ro của từng ngân hàng khi đem tiền đi gửi? Phải chăng cứ đem tiền gửi vào các ngân hàng lớn thì sẽ yên tâm?”.

Trả lời câu hỏi này, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng nhấn mạnh, trong bất cứ trường hợp nào, các phương án xử lý các TCTD đều phải bảo đảm mục tiêu đầu tiên là an toàn hệ thống, củng cố lòng tin của người dân vào hệ thống ngân hàng, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, không để xảy ra tình trạng đổ vỡ, mất kiểm soát.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Trương Minh Tuấn. Ảnh: VGP
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Trương Minh Tuấn. Ảnh: VGP

Chỉ số Chính phủ điện tử Việt Nam đứng thứ 89

Trả lời chất vấn của các đại biểu về hiệu quả đầu tư xây dựng Chính phủ điện tử, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn nêu rõ, kinh phí chi cho ứng dụng CNTT và xây dựng Chính phủ điện tử chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Trong giai đoạn 2011-2015, Thủ tướng phê duyệt chương trình ứng dụng CNTT cho cơ quan Nhà nước với kinh phí thực hiện là 1.700 tỷ đồng.

Bộ TT&TT đề nghị Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính ưu tiên bố trí kinh phí cho chương trình này nhưng do khó khăn về vốn nên kinh phí bố trí hạn chế. Năm 2011 là 110 tỷ đồng, năm 2012 là 100 tỷ đồng, năm 2013 là 70 tỷ đồng, năm 2014 là 100 tỷ đồng, năm 2015 cũng khoảng 100 tỷ đồng. Do mức vốn thực tế được bố trí thấp hơn nhiều so với yêu cầu, đạt 29% so với quyết định của Thủ tướng Chính phủ nên các dự án mang tính chất quốc gia được nêu trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ được triển khai chậm hoặc không được triển khai.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết thêm về xây dựng Chính phủ điện tử: “Dù rất cố gắng nhưng Việt Nam cũng chỉ đứng ở vị trí 89 trong tổng số 113 nước. Người ta đánh giá bởi các tiêu chí là nhân lực, cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Cả các mặt, chúng ta còn nhiều hạn chế và cần phải làm tốt hơn”.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, về dịch vụ công tuyến, tính đến tháng 7 năm nay, Việt Nam có 109.644 dịch vụ công; trong đó, 95% là nằm ở cấp tỉnh, ở cấp bộ là 5%. Mặc dù Chính phủ đã giao kế hoạch rất cụ thể nhưng đến tháng 7 mới có 1% số dịch vụ công được cung cấp ở cấp độ 4 (mức cao nhất), tức là kèm theo thanh toán.

5% số dịch vụ ở cấp độ 3 tức là người dân lấy mẫu ở trên mạng được, còn sau khi nhận kết quả và thanh toán thì phải đến trực tiếp. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, CNTT chỉ là công cụ cải cách hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử. Cải cách hành chính không chỉ là vấn đề biên chế, hay tiết kiệm thời gian của người dân và DN mà quan trọng hơn là công khai và minh bạch, chống tiêu cực và tham nhũng.   

Kiểm soát thông tin giả, xuyên tạc 

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Kiều Trinh (Nghệ An) về việc kiểm soát thông tin giả, xuyên tạc, chống phá chế độ, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, hiện gần 70% người dân Việt Nam dùng Internet, khoảng 53 triệu người dùng Facebook nhưng chỉ một bộ phận nhỏ với “năng lượng đen, xấu” đã làm ảnh hưởng rất lớn đến môi trường mạng xã hội. Bộ trưởng nhấn mạnh, việc “ném đá”, nói xấu, bôi nhọ… trên mạng xã hội đang là vấn đề nhức nhối, dẫn tới hệ lụy khôn lường.

Từ năm 2014 đến nay, có 5-6 người tự tử vì bị bôi xấu, “ném đá tập thể” trên mạng xã hội. Về vấn đề ngăn chặn việc lợi dụng quyền tự do báo chí để xuyên tạc, lợi dụng, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói đây là điều pháp luật không cho phép.

Về câu hỏi đại biểu Nông Văn Tình (Nghệ An) phản ánh một số sai phạm của cơ quan báo chí, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết có những sai phạm là đáng báo động, việc đăng tải thông tin xuyên tạc gây hoang mang cho nhân dân là điều cấm trong Luật Báo chí. Bộ TT&TT thường xuyên phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương để kiểm soát, xử lý. 

Năm 2016, đã xử phạt khoảng 150 trường hợp sai phạm, là năm xử phạt nhiều nhất. Trong các cuộc họp giao ban với cơ quan báo chí hằng tuần, cơ quan quản lý thường xuyên nhắc nhở các cơ quan báo chí phải thông tin trung thực, khách quan, kịp thời. Bộ trưởng nhấn mạnh, phải lấy báo chí làm hạt nhân dẫn dắt mạng xã hội, lấy tích cực để đẩy lùi tiêu cực. Báo chí phải định hướng và tuyên truyền thông tin tốt, để thông tin tốt ngày càng phát triển và hạn chế nhiều hơn thông tin xấu. Bên cạnh đó, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra để xử lý nghiêm. Bộ trưởng mong các đại biểu Quốc hội tiếp tục quan tâm giám sát và chỉ ra các hạn chế để ngành TT&TT tiếp tục vươn lên, thực hiện tốt hơn nữa trách nhiệm quản lý Nhà nước của mình.

Hôm nay (18-11), Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình và sau đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ trả lời chất vấn trực tiếp.

Dự trữ ngoại hối đạt 46 tỷ USD

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, từ tháng 1-2016, NHNN điều hành chính sách tỷ giá trung tâm. Qua đánh giá từ thời điểm đó đến nay, diễn biến thị trường tỷ giá hết sức tích cực. Năm 2016, đã mua vào hơn 9 tỷ USD, và 6 tháng đầu năm 2017 mua được hơn 7 tỷ USD. Đến nay, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt 46 tỷ USD. Hiện nay, Việt Nam đã xuất siêu 2,8 tỷ USD. Giữ được tỷ giá ổn định thì giữ được lòng tin của nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài.

Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, ngay trong Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 vừa qua, có 27 cuộc tấn công mạng có chủ đích ở Trung tâm Hội nghị cấp cao và Trung tâm Báo chí quốc tế. Trong khi đó, tính đến hết tháng 10-2017 ở nước ta có hơn 11.000 cuộc tấn công mạng.

VIỆT DŨNG

.