Chính trị - Xã hội

Thống đốc Lê Minh Hưng: Không dùng ngân sách xử lý ngân hàng yếu kém

13:53, 17/11/2017 (GMT+7)

Tiếp tục trả lời chất vấn tại hội trường trong khuôn khổ kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV sáng nay (17-11), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng khẳng định, có nhiều biện pháp xử lý ngân hàng yếu kém và các biện pháp này không sử dụng trực tiếp ngân sách Nhà nước.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng - Ảnh: Quochoi.vn
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng - Ảnh: Quochoi.vn

Biện pháp xử lý ngân hàng 0 đồng

Trả lời câu hỏi của đại biểu Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) về xử lý ngân hàng yếu kém, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, đã có nhiều biện pháp xử lý ngân hàng bắt buộc và các biện pháp này không sử dụng trực tiếp ngân sách Nhà nước và đã được quy định cụ thể tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng nêu rõ: NHNN đã và sẽ thực hiện nhiều giải pháp, một trong số đó là hoàn thiện khung khổ pháp lý. "Việc Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng sẽ giúp NHNN có cơ sở xử lý vấn đề này tốt hơn".

Thống đốc Lê Minh Hưng cho hay, theo quy định trong dự luật đang trình Quốc hội thông qua tại kỳ này, với ngân hàng bị mua được phép bán nợ xấu cho VAMC, được hỗ trợ xử lý rủi ro, hỗ trợ của tổ chức tín dụng... nhưng không dùng trực tiếp ngân sách Nhà nước. Luật quy định rất cụ thể về biện pháp hỗ trợ rất cụ thể trong luật để công khai, minh bạch.

Về ý kiến chất vấn của đại biểu Võ Thị Như Hoa về nguyên nhân do không tự kiểm tra, thanh tra nội bộ không phát hiện kịp thời dẫn đến ngân hàng bị định giá 0 đồng, Thống đốc Lê Minh Hưng cho rằng, hoàn thiện khung khổ pháp lý pháp quy, quản trị điều hành, ban hành luật sửa đổi là giải pháp đặc biệt quan trọng để thực hiện tốt hơn cơ cấu lại và an toàn hệ thống. Cùng với đó là kiểm soát kiểm tra nội bộ dựa trên chuẩn mực quốc thế, thanh tra kiểm soát ngân hàng...

Thống đốc cho biết thêm, nhận thức được rằng cần tăng cường quản trị rủi ro và phòng ngừa vi phạm, tới đây, NHNN sẽ tăng cường phối hợp Bộ công an trong xử lý vi phạm trong hoạt động ngân hàng, xử lý nghiêm và qua đó răn đe những việc làm sai trái.

Ông Lê Minh Hưng cũng lưu ý: Trong đề án tái cơ cấu ngân hàng tới đây sẽ đưa ra 6 nhóm giải pháp, trong đó tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý, tăng cường thanh tra giám sát, cảnh báo sớm... Ông hy vọng những giải pháp này sẽ giúp quá trình cơ cấu lại hệ thống ngân hàng nhanh hơn, xử lý nợ xấu tốt hơn.  

Gian lận giao dịch ATM

Liên quan đến biện pháp bảo đảm quyền lợi khách hàng, bảo đảm an ninh an toàn trong thanh toán, gian lận liên quan đến thanh toán điện tử, thanh toán thẻ mà đại biểu Bạch Thị Hương Thủy (Hoà Bình) chất vấn, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, các hành vi gian lận trong thanh toán thẻ là vấn đề đang gia tăng đáng lo ngại ở các nước.

Theo thống kê của Visa Master, trong năm 2015, tổng số tiền thiệt hại từ hành vi gian lận là trên 21 tỷ USD. Điều này đồng nghĩa cứ 100 đôla giao dịch thẻ mất 7 cent. Tỷ lệ thiệt hại ở Việt Nam bằng 1/3 bình quân của các nước trên thế giới nhưng gần đây, hiện tượng gian lận này đang gia tăng.

Theo Thống đốc Lê Minh Hưng thì nguyên nhân là do các ngân hàng bị cài đặt việc sao chép dữ liệu, thông tin bảo mật của ngân hàng có lỗ hổng. Người sử dụng cũng lộ lọt thông tin, bị chiếm dụng để chiếm đoạt tiền. Ngoài ra còn lỗ hổng trong bảo mật thông tin của cơ quan chấp nhận thẻ. Thậm chí có cả chuyện thông đồng với đối tượng xấu để thực hiện hành vi gian lận.

Giải pháp tới đây, theo Thống đốc Lê Minh Hưng thì NHNN ban hành thông tư để tra soát, kiểm soát, quy định trách nhiệm của tổ chức tín dụng trong bồi hoàn từng trường hợp cụ thể. NHNN cũng chỉ đạo nhiều tổ chức tín dụng giải quyết kịp thời quyền lợi của khách hàng. Nhiều tổ chức tín dụng đã ứng tiền, miễn lãi suất trong thời gian tìm nguyên nhân.

Thời gian tới, NHNN sẽ tập trung hoàn thiện quy định pháp lý về an ninh an toàn trong thanh toán điện tử, đổi thẻ từ sang thẻ chip, áp dụng tiêu chuẩn quốc tế về an toàn bảo mật trong thanh toán, tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra thanh toán thẻ; đẩy mạnh truyền thông từ tổ chức ngân hàng, nâng cao cảnh giác trong giao dịch thẻ; phối hợp với cơ quan điều tra làm rõ, xử lý gian lận, cảnh báo cho người sử dụng nâng cao bảo mật... 

Về vấn đề khách hàng bị mất tiền trong tài khoản, tạo ra sự lo ngại cho khách hàng và biện pháp mang lại niềm tin cho khách hàng mà đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) chất vấn, Thống đốc NHNN cho biết, khi xảy ra các trường hợp này, NHNN đã kịp thời chỉ đạo NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố kiểm tra, xác minh thông tin; yêu cầu tổ chức tín dụng liên quan phối hợp điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, khách hàng. NHNN cũng yêu cầu tổ chức tín dụng xây dựng biện pháp kiểm soát giảm thiểu rủi ro, tăng cường tuyên truyền, phổ biến quy định phòng ngừa hành vi vi phạm.

Không công khai xếp hạng tín nhiệm ngân hàng cho dân

Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế và để phù hợp với hoạt động của các tổ chức tín dụng Việt Nam, NHNN đã xây dựng dự thảo thông tư quy định về xếp hạng các tổ chức tín dụng để thay thế Quyết định số 06, trong đó dự kiến đánh giá phân loại cả ngân hàng thương mại cổ phần và ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, các tổ chức tín dụng nước ngoài, các tổ chức tín dụng phi ngân hàng.

Các tổ chức tín dụng sẽ được đánh giá theo các tiêu chí về vốn, chất lượng tài sản, năng lực quản trị điều hành, kết quả hoạt động kinh doanh, khả năng thanh khoản, mức độ nhạy cảm với rủi ro thị trường; có những nhóm tiêu chí cả định lượng, định tính. Định kỳ hằng năm, NHNN sẽ đánh giá xếp hạng các tổ chức tín dụng và kết quả xếp hạng này được công bố tới từng tổ chức tín dụng.

Về ý kiến đại biểu nêu, có công bố công khai cho người dân không, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, chỉ công bố kết quả này với tổ chức tín dụng. Lý do vì hiện nay các tổ chức xếp hạng quốc tế đã có công bố thông tin xếp hạng tín nhiệm với mục tiêu cung cấp thông tin tham khảo cho nhà đầu tư và người gửi tiền về việc xếp hạng tín nhiệm các ngân hàng thương mại, từ đó giúp nhà đầu tư và người gửi tiền đưa ra quyết định đầu tư của mình.

Ở trong nước, tới đây sẽ phát triển các công ty xếp hạng tín nhiệm để có thể xếp hạng các ngân hàng. Còn các ngân hàng trung ương, cơ quan quản lý tiền tệ, cũng theo thông lệ của các nước, thực hiện việc xếp hạng các ngân hàng, tổ chức tài chính để phục vụ mục đích nhà nước, ban hành chính sách về an ninh tiền tệ, thanh tra, giám sát thị trường tài chính, ngân hàng với mục tiêu cuối cùng là bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền.

Căn cứ vào kết quả xếp hạng, NHNN sẽ có hành động và biện pháp quản lý phù hợp với tình hình hoạt động và sự lành mạnh của từng ngân hàng, như sử dụng kết quả xếp hạng để đánh giá mức độ an toàn và lành mạnh của tổ chức tín dụng; kịp thời phát hiện các tổ chức tiềm ẩn rủi ro để có biện pháp ngăn chặn và cảnh báo sớm...

BT

 

 

.