Chính trị - Xã hội

KỲ HỌP THỨ TƯ, QUỐC HỘI KHÓA XIV

Nhiều ý kiến nhất trí mở rộng đối tượng kê khai tài sản

08:31, 22/11/2017 (GMT+7)

Thực hiện chương trình làm việc, chiều 21-11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Tại phiên họp, nhiều đại biểu tập trung cho ý kiến về biện pháp minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập trong phòng, chống tham nhũng. Dự thảo Luật đã quy định nội dung này thành một chương riêng với nhiều quy định mới, thực chất nhằm hướng tới việc kiểm soát được tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức và một số người có chức vụ, quyền hạn khác. Theo đó, Chính phủ trình hai phương án: Phương án 1 là mở rộng phạm vi người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập đối với tất cả công chức khi được bổ nhiệm vào ngạch. Phương án 2 là thu hẹp lại, chỉ áp dụng với đối tượng có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,7 trở lên ở Trung ương, từ 0,9 trở lên ở địa phương và một số đối tượng có hệ số phụ cấp chức vụ dưới 0,7 trong một số lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao.

Sau khi nghe các ý kiến đóng góp, tranh luận của các đại biểu Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái báo cáo, làm rõ một số vấn đề để hoàn thiện dự thảo Luật.  “Trước mắt là phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật chọn các loại hình doanh nghiệp có nguy cơ cao phát sinh hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn và hành vi đó gây ra hậu quả nguy hiểm cho cá nhân, tổ chức có liên quan. Trên cơ sở đó bắt buộc một số chủ thể phải áp dụng biện pháp phòng chống tham nhũng”, Tổng Thanh tra cho biết.

“Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội thống nhất với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật ra ngoài khu vực Nhà nước. Tuy nhiên nội dung cụ thể các quy định này còn có nhiều ý kiến về thu hẹp phạm vi, thẩm quyền thanh tra, phát hiện hành vi tham nhũng, sự thống nhất giữa các luật; các chế định từng bước phù hợp, không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh... Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, cơ quan soạn thảo sẽ hoàn thiện phạm vi điều chỉnh của Luật trên cơ sở đánh giá kỹ tác động của việc lựa chọn phương án, bảo đảm tính khả thi để thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng”, Tổng Thanh tra nhấn mạnh.

Về công khai, minh bạch tài sản của người có chức vụ, quyền hạn, Tổng Thanh tra Chính phủ đánh giá, thực tế công tác này còn hạn chế không phải do diện kê khai rộng mà do không quản lý được dữ liệu kê khai, chưa kiểm soát được sự biến động và xác minh tài sản, thu nhập. Do vậy, dự thảo Luật quy định các cơ quan, tổ chức kiểm soát tài sản, thu nhập là cần thiết, nhằm hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu về tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.

B.T

.