Chính trị - Xã hội

Lũ rút chậm, hơn 7.500 hộ dân bị ngập

08:16, 07/11/2017 (GMT+7)

Từ 9 giờ ngày 6-11, các khu vực ảnh hưởng lũ của sông Vu Gia bắt đầu rút nhưng rất chậm do lũ chảy qua các cửa tràn của các hồ chứa thủy điện về sông Vu Gia từ 2.000m3/s. Lũ từ thượng nguồn sông Vu Gia và Túy Loan đổ về nhiều làm sông Cẩm Lệ dâng lên vượt mức báo động 3. Tính đến chiều cùng ngày, vẫn còn 7.569 hộ bị ngập.

Nhu yếu phẩm được mang lên thuyền để đưa vào các khu vực ngập lũ sâu ở xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang. 		               Ảnh: HOÀNG HIỆP
Nhu yếu phẩm được mang lên thuyền để đưa vào các khu vực ngập lũ sâu ở xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Không kịp chuẩn bị thức ăn

Đứng chờ trong mưa hơn 3 tiếng đồng hồ bên đường ĐT.605 để chờ người con rể từ thôn Tây An, xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang) bơi ghe lấy gạo, cá khô, bánh mì…, bà Phạm Thị Đào (trú tổ 2, thôn Yến Nê, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) vừa lạnh run, vừa khóc. “Do xả đập nên lũ lên quá nhanh làm nhiều người không kịp chuẩn bị thức ăn”, bà Đào bày tỏ.

Ông Ngô Văn Dụng (trú tổ 2, thôn Tây An) cho biết: “Đêm hôm trước mưa nhỏ, ngoài đồng chưa có nước, vậy mà sáng ngủ dậy thấy lũ về và lên rất nhanh. Do phải thu dọn đồ đạc để đề phòng lũ ngập nên không chuẩn bị kịp thức ăn, chỉ có gạo và mắm, muối, không có cá, thịt gì cả. Lũ lên nhanh mà rút chậm quá”.

Ông Nguyễn Bình, Chủ tịch UBND xã Hòa Châu cho hay: “Xã có 6/8 thôn bị ngập lũ, do thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” nên người dân chủ động phòng, chống lũ. Hiện thôn Tây An có 120 hộ, đa phần lũ không tràn vào nhà. Xã cũng đã chuẩn bị sẵn mì tôm và phương tiện để sẵn sàng đưa vào cho dân”.

Còn theo ông Ngô Ngọc Trúc, Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến, hiện xã có hơn 3.200 hộ bị ngập lũ. Xã đã chủ động sử dụng thuyền thường xuyên đi vào các khu dân cư để trợ giúp người dân và kịp thời đưa 3 trường hợp đi cấp cứu, đưa một trẻ em từ khu vực ngập lên đường cao tốc đoàn tụ với bố mẹ.

“Do lũ lên nhanh vào ngày chủ nhật nên nhiều bà con chưa kịp chuẩn bị dự trữ thức ăn. Có thể các hộ dân ngập lũ bị đứt bữa nhưng không đến nỗi thiếu lương thực, thực phẩm”, ông Trúc nói. Bà Nguyễn Thị Vân, Chủ tịch UBND xã Hòa Phong cũng cho hay: “Xã có 590 hộ bị ngập sâu. Người dân chủ động phòng, chống lũ theo phương châm “4 tại chỗ” và cũng có lương thực, thực phẩm trong nhà. Tuy nhiên, do ngập lũ đã hơn 2 ngày nên có thể đứt bữa”.

Trên bờ biển, lực lượng quân đội khẩn trương cào cát, bảo đảm mặt bằng sạch, đẹp cho Công viên Biển Đông.  Ảnh: THANH TÌNH
Trên bờ biển, lực lượng quân đội khẩn trương cào cát, bảo đảm mặt bằng sạch, đẹp cho Công viên Biển Đông. Ảnh: THANH TÌNH

Nhiều nơi còn ngập sâu

Đến sáng 6-11, tại các khu vực ngập ở hai bên sông Túy Loan, lũ đã rút mạnh. Tuy nhiên, do lũ của sông Vu Gia ở mức cao nên ở ngã ba Túy Loan có hiện tượng lũ chảy từ sông Yên qua sông Túy Loan để thoát về sông Cầu Đỏ, mực nước ngập trong nhà dân hạ thấp chậm.

Lũ sông Vu Gia ở xã Hòa Tiến cũng bắt đầu rút chậm từ 9 giờ ngày 6-11. Vệt lũ trên cột mốc lũ ở xã Hòa Tiến cho thấy, mực nước lũ cao nhất trong đợt này chỉ thấp hơn đỉnh lũ năm 1999 là 0,5m. Lũ sông Vu Gia dâng cao vào rạng sáng 6-11 gây ngập sâu tuyến quốc lộ (QL) 1A ở khu vực giáp cầu Quá Giáng và thôn Giáng Nam 2.

“Lũ năm nay cao hơn đỉnh lũ năm 2013. Đa phần nhà dân ngập sâu từ 0,3-0,5m, chỉ có một xóm nhỏ ngập sâu từ 1-1,5m. Đến chiều 6-11, lũ rút rất chậm nên vẫn còn ngập QL1A”, ông Lê Đình Ca, Chủ tịch UBND xã Hòa Phước cho hay.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Đà Nẵng, đến chiều 6-11, huyện Hòa Vang có 9/11 xã (72/119 thôn) bị ngập lũ, lụt với tổng số hộ dân bị ngập 7.569 hộ. Các địa phương đã sơ tán 319 hộ dân bị ngập sâu (chủ yếu ở huyện Hòa Vang); còn lại, người dân chủ động thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, tự di dời sang nhà người thân quen ở khu vực cao hơn để tránh lũ.

Về giao thông, còn nhiều tuyến đường liên xã bị chia cắt như: ĐT.601, ĐH2, ĐH409. Các tuyến đường liên thôn, liên xã ở 7 xã: Hòa Châu, Hòa Tiến, Hòa Phước, Hòa Phong, Hòa Khương, Hòa Nhơn, Hòa Liên bị chia cắt hoàn toàn.

Đặc biệt, lũ lụt gây thiệt hại nặng cho 78,9ha trồng rau; trong đó, huyện Hòa Vang có 45ha, quận Liên Chiểu 6ha, Cẩm Lệ 10,9ha, Ngũ Hành Sơn 17ha; 1ha khoai và sắn (quận Liên Chiểu), 4ha hoa cúc vừa trồng để chuẩn bị phục vụ Tết Nguyên đán (quận Cẩm Lệ)… Ngoài ra, nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản cũng bị thiệt hại.

Rác được chuyển lên bờ để công nhân vệ sinh môi trường thu gom. (Ảnh chụp tại bãi biển Phạm Văn Đồng ngày 6-11)Ảnh: THANH TÌNH
Rác được chuyển lên bờ để công nhân vệ sinh môi trường thu gom. (Ảnh chụp tại bãi biển Phạm Văn Đồng ngày 6-11) Ảnh: THANH TÌNH

Hỗ trợ 1.000 tỷ đồng khắc phục hậu quả bão, lũ

Chiều tối 6-11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến công tác khắc phục hậu quả của các tỉnh, thành bị ảnh hưởng nặng nề của bão số 12. Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh báo cáo tình hình, diễn biến mưa lũ và thiệt hại trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; đồng thời, nêu bật việc huy động tối đa lực lượng khắc phục hậu quả mưa, lũ, bảo đảm cảnh quan, môi trường cho Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, bão số 12 gây thiệt hại nặng nề, với 46 người chết, 15 người bị thương. Hơn 1.350 nhà bị sập đổ và 114.860 nhà bị tốc mái, hư hỏng. Tại vùng biển Bình Định, xảy ra sự cố tàu vận tải nghiêm trọng với 10 tàu (101 thuyền viên) bị chìm, hư hỏng trên khu vực phao số 0, Cảng Quy Nhơn (riêng tàu Thanh Hải 18 chưa xác định được số thuyền viên). Hiện đã cứu vớt được 88 người, 8 người chết và 5 người mất tích. Đến nay, đã có hơn 1.280 tàu cá bị chìm, hư hỏng. Khoảng 5.300 ha lúa, 14.850 ha rau màu bị ngập, thiệt hại.

Thủ tướng quyết định hỗ trợ các địa phương bị thiệt hại nặng, dự kiến mỗi tỉnh khoảng 500 tấn gạo, hỗ trợ các địa phương bị thiệt hại nhẹ mỗi tỉnh khoảng 100-200 tấn, yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng một số bộ, ngành liên quan sớm trình phương án hỗ trợ các địa phương thiệt hại nặng theo thứ tự ưu tiên để khôi phục đời sống nhân dân; dự kiến nguồn kinh phí này khoảng 1.000 tỷ đồng.

Thủ tướng yêu cầu chính quyền các cấp, cả hệ thống chính trị tiếp tục chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt để nhân dân không bị đói, không lâm vào cảnh “màn trời chiếu đất”, sớm trở lại cuộc sống bình thường, nhất là bảo đảm tổ chức tốt Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.

Bảo đảm vệ sinh môi trường, cảnh quan cho APEC

Ngày 6-11, hàng trăm công nhân Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng và các lực lượng tiếp tục xử lý môi trường trên địa bàn thành phố theo tinh thần chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa và Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ trong cuộc họp khẩn hôm 5-11.

Công ty đã huy động 1.000 cán bộ, nhân viên, người lao động thu gom hơn 1.000 tấn rác thải các loại. Công ty cũng huy động 4 xe tưới nước dùng vòi áp lực để rửa sạch các tuyến đường quan trọng phục vụ APEC như: Võ Nguyên Giáp, Hoàng Sa - Trường Sa, 2 Tháng 9, Trần Phú, Nguyễn Văn Linh, Lê Đình Lý, Hàm Nghi… Tổng khối lượng rác đã thu dọn tính đến 18 giờ ngày 6-11 khoảng 1.900 tấn (tăng 100-150 tấn so với ngày thường).

Trong khi đó, Thượng tá Trương Công Tú, Phó Tham mưu trưởng, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng cho biết, từ chiều 5-11 đến ngày 6-11, đơn vị đã tổ chức hơn 800 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của bão số 12.

Cụ thể, tập trung dọn vệ sinh môi trường dọc tuyến đường Hoàng Sa, Trường Sa, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Tất Thành…; tổ chức dựng lại các bảng quảng cáo để phục vụ APEC; đồng thời sẵn sàng tham gia khắc phục hậu quả tại địa bàn huyện Hòa Vang khi nước rút.

Cũng trong ngày 6-11, hơn 1.000 đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố đồng loạt ra quân tổng dọn vệ sinh môi trường tại Công viên Biển Đông, biển Mỹ Khê, biển Nguyễn Tất Thành và các tuyến đường Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Văn Thoại, Phạm Văn Đồng…

Chi đoàn Báo Đà Nẵng cùng Đoàn khối Các cơ quan thành phố, Đoàn các khối quận, huyện, trường học, doanh nghiệp, công chức cũng đồng loạt ra quân tổng dọn vệ sinh môi trường. Dọc các bãi tắm Mân Thái, Sao Biển, Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, nhân viên các công ty, lữ hành, du lịch cũng huy động tất cả lực lượng khẩn trương dọn vệ sinh môi trường với quyết tâm trả lại môi trường sạch đẹp, thông thoáng nhất cho thành phố.

DUYÊN ANH - NGỌC PHÚ - THANH TÌNH

Hôm nay (7-11), học sinh huyện Hòa Vang tiếp tục nghỉ học

Sáng 6-11, ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD-ĐT thành phố Đà Nẵng cho biết, do mưa lũ gây ngập lụt ở hầu hết các trường học trên địa bàn huyện Hòa Vang nên Sở GD-ĐT tiếp tục cho học sinh nghỉ học trong hôm nay (7-11) để bảo đảm an toàn cho các em; đồng thời để các trường khắc phục hậu quả, dọn vệ sinh môi trường.

Tại quận Ngũ Hành Sơn, sáng 6-11, nước đã ngập vào một số trường mầm non và Trường THPT Võ Chí Công (phường Hòa Quý) nên lãnh đạo Sở GD-ĐT cũng đồng ý cho học sinh các trường trên nghỉ học trong ngày 7-11.

Về kế hoạch học bù, Sở giao các trường chủ động lên kế hoạch, nhưng tuyệt đối không được dạy vào ngày chủ nhật, tránh gây áp lực cho học sinh.

NGỌC PHÚ

Tạm dừng 4 tuyến xe buýt

Sở Giao thông vận tải thành phố cho biết, do ảnh hưởng của bão số 12 và đợt mưa lũ vừa qua đã làm ngập nước một số tuyến đường giữa tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng nên từ ngày 6-11, các tuyến xe buýt liền kề giữa tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng tạm ngưng hoạt động gồm: tuyến số 3: Đà Nẵng - Ái Nghĩa; tuyến số 4: Đà Nẵng - Tam Kỳ; tuyến số 6: Đà Nẵng - Phú Đa và tuyến số 9: Thọ Quang - Quế Sơn.

Các tuyến xe buýt trên sẽ hoạt động trở lại khi nước hết ngập các tuyến đường và bảo đảm an toàn giao thông.

THÀNH LÂN

HOÀNG HIỆP

.