Chính trị - Xã hội

Mồ hôi thấm đất, đất nở hoa

07:53, 04/11/2017 (GMT+7)

Những cơn mưa lớn kéo dài liên tục cả tuần khiến con đường đất dẫn vào trang trại (tổ 3, thôn Đông Sơn, xã Hòa Ninh) của các hội viên Hội Người khuyết tật Hòa Vang thêm lầy lội, khó đi. Vậy mà, ngày nắng cũng như ngày mưa, các anh chị kiên trì vượt quãng đường dài đến với trang trại này, gieo niềm tin lên mảnh đất từng hoang vu.

Những đàn gà, đàn heo lớn lên mỗi ngày dưới đôi tay cần mẫn của các anh, chị  khuyết tật ở trang trại.		          Ảnh: Q.Tr
Những đàn gà, đàn heo lớn lên mỗi ngày dưới đôi tay cần mẫn của các anh, chị khuyết tật ở trang trại. Ảnh: Q.Tr

Gieo niềm tin giữa hoang vu

Dẫn chúng tôi ra khu vực chuồng trại, nơi mà chỉ 3 năm trước còn là một cánh rừng bạt ngàn cây keo lá tràm, anh Nguyễn Thử (một trong 5 hội viên Hội Người khuyết tật Hòa Vang tham gia cải tạo trang trại) hồ hởi nói:

“Hồi mới lên đây là khoảng tháng 3 năm 2015. Năm đó nắng cháy da cháy thịt. Một bên là cánh rừng rộng bao la bát ngát, một bên là những phận người khiếm khuyết, yếu ớt. Chúng tôi tưởng chừng trụ lại không nổi. Vậy mà, sau khi thuê người đến đốn hạ cây, cuốc đất, cây lá um tùm lùi dần, lộ ra bãi đất trống bằng phẳng, rộng mênh mông. Trong chúng tôi ai cũng mừng mà không dám nói ra…”.

Những tia nắng đầu ngày nhảy múa trên đám sả, riềng tươi tốt sắp đến ngày thu hoạch. Xa xa, những chú bò của trang trại đang nhởn nhơ gặm cỏ. Đám cỏ ngậm nước lên nhanh mơn mởn được trồng ngay tại trang trại. Nghe tiếng nói cười thân quen, đàn gà nháo nhào chạy đến bu quanh chân chủ, lợn trong chuồng cũng kêu inh ỏi, tạo nên những thanh âm thanh bình mà nhộn nhịp của buổi sớm mai.

Anh Thử tất tả xúc thóc vãi cho gà, đổ cám ra máng cho lợn, thuần thục và nhanh nhẹn. “Tin được không, nơi này chỉ mới có điện 4 tháng nay. Chuyện nước cũng thiệt nhiêu khê. Cánh rừng vốn chỉ có đất cát khô cằn, khoan giếng sâu hoắm cả 20 mét cũng không có nước, phải khoan 2 lần mới tìm được mạch nước ngầm”, anh nói.

Cách đây 3 năm, được sự hỗ trợ của Tổ chức Abilis Phần Lan, Hội Người khuyết tật Hòa Vang triển khai xây dựng mô hình kinh tế trang trại giúp người khuyết tật thay đổi cuộc sống. Ban đầu, có 10 hội viên tham gia, sau vì điều kiện sức khỏe yếu, đường đi lại xa xôi, cách trở nên chỉ còn 5 người bám trụ. Biết bao mồ hôi, công sức đã đổ xuống mảnh đất này…

Hằng ngày, trừ anh Thử ở lại trang trại 24/24 giờ, 4 chị còn lại thay phiên nhau có mặt từ 6 giờ sáng để thả bò, cho gà, heo ăn, giãy cỏ dại, kiểm tra hàng rào để gia cố thêm… Họ chỉ trở về nhà khi trời tối hẳn. “Việc nhà nông chẳng bao giờ hết”, chị Huỳnh Thị Ngọ vừa buộc lại dây kẽm gai vừa nói. Chị Ngọ là người ở xa trang trại nhất. Nhà chị ở thôn Giáng Nam 2 (xã Hòa Phước).

Mỗi ngày, chị vượt quãng đường 25km đến trang trại. Quãng đường ấy với người bình thường thì không sao nhưng với các chị là sự vượt lên chính mình. Chị Ngọ bảo, bước chân của các chị đi ngắn hơn người bình thường, đôi tay cũng không nhanh nhẹn, khéo léo như người ta nên phải nỗ lực gấp đôi.

Nếu như nhà nông 5, 6 giờ sáng vác cày, cuốc ra đồng thì các chị phải dậy lúc 4 giờ. Khổ nhất là những ngày trời mưa, đường đất trơn trợt, ngồi trong nhà mà nghe tiếng heo, gà kêu là lòng như có lửa, phải đội áo mưa rồi từng bước dò dẫm ra chuồng trại xem thế nào.

Nhiều hôm thời tiết thay đổi hay mưa giông hơi đất bốc lên khiến đầu “đau như búa bổ”, chị vẫn phải cắn răng đi che chắn cho đàn gà, đàn heo. “Chúng là mồ hôi công sức của mình, mình có thể bệnh nhưng chúng không được bệnh”, chị đùa vui.

Ở trang trại này, người được mệnh danh siêng năng nhất là chị Nguyễn Thị Xí (xã Hòa Châu). Chị Xí bị khuyết tật đôi chân, là mẹ đơn thân nuôi 4 con nhỏ. Trước khi tham gia làm trang trại, chị chăn nuôi nhỏ tại nhà. Là người khuyết tật nặng, được hưởng bảo hiểm y tế, nhưng chưa một lần chị “dám” đến bệnh viện huyện hay các bệnh viện lớn để khám.

Chị ngại đường xa, sợ cảnh chen lấn, chờ đợi rồi tái khám. Trở trời, có đau lắm chị chỉ ra trạm y tế xã lấy thuốc mà thôi. Vậy mà, từ khi tham gia trang trại, chị như quên mình là người khuyết tật. Mỗi ngày, khi trời còn tối thẫm, sương đêm lạnh tê tái, chị đã lục đục dậy, sửa soạn thùng thiếc để vào thành phố lấy nước cơm. Ngày nào cũng đi đi về về từ 3 đến 5 chuyến như vậy.

Lấy công làm lãi bất kể mưa nắng, ngày đêm. Tại nơi hoang vu này, những giọt mồ hôi không bao giờ được cân đo đong đếm. Dù bằng đôi chân tập tễnh, hay đôi tay không lành lặn, đất hoang đã được các anh chị tưới tắm bằng chính mồ hôi của mình.

Chúng tôi ngồi lại bên căn nhà cấp 4 kiên cố, rộng chừng 10m2, có kê giường ngủ, có bếp và nhà vệ sinh. Gió từ cánh đồng thổi vào mát rượi. Anh Thử bộc bạch: “Hồi mới lên đây, vì kinh phí eo hẹp, được bao nhiêu đều đổ vào đầu tư chuồng trại, vật nuôi nên chúng tôi chỉ dựng căn nhà tranh tạm bợ để có chỗ đi ra đi vào. Ở một thời gian, đến mùa mưa bão, nằm trong căn chòi mà nơm nớp âu lo. Người khuyết tật yếu ớt, ở trong chòi mà có chuyện gì thì sao…

Vì nghĩ vậy mà từ đầu năm nay, chúng tôi đóng góp xây căn nhà cấp 4 này. Phía ngoài đường, chúng tôi cũng đổ đất cao lên để mấy chị đi xe lăn vào dễ dàng hơn”. Sương gió giờ đã in hằn lên làn da sạm, dáng người chắc nịch của anh Thử. Ở trang trại rộng 7.000m2 này, đâu đâu cũng có dấu chân anh. Là những ngày mưa lặn lội ra đồng rào, che chắn cho vật nuôi. Là những đêm tối trời, gió bão quần quật một mình nằm trong căn chòi vắng. Nhà ở cách đó chỉ 2 cây số mà không dám về… Bởi anh chị có niềm tin mãnh liệt rằng, trang trại sắp đến thì cho quả ngọt.

Quả ngọt đến từ mồ hôi

Những khó khăn liên tiếp ở trang trại như đang thử thách lòng kiên trì của các anh chị. Chị Nhạn kể, năm đầu tiên cấy sả, gặp nắng to, nên 3 sào sả chỉ thu hoạch chưa được một nửa. Vật nuôi lúc đó chỉ có 6 con bò nhỏ. Tiếng là trang trại nhưng ngoài mảnh đất rộng 14 sào ra thì chỉ loe hoe mấy con gà, bò, lợn như vậy. Mỗi ngày anh chị lên trang trại phải “đùm” theo cơm nước từ nhà. Ba năm ròng rã như thế…

Và những cố gắng của anh chị bắt đầu được đền đáp. Đó cũng là mùa “quả ngọt” đầu tiên ở bãi đất hoang này, sau gần 3 năm ròng anh chị sống cùng giấc mơ khởi nghiệp giản dị của mình. Hiện tại, trang trại có 100 con gà, 8 con bò, 4 con heo, 1,5 sào riềng, 1 sào sả, 4 sào cỏ. Tôi ngồi lại với anh Thử, chị Ngọ, chị Nhạn, nghe các anh chị nói những câu chuyện về tương lai, với ước mơ mở rộng khu chăn nuôi, đầu tư thêm một đàn heo mọi. Rồi nhân rộng đàn bò, đàn gà.

“Nói là 3 năm làm trang trại nhưng năm đầu tiên coi như bỏ không rồi vì chỉ tập trung phát rẫy và xây dựng chuồng trại cơ bản. Đến năm thứ hai, chúng tôi mới có được mấy con bò. Bò sinh trưởng rất lâu. Nếu là bò nhỏ thì phải cả một năm hơn mới sinh sản, đến năm thứ hai mới có thu nhập. Từ đầu, chúng tôi cũng đã dự trù như vậy nên không quá nóng ruột”, chị Nhạn nói.

Từ khi có điện, nước về, được chăm bẵm, tưới tắm hằng ngày, đám sả, riềng, cỏ ngậm nước vươn cao mơn mởn. Tết này các anh chị sẽ xuất lứa gà đầu tiên. “Khó nhất vẫn là vốn. Nếu có thể tiếp cận được nguồn vốn vay, tôi còn muốn mở rộng đầu tư, sản xuất cho bài bản. Đất trống còn nhiều mà chúng tôi còn thiếu nhiều vật nuôi. Chỉ cần đến cuối sang năm là trang trại bắt đầu cho lợi nhuận rồi”, anh Thử bộc bạch.

Với số vốn được đầu tư ban đầu xấp xỉ 100 triệu đồng, anh Thử cùng các chị đã tự đóng góp thêm mỗi người 10 triệu đồng để xây dựng nhà ở, mua thêm giống cây. Anh chị đang tính toán, năm sau sẽ trồng một vài luống rau thời vụ để cải thiện sinh kế.

“Chúng tôi đều gốc nhà nông nên rất hiểu quy luật của cây trồng. Có lẽ khoảng đầu tháng 7 âm lịch năm tới, chúng tôi sẽ trồng vài luống rau lang. Thông thường, cứ tháng 7 âm lịch là dưới xuôi có lũ, nước lên, rau lá ngập hết, nhất là rau muống. Thời điểm đó, rau muống sẽ rất đắt. Chúng tôi ở trên này tranh thủ trồng rau lang bán sẽ được giá”, chị Ngọ chia sẻ. Tiếp lời chị Ngọ, chị Nhạn bảo rằng, một thời gian ngắn nữa thôi, trang trại của anh chị sẽ ra dáng một… trang trại đúng nghĩa. Không chỉ có vật nuôi đa dạng mà cây trồng cũng sẽ phong phú. Rồi đây, các anh chị sẽ canh tác, tái canh tác trên chính mảnh đất mà mình đã dày công vun xới.

Tiễn chúng tôi ra về trên con đường còn lầy lội bùn đất bởi trận mưa lớn tối hôm trước, anh Thử bày tỏ niềm tin, 3-4 năm nữa thôi, trang trại sẽ đem lại thu nhập ổn định cho người khuyết tật; đồng thời, có thể tái bầy đàn cho những anh chị em hội viên khác. Từ ánh mắt ngời sáng của anh, tôi tin, mồ hôi thấm đất, đất sẽ nở hoa…

Quỹ Abilis là tổ chức phi chính phủ của Phần Lan, được Bộ Ngoại giao cấp giấy đăng ký hoạt động có thời hạn đến ngày 5-6-2017, hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ về kỹ thuật, đào tạo và tư vấn cho các tổ chức của người khuyết tật. Tính đến thời điểm này, Quỹ Abilis đã thực hiện 3 dự án tại Đà Nẵng. Hội Người khuyết tật Hòa Vang được tài trợ kinh phí hơn 192 triệu đồng. Riêng trang trại tại xã Hòa Ninh được đầu tư xấp xỉ 100 triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị Đăng, Chủ tịch Hội Người khuyết tật huyện Hòa Vang cho biết, mô hình trang trại là mô hình cần sự đầu tư lâu dài, vốn lớn. Người khuyết tật chỉ có thể chăn nuôi chứ khó theo đuổi công việc trồng trọt, kể cả trồng nấm, tuy là việc nhẹ nhưng đòi hỏi thời gian lao động liên tục. Do vậy, chị rất mong mỏi, trang trại của người khuyết tật ở Hòa Ninh thành công. Đây sẽ là động lực để những anh chị khuyết tật khác học hỏi kinh nghiệm, kiên trì theo sự lựa chọn; đồng thời, Hội Người khuyết tật Hòa Vang có thể thu hồi vốn để tái đầu tư cho các hội viên khác.

Quỳnh Trang

.