Chính trị - Xã hội

Pháp luật & Công dân

Quy định về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

10:27, 09/11/2017 (GMT+7)

Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Luật này quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án; thiệt hại được bồi thường; quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại; cơ quan giải quyết bồi thường; thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường; phục hồi danh dự; kinh phí bồi thường; trách nhiệm hoàn trả; trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong công tác bồi thường Nhà nước. Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước số 35/2009/QH12 hết hiệu lực kể từ ngày luật này có hiệu lực thi hành 1-7-2018.

Theo quy định của luật, Nhà nước có trách nhiệm bồi thường khi có đủ các căn cứ sau đây: Có một trong các căn cứ xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại và yêu cầu bồi thường tương ứng quy định tại khoản 2 Điều 7; có thiệt hại thực tế của người bị thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước theo quy định của luật này; có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế và hành vi gây thiệt hại.

Căn cứ xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại và yêu cầu bồi thường tương ứng bao gồm: Có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường theo quy định của luật này và có yêu cầu cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại hoặc tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự giải quyết yêu cầu bồi thường. Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính đã xác định có hành vi trái pháp luật của người bị kiện là người thi hành công vụ gây thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và có yêu cầu bồi thường trước hoặc tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại. Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án hình sự đã xác định có hành vi trái pháp luật của bị cáo là người thi hành công vụ gây thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự và có yêu cầu bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.

Luật quy định thiệt hại được Nhà nước bồi thường là thiệt hại thực tế đã phát sinh, các khoản lãi quy định tại các điều 23, 24, 25, 26 và 27 của luật này và chi phí khác quy định tại Điều 28 của luật này.
Giá trị thiệt hại bồi thường được tính tại thời điểm thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường quy định tại Điều 43 của luật này hoặc tại thời điểm tòa án cấp sơ thẩm xác định giá trị thiệt hại đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 52 và Điều 55 của luật này. Trường hợp người yêu cầu bồi thường khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết yêu cầu bồi thường theo quy định tại khoản 2 Điều 52 của luật này thì giá trị thiệt hại vẫn được tính tại thời điểm thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường trước đó.

Khoảng thời gian làm căn cứ xác định thiệt hại được bồi thường quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều 23, Điều 24, các khoản 1, 2 và 3 Điều 25, các khoản 1, 2, 3 và điểm a khoản 4 Điều 26, khoản 3 Điều 27 của luật này được tính từ ngày phát sinh thiệt hại thực tế cho đến khi chấm dứt thiệt hại đó.

Người yêu cầu bồi thường nộp 1 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính tới cơ quan giải quyết bồi thường. Trường hợp chưa xác định ngay được cơ quan giải quyết bồi thường, người yêu cầu bồi thường nộp hồ sơ đến Sở Tư pháp nơi người bị thiệt hại cư trú hoặc có trụ sở. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, Sở Tư pháp có trách nhiệm xác định cơ quan giải quyết bồi thường, chuyển hồ sơ đến cơ quan giải quyết bồi thường và thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu bồi thường.

Trường hợp người yêu cầu bồi thường trực tiếp nộp hồ sơ thì các giấy tờ, tài liệu và chứng cứ quy định tại các điểm b, c, d khoản 1 và khoản 2 Điều 41 là bản sao nhưng phải có bản chính để đối chiếu; trường hợp người yêu cầu bồi thường gửi hồ sơ qua dịch vụ bưu chính thì các giấy tờ, tài liệu và chứng cứ quy định tại các điểm b, c, d khoản 1 và khoản 2 Điều 41 là bản sao có chứng thực theo quy định của pháp luật về chứng thực.

Các hành vi bị nghiêm cấm trong việc giải quyết yêu cầu bồi thường gồm: Giả mạo tài liệu, giấy tờ hoặc cung cấp tài liệu, chứng cứ sai sự thật trong hồ sơ yêu cầu bồi thường và trong quá trình giải quyết yêu cầu bồi thường; thông đồng giữa người yêu cầu bồi thường với người giải quyết bồi thường, người có liên quan để trục lợi. Ngoài ra, luật nêu rõ các hành vi bị cấm khác như: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn can thiệp trái pháp luật vào quá trình giải quyết yêu cầu bồi thường, xác định trách nhiệm hoàn trả và xem xét, xử lý kỷ luật người thi hành công vụ gây thiệt hại; không giải quyết yêu cầu bồi thường hoặc không ra quyết định giải quyết bồi thường hoặc giải quyết yêu cầu bồi thường trái pháp luật; không thực hiện việc xác định trách nhiệm hoàn trả hoặc không xem xét, xử lý kỷ luật người thi hành công vụ gây thiệt hại; sách nhiễu, cản trở hoạt động giải quyết yêu cầu bồi thường.

TH.S tổng hợp

.