Chính trị - Xã hội
Sát cánh cùng ngư dân phòng chống bão, lũ
Góp phần giúp ngư dân phòng tránh thiên tai trên biển, trong năm qua, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) thành phố tích cực triển khai các biện pháp hữu hiệu, thực hiện nhiệm vụ phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn; đồng thời không ngừng đổi mới công tác kiểm tra, kiểm soát tàu, thuyền ra vào hoạt động trên biển.
Đại tá Tôn Quốc Khánh (trái), Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng thành phố, chỉ đạo các đơn vị giúp dân neo đậu tàu thuyền về tránh bão và áp thấp nhiệt đới tại Âu thuyền Thọ Quang vào tháng 10 vừa qua. |
Đại tá Tôn Quốc Khánh, Chỉ huy trưởng BĐBP thành phố cho biết: “Bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới vùng biển, lực lượng BĐBP thành phố Đà Nẵng luôn xác định công tác phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn giúp dân là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, là mệnh lệnh chiến đấu của lực lượng trong mọi tình huống”.
Góp phần giúp ngư dân phòng tránh thiên tai trên biển, BĐBP tích cực triển khai các biện pháp hữu hiệu phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn sát với đời sống của ngư dân; đổi mới công tác kiểm tra, kiểm soát tàu, thuyền ra vào hoạt động trên biển, bảo đảm chặt chẽ, đúng pháp luật, nhưng không gây phiền hà cho nhân dân, nhằm góp phần giảm thiểu thiệt hại, rủi ro cho bà con khi ra khơi đánh bắt.
Với phương châm “Kiên quyết không cho ra khơi hoạt động đối với người và phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, không đủ trang thiết bị bảo đảm an toàn”, chỉ huy các đơn vị chịu trách nhiệm trước Bộ Chỉ huy khi cho những phương tiện này xuất bến.
Tình hình tai nạn trên biển vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố đã chỉ đạo các đơn vị chủ động nắm bắt tình hình trên biển, kịp thời tham mưu và huy động lực lượng, phương tiện cứu giúp dân khi có thiên tai, thảm họa.
Trong năm qua, xảy ra 93 vụ tai nạn trên biển, trong đó 15 tàu cá bị chìm, làm chết 6 người, mất tích 2 người và bị thương 28 người, thiệt hại về tài sản hơn 5 tỷ đồng. Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố Đà Nẵng đã điều động 5 lượt tàu, 9 lượt ca-nô, cứu vớt được 7 thuyền viên, huy động 11 lượt tàu đánh cá của ngư dân cứu kéo 5 tàu bị hỏng máy trên biển, phối hợp với Trung tâm Cứu nạn hàng hải khu vực 2 điều động 15 lượt tàu cứu nạn được 17 thuyền viên bị nạn trên biển.
Bên cạnh đó, Bộ Chỉ huy đã chỉ đạo các đồn, trạm Biên phòng triển khai đồng bộ các biện pháp công tác, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, chủ phương tiện và ngành thủy sản để thống kê danh sách người, phương tiện, tần số máy thông tin vô tuyến điện, số điện thoại của gia đình chủ tàu, thuyền trưởng và khu vực hoạt động của tất cả phương tiện nghề cá, trong đó tập trung số tàu cá hoạt động xa bờ; thường xuyên cập nhật, bổ sung báo cáo những thay đổi đối với loại tàu cá, đặc biệt là các tàu đánh cá xa bờ bản hướng dẫn thông tin tìm kiếm cứu nạn trên biển của BĐBP.
Trong đó, ghi rõ tần số cứu nạn khẩn cấp sóng ngày, sóng đêm và hướng dẫn cách gọi đơn giản dễ nhớ để ngư dân thông tin kịp thời các vụ việc trên biển với BĐBP. Nhờ biện pháp chủ động này nên số lượng thông tin từ ngư dân trên biển đến với các đồn Biên phòng ngày một nhiều. Bên cạnh đó, thông qua máy ICOM của đơn vị thông báo vị trí hướng đi của bão hay áp thấp nhiệt đới để ngư dân chủ động di chuyển, phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại trên biển.
Với các biện pháp trên, trong năm qua, BĐBP thành phố đã kêu gọi hơn 3.000 lượt phương tiện hoạt động trên biển kịp thời tìm nơi trú tránh bão. BĐBP đã phối hợp với cơ quan đài, báo thông tin kịp thời về số tàu, ngư dân xuất bến qua các trạm kiểm soát Biên phòng ra biển hoạt động trước bão chưa về đến địa phương hoặc chưa liên lạc được, nhằm đôn đốc, thúc giục chính quyền địa phương, gia đình chủ tàu, bằng mọi biện pháp liên lạc, yêu cầu thân nhân của mình nhanh chóng đưa phương tiện vào nơi tránh bão; quy trách nhiệm cho thuyền trưởng các tàu cố tình không đưa phương tiện vào nơi trú tránh khi có bão.
Bài và ảnh: BÁ VĨNH