Sạt lở núi kinh hoàng ở Quảng Nam: Buổi chiều tang thương!

.

Chỉ trong tích tắc, nguyên quả đồi sạt lở ập xuống nóc Ông Tuần, nhà cửa bị chôn vùi, nhiều người thiệt mạng và bị thương. Người dân ở đây tưởng chừng như đến “ngày tận thế”. Nhiều ngày sau vụ sạt lở họ vẫn chưa hết bàng hoàng.

Cuối tuần qua, chúng tôi có dịp tiếp cận nơi xảy ra vụ sạt lở kinh hoàng ở thôn 2, xã Trà Vân, huyện Nam Trà My. Tuy nhiên, vì đường vào tận nơi còn rất nhiều khó khăn, đường sá vẫn còn bị chia cắt… Khi có đoàn từ thiện đến hỗ trợ, bà con ra trụ sở xã để nhận.

Hiện trường sạt lở kinh hoàng khiến 4 nhà dân ở nóc Ông Tuần, xã Trà Vân
Hiện trường sạt lở kinh hoàng khiến 4 nhà dân ở nóc Ông Tuần, xã Trà Vân

Anh Đinh Xuân Hùng (SN 1977, ở nóc Ông Tuần- nơi xảy ra vụ sạt lở) vẫn còn chưa hết hoảng sợ. Anh Hùng cho biết, khoảng 2h chiều ngày 6/11, trời mưa rất to, nước cuồn cuộn chảy dưới suối…. Bất ngờ, quả đồi cạnh nhà đổ ập xuống. Hậu quả, trong nhà anh có 6 người gồm hai vợ chồng anh và 4 đứa con bị chôn vùi trong ngôi nhà dưới đống bùn đất.

Nhiều ngôi nhà chôn vùi dưới đống đất đá
Nhiều ngôi nhà chôn vùi dưới đống đất đá

“Lúc đó mình đâu biết gì, mãi đến chiều tối người dân mới đưa được gia đình mình ra ngoài và khiêng xuống trạm xá. Hai ngày sau mới đưa được xuống bệnh viện huyện vì đường sá lúc đó sạt lở nhiều lắm”, anh Hùng nhớ lại.

Gia đình anh Hùng có 6 người thì anh cùng vợ và hai đứa con bị thương. May mắn không có ai tử vong. Đến ngày 18/11, anh và vợ là Nguyễn Thị Thu Hiền cùng hai con vẫn còn đang điều trị tại bệnh viện huyện. Hay tin có đoàn từ thiện về xã hỗ trợ cho bà con nên anh xin phép về nhận.

Một ngôi nhà bị vùi lấp vừa được đưa ra ngoài
Một ngôi nhà bị vùi lấp vừa được đưa ra ngoài

Tang thương nhất là gia đình anh Hồ Văn Ngọ (SN 1994). Cũng trong chiều ngày 6/11, sau khi ăn cơm trưa, anh qua nhà mẹ gần đó uống nước chè. Bỗng một tiếng nổ rất to và sau đó là hàng ngàn mét khối đất đá đổ ập xuống.

“Lúc đó trời mưa to lắm. Ngôi nhà bị cuốn trôi, cả vợ và hai con mình chôn vùi trong đó. Vài tiếng sau, nhờ bà con trong thôn cùng hỗ trợ đào bới để may mắn có thể cứu sống vợ và con”, anh Ngọ nhớ lại.

Một số đồ dùng còn sót lại trong đống đổ nát
Một số đồ dùng còn sót lại trong đống đổ nát

 Tuy nhiên, may mắn không đến với khi con gái anh chỉ mới 2 tháng tuổi là Hồ Thị Mộng Lan đã tử vong, còn vợ là Hồ Thị Vệ bị thương rất nặng, trên đường đưa đến trạm xá cấp cứu thì cũng tử vong. May mắn, con gái anh là Hồ Thị Chi Nhược (4 tuổi) được cứu sống.

Là người may mắn thoát chết trong trận lở núi kinh hoàng, anh Hồ Văn Đảng (31 tuổi, ở nóc Ông Tuần) kể lại, lúc đó mình cùng vợ đang ngồi trong nhà thì nghe ngọn núi sau nhà phát ra một tiếng nổ lớn. Lúc này con trai là Hồ Văn Đợi (8 tuổi), đang ngồi chơi bên nhà hàng xóm thì đất đá bất ngờ ập xuống vùi lấp luôn 4 ngôi nhà, vợ chồng mình may mắn thoát chết nhưng con trai anh cùng một số người khác bị vùi lấp, 3 ngày sau mới tìm được thi thể”.

Đường về thôn mới được tái lập
Đường về thôn mới được tái lập

 Anh Đảng buồn bã nói: “Sự việc xảy ra quá nhanh khiến mọi người trở tay không kịp. Hàng chục con gia súc gia cầm, hàng trăm tấn lúa, gạo của người dân bị vùi lấp trong đống đất đá kia rồi. Tài sản dành dụm được bao nhiêu năm nay đều bị đất đá vùi lấp. Giờ chỉ biết tìm chỗ mới dựng lều, che tạm tấm bạt sống qua ngày thôi. Chúng tôi còn nhà đâu nữa mà về”.

Chưa bao giờ người dân thôn 2 và một số thôn khác xã Trà Vân sống trong cảnh thấp thỏm đến như vậy. Mưa thối đất, thối trời. Những chỗ tưởng chừng là an toàn nhất, vững chắc nhất, cuối cùng lại khiến người dân phải bỏ mạng.

Theo lãnh đạo xã Trà Vân, hiện nay trên địa bàn xã xuất hiện hàng trăm điểm sạt lở, vụ sạt lở ở nóc Ông Tuần là nổi ám ảnh kinh hoàng chưa từng có từ trước đến nay. Từ ngày vụ sạt lở kinh hoàng xảy ra, hơn 120 hộ dân ở một số nóc như Ông Dương, Ông Bình… (thuộc thôn 2) và 23 hộ ở thôn 3, đã quá hoảng sợ nên dắt nhau bỏ đi ngay trong đêm tìm chỗ ở mới khiến ngôi làng không còn một bóng người.

Những nơi không có chỗ để di dời, người dân dựng lều tạm bợ bên cạnh nhà để ở nên điều kiện vô cùng thiếu thốn và khó khăn. Tổng cộng ở nóc Ông Tuần, thôn 2 xã Trà Vân có 4 nhà bị núi vùi lấp hoàn toàn làm 4 người tử vong, 9 người bị thương.

ông Nguyễn Văn Điền – Chủ tịch Hội từ thiện huyện Nam Trà My - cho biết, từ khi xảy ra sạt lở ở thôn 2 xã Trà Vân và các nơi khác, huyện đã tập trung lo mai táng cho người tử vong, chăm sóc người bị thương. Huyện cũng đang tiếp tục điều tra những vùng có nguy cơ sạt lở để di dời dân đến chỗ ở mới.

Theo thống kê ban đầu, trên địa bàn huyện có hàng trăm nhà bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở cao ở các xã, huyện cũng đã huy động lực lượng vũ trang đến khắc phục. Dự kiến đến cuối tháng 11 này, các tuyến đường giao thông về xã mới khắc phục xong.

“Hiện nay, bà con ở vùng sạt lở mong muốn nhất là tấm lợp, quần áo, mùng mền. Những ngày qua, các mạnh thường quân cũng đã giúp dân lương thực, mắm, muối nên không lo sợ bà con đói nữa”, ông Điền nói.

Ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch huyện Nam Trà My cho biết, ngay sau vụ sạt lở núi gây tang thương đối với 4 hộ dân tại khu vực thôn 2, xã Trà Vân, chính quyền địa phương cũng đã nhanh chóng vào cuộc, tạm ứng tiền mua bạt che lều tạm và di dời những hộ khu vực sạt lở đến nơi an toàn hơn. Ngoài ra, huyện đã cử đoàn công tác hơn 30 người đến khu vực sạt lở hỗ trợ tìm kiếm, cứu trợ đồng bào, vận động 117 hộ còn lại di dời khẩn cấp khỏi khu vực sạt lở.

“Đồng bào đã nghe chính quyền di dời khỏi khu vực sạt lở. Nếu không đi thì có khả năng là thảm họa. Khi di dời các hộ đi rồi, huyện chủ trương ổn định ban đầu cho các hộ dân, mỗi hộ được cấp phát 1 tấm bạt, có lương thực đầy đủ. Cùng lúc đó thì chúng tôi quy hoạch ngay 1 khu dân cư, khả năng đáp ứng cho 121 hộ này. Mỗi gia đình ít nhất 200 mét vuông”, Chủ tịch huyện Nam Trà My nói.​

Theo Dân trí

 

;
.
.
.
.
.