Sức sống mới ở Hòa Xuân

.

Khi chúng tôi trở lại phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) vào những ngày Đà Nẵng chịu ảnh hưởng đợt lũ lụt vừa qua, vùng rốn lũ năm nào giờ đã thay da đổi thịt, khoác lên mình chiếc áo mới khang trang. Người nông dân lam lũ một thưở giờ đây cũng sống yên vui trong những căn nhà cao tầng kiên cố.

Những con đường thảm nhựa rộng thênh thang, những dãy nhà cao tầng mọc san sát đã góp phần làm Hòa Xuân khang trang, hiện đại.  Trong ảnh: Một góc Hòa Xuân hôm nay.
Những con đường thảm nhựa rộng thênh thang, những dãy nhà cao tầng mọc san sát đã góp phần làm Hòa Xuân khang trang, hiện đại. Trong ảnh: Một góc Hòa Xuân hôm nay.

Về Hòa Xuân lần này, chúng tôi vô tình gặp lại gia đình ông Nguyễn Đức Hành, trước đây ở khu vực Cẩm Chánh. Năm 2009, chúng tôi đi theo đoàn lãnh đạo thành phố đến trao quà cứu trợ cho gia đình ông. Tôi còn nhớ như in, trong căn nhà tình thương ẩm mốc đầy bùn do lũ vừa quét qua không có vật dụng gì đáng giá, nhìn vợ chồng ông lam lũ, khắc khổ và tiều tụy đến đáng thương. Nhưng bây giờ đã khác, ông tiếp chúng tôi trong căn nhà mới hai tầng đầy ắp tiếng cười trẻ thơ, vẫn vóc dáng của người nông dân hiền hòa chất phác ngày nào nhưng trông ông trẻ, khỏe hơn, tiếng cười sảng khoái hơn. Ông vui mừng cho biết, không riêng gì gia đình ông, đa số người dân ở đây giờ đã khác, nhờ chính sách di dời giải tỏa mà nhân dân có cơ hội được xây dựng nhà cửa, sống trong môi trường thoáng đãng, sạch đẹp, đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu phát triển dân sinh.

Cũng giống như gia đình ông Nguyễn Đức Hành, bây giờ ngồi nghĩ lại, gia đình ông Nguyễn Văn Dịnh (tổ 62) vẫn không tin mình được sống trong căn nhà hai tầng hoành tráng đến vậy. Trước đây, gia đình ông thuộc diện hộ đặc biệt nghèo và là nghèo lâu năm của phường Hòa Xuân. Từ khi vào ở khu tái định cư (2011), gia đình ông không còn phải lo chạy bão, chạy lũ nữa nên đã tập trung vào làm kinh tế, thu nhập ngày càng ổn định và đã vươn lên thoát nghèo bền vững. Ông Dịnh cho biết, hiện gia đình đã có chút vốn, đang tập trung đóng ghe gắn máy, đánh bắt thủy sản trên sông, không còn chèo tay, đánh lưới nhỏ như trước đây nữa.

Không riêng gia đình ông Hành và ông Dịnh, cuộc sống của hàng nghìn người dân nơi đây đã thật sự đổi thay. Hiện nay, phường Hòa Xuân đã có trên 98% hộ dân giải tỏa đã làm nhà tái định cư. Nhà cửa khang trang, đường phố rộng rãi, sạch, đẹp. Bà Hồ Thị Cẩm Nhung, Chủ tịch UBND phường Hòa Xuân vui mừng cho biết, sau hơn 5 năm thực hiện chủ trương của thành phố về mở rộng không gian, hạ tầng đô thị phường Hòa Xuân đã có những phát triển vượt bậc. Đường giao thông được mở rộng và thảm nhựa thông thoáng, hệ thống điện chiếu sáng, giao thông liên lạc được xây dựng đồng bộ; cơ sở hạ tầng và chất lượng y tế, giáo dục được nâng lên; môi trường sạch đẹp, nhà cửa của nhân dân được kiên cố. Ước mơ về cuộc sống mới, không còn lo cảnh ngập lụt mỗi khi mùa mưa bão đến của người dân Hòa Xuân đã trở thành hiện thực.

Ông Phạm Xuân Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Hội đồng hương quận Cẩm Lệ tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong một lần về thăm quê hương Hòa Xuân đã như không thể tin vào mắt mình. Những góc ruộng, thửa vườn thuở nào còn gồng mình chống chọi với nước lũ, nay đã trở thành những khu phố, những tuyến đường rộng thênh thang khiến ông phải thốt lên: “Hòa Xuân là một minh chứng cho sự đổi thay kỳ diệu của một chủ trương đúng, là sức mạnh đồng thuận giữa Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng”.

Chủ trương lớn mang tính nhân văn sâu sắc của thành phố đã đem lại lợi ích thiết thực cho người dân nơi đây. Hòa Xuân hôm nay đã vươn mình trở dậy từ một phường nông nghiệp thành phường đô thị loại một của thành phố Đà Nẵng. Cơ cấu kinh tế có nhiều đổi thay, từ một phường thuần nông, nay Hòa Xuân có hơn 100 doanh nghiệp vừa và nhỏ và các cơ sở sản xuất tập trung ở một số ngành nghề như: cơ khí, may mặc, mộc, sản xuất vật liệu xây dựng…; gần 300 hộ tổ chức nhiều loại hình dịch vụ vận tải, kinh doanh vật liệu xây dựng, ăn uống giải khát và các loại hình dịch vụ có điều kiện khác như: nhà nghỉ, khách sạn, karaoke… giải quyết việc làm cho gần 4.500 lao động trong và ngoài địa phương.

Bài và ảnh: ĐẶNG NỞ

;
.
.
.
.
.