Chính trị - Xã hội

Thống đốc Ngân hàng trả lời về nợ xấu và mục tiêu tăng trưởng

20:30, 16/11/2017 (GMT+7)

Chiều 16-11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng đăng đàn trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, khoá XIV.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng - Ảnh: Quochoi.vn
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng - Ảnh: Quochoi.vn

Biện pháp xử lý nợ xấu?

Đặt câu hỏi đầu tiên cho Thống đốc Lê Minh Hưng, đại biểu Hà Thị Minh Tâm (Hà Nam) quan tâm tới lĩnh vực nợ xấu khi tỷ lệ nợ vẫn cao trong hệ thống: "Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu với các tổ chức tín dụng được hy vọng đánh tan "cục máu đông" của nền kinh tế. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, mà một trong những lý do được đưa ra là sự chưa hoàn thiện về hồ sơ pháp lý. Vậy, sự chưa hoàn thiện này là gì và giải pháp nào để khắc phục?"

Các đại biểu Trần Công Thuật (Quảng Bình) và Đinh Duy Vượt (Gia Lai) cũng có chất vấn Thống đốc NHNN về vấn đề cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, giải quyết nợ xấu, xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém.

"Nợ xấu, tài sản bảo đảm xấu đang là thách thức lớn trong việc hợp nhất một số tổ chức tín dụng và mua bắt buộc một số ngân hàng giá 0 đồng vừa qua, khiến người dân, người gửi tiền bất an, lo lắng. Vậy Thống đốc có giải pháp đột phá nào để đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu, thu hút các nhà đầu tư tham gia xử lý các ngân hàng yếu kém trong điều kiện nguồn lực tài chính của nhà nước còn hạn chế?", đại biểu Đinh Duy Vượt hỏi.

Đại biểu Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) cũng muốn Thống đốc Lê Minh Hưng đưa ra giải pháp trọng tâm để việc xử lý nợ xấu đạt kế hoạch đề ra, lành mạnh hoá hệ thống ngân hàng thời gian tới.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Đinh Duy Vượt, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, việc đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, ngân hàng yếu là nhiệm vụ trọng tâm. Theo ông, NHNNrất nỗ lực, là một trong những bộ ngành từ 2016 tập trung xây dựng đề án liên quan đến ngân hàng.

Nghị quyết 42 rất quan trọng để đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu. Qua nhiều năm, khi đầu nhiệm kỳ Thủ tướng chỉ đạo rà soát vướng mắc trong xử lý nợ xấu. Khuôn khổ pháp lý này nếu tiếp xúc cán bộ ngân hàng thấy sự phấn khích, tự tin. Nghị quyết có hiệu lực từ 15-8-2017 và có giải pháp triển khai cụ thể.

"Việc đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu là nhiệm vụ trọng tâm của NHNN. NHNN đã chọn thí điểm 6 ngân hàng để từ nay đến cuối năm 2017 sẽ tập trung xử lý nợ xấu, trên cơ sở đó sẽ triển khai nhân rộng", Thống đốc Lê Minh Hưng nói.

Sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2017

Đại biểu Quốc hội Mai Thị Ánh Tuyết (đoàn An Giang) đặt vấn đề: Để đạt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế thì theo NHNN sẽ điều hành chính sách tiền tệ tín dụng tăng 18% cả năm phù hợp với tình hình thực tế. Nhưng 9 tháng đầu năm mới đạt tín dụng tăng 12%. Để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế theo kế hoạch thì cần giải pháp gì để đạt tăng trưởng tín dụng như yêu cầu?

Trả lời câu hỏi này, Thống đốc giải thích: Chính phủ đã báo cáo về tăng trưởng và cơ sở động lực cho tăng trưởng. Về khía cạnh ngân hàng, căn cứ nghị quyết phát triển kinh tế-xã hội của Quốc thì xây dựng kịch bản điều hành cho năm 2017 tín dụng tăng trưởng 18% và có điều chỉnh linh hoạt tùy theo diễn biến vĩ mô nền kinh tế.

Tốc độ đến cuối tháng 10 là 13,66%, cao hơn 1 điểm phần trăm so với năm ngoái. Cơ cấu tín dụng 10 tháng đã chảy vào đúng các lĩnh vực ưu tiên: Doanh nghiệp vừa và nhỏ, chế biến chế tạo, nông nghiệp... Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ và NHNN là tăng trưởng tín dụng đi kèm hiệu quả chất lượng tín dụng, đưa vào sản xuất kinh doanh.

"Chúng tôi bảo đảm từ nay đến cuối năm vẫn tăng phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, không gây áp lực kinh tế vĩ mô, nhất là lạm phát, bảo đảm phục vụ tăng trưởng kinh tế. Giải pháp từ nay đến cuối năm đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng như định hướng và kiểm soát được chất lượng tín dụng", Thống đốc khẳng định.

Các đại biểu cũng đặc biệt quan tâm đến những giải pháp của ngành Ngân hàng để có thể huy động vàng, ngoại tệ trong dân, bởi nếu huy động được thì đây sẽ là nguồn lực lớn đưa vào sản xuất kinh doanh.

BT

 

.