Thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018

.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, sáng 10-11, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018, với 417 đại biểu tán thành, chiếm 84,93%.

Quốc hội thông qua toàn văn Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Quốc hội thông qua toàn văn Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Nghị quyết đưa ra mục tiêu tổng quát là tiếp tục bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện ba đột phá chiến lược, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh; đẩy mạnh ứng dụng và phát triển hiệu quả thị trường khoa học công nghệ; khuyến khích đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã kiểu mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; cải thiện đời sống nhân dân, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội; giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế; thúc đẩy bình đẳng giới; thực hiện dân chủ và công bằng xã hội.

Đồng thời, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu; chủ động phòng, chống thiên tai; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; bảo đảm quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; giữ môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước.

Các chỉ tiêu chủ yếu được đưa ra là: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,5%-6,7%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7-8%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33%-34% GDP; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 1%-1,3%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%.

Ngoài ra, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 58%-60%; số giường bệnh trên một vạn dân đạt 26 giường (không tính giường trạm y tế xã); tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 85,2%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường 88%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,6%.

Để thực hiện mục tiêu trên, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện 10 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.

Cụ thể, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa; có giải pháp phù hợp khuyến khích hộ kinh doanh cá thể thành lập doanh nghiệp; tập trung tháo gỡ vướng mắc, khuyến khích tích tụ đất đai gắn với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn; giải quyết đất ở và đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số; thúc đẩy cơ cấu lại công nghiệp, tập trung phát triển các ngành chế biến, chế tạo; công nghiệp phục vụ nông nghiệp; công nghiệp chế biến nông sản; sản xuất hàng gia dụng, điện tử, công nghiệp vật liệu xây dựng, công nghệ thông tin, sinh học, môi trường; công nghiệp hỗ trợ gắn với liên kết chuỗi giá trị của các tập đoàn đa quốc gia...

Song song với đó, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa nội địa, bảo vệ sản xuất trong nước, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tạm nhập, tái xuất, quá cảnh... để buôn lậu; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Xây dựng nền hành chính hiệu lực, hiệu quả, đẩy mạnh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về báo chí; giữ vững độc lập, chủ quyền, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; thực hiện hiệu quả công tác đối ngoại và chủ động hội nhập quốc tế.

Quốc hội đề nghị Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội được thành lập theo quy định của pháp luật giám sát, động viên mọi tầng lớp Nhân dân thực hiện Nghị quyết của Quốc hội.

Quốc hội kêu gọi đồng bào, chiến sỹ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài nêu cao tinh thần thi đua yêu nước, đoàn kết, phát huy nội lực, tận dụng thời cơ thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thành công Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018.

Thời gian còn lại của buổi sáng, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về dự án Luật Đo đạc và bản đồ.

Theo Vietnam+

;
.
.
.
.
.