Làm giàu trên đất quê hương

.

Trên đất Hòa Vang hôm nay, nhiều nông dân tuổi đời khoảng 30 mạnh dạn đầu tư vốn, kinh nghiệm và cả lòng say mê làm giàu trên chính quê hương mình, trở thành những “thanh nông tri điền”.

Nguyễn Duy Tuấn (thứ 3 từ phải qua) được Trung ương Đoàn trao tặng giải thưởng Lương Định Của với danh hiệu “Nhà nông trẻ xuất sắc” tháng 6-2015. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Nguyễn Duy Tuấn (thứ 3 từ phải qua) được Trung ương Đoàn trao tặng giải thưởng Lương Định Của với danh hiệu “Nhà nông trẻ xuất sắc” tháng 6-2015. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Trong số 30 người tham gia lớp học trồng nấm do Hội Nông dân huyện Hòa Vang mở năm 2014, anh Nguyễn Văn Nhi (Giám đốc HTX Nấm Nhơn Phước, xã Hòa Nhơn) là một trong số những người trẻ nhất. Anh và 7 thành viên khác sau khi hoàn thành khóa học nghề 3 tháng, tiến hành sản xuất các loại nấm ăn, nấm dược liệu và đạt hiệu quả ngay từ bước đầu. Hiện HTX có 2 cơ sở sản xuất nấm, ở thôn Thạch Nham Đông và thôn Hòa Khương Đông, với tổng diện tích 1.330m2.

Các sản phẩm nấm linh chi, nấm bào ngư Nhơn Phước đã cung cấp cho thị trường Đà Nẵng và các tỉnh lân cận với số lượng 600kg nấm linh chi/năm và 3 tấn nấm bào ngư/tháng. Ngoài ra mỗi tháng HTX còn đưa ra thị trường 10.000 bịch phôi nấm. Với 8 thành viên HTX, hiện anh thuê thêm 4 lao động bên ngoài cùng sản xuất. Hiện tại, HTX đưa vào sản xuất nấm Milky (loại nấm mới có nguồn gốc từ Ấn Độ), cho giá trị dinh dưỡng cao hơn nấm bào ngư. Sau thời gian trồng thử nghiệm 1.500 bịch, anh thu được 400kg nấm, giá thành bán tại chỗ là 80.000 đồng/ký, cao hơn các loại nấm ăn thông thường từ 20-50%. Trong thời gian tới, HTX sẽ mở rộng hạ tầng, áp dụng quy trình trồng nấm khép kín công nghệ cao tạo ra sản phẩm chất lượng hơn.

Cùng sinh năm 1982 với Nguyễn Văn Nhi, nhưng Nguyễn Duy Tuấn (thôn 5 xã Hòa Khương) theo đuổi nghề nuôi heo từ năm 2006. Ban đầu, Tuấn nuôi 100 con heo thịt theo phương pháp truyền thống. Hằng ngày, anh đến các quán ăn, nhà hàng mua thức ăn thừa mang về cho heo ăn. Cách nuôi heo thiếu đầu tư kỹ thuật khiến heo lâu lớn, phải mất 6-7 tháng mới đủ 70-80kg xuất chuồng, heo dịch bệnh, chết nhiều. Không bỏ cuộc, anh đi khắp nơi học hỏi, tìm hiểu các mô hình nuôi heo khác và quyết định đầu tư vào mô hình nuôi heo bằng hệ thống phòng lạnh khép kín của Thái Lan, nhiệt độ đạt từ 19-29 độ C. Tuấn gom góp mượn 10 cuốn sổ đỏ của người thân đi vay ngân hàng được gần 2 tỷ đồng về thực hiện dự án. Năm 2007, anh nhập 20 con heo giống từ Mỹ về nuôi thử nghiệm. Mỗi con heo mẹ nặng 40kg có giá thành lên đến 10 triệu đồng mỗi con. Để nuôi heo mẹ và đẻ ra heo con, mỗi con mất thêm chi phí 30 triệu đồng nữa. Những con heo con ấy, Tuấn bắt đầu đưa vào nuôi heo thịt. Chỉ trong vòng 5 tháng, heo con đạt trọng lượng 120kg, giá thành bán ra thị trường là 6 triệu đồng, lãi 1-1,5 triệu đồng/con.

Những năm đó, mỗi năm Tuấn thu lại khoảng 300 triệu đồng, cho 1.000 con heo thịt bán ra thị trường Đà Nẵng. “Mình không sợ đầu ra vì đây là giống heo sạch hoàn toàn, ăn thức ăn đạt chuẩn, có định lượng cụ thể, quy trình nuôi cực kỳ nghiêm ngặt, không dùng kháng sinh, không dùng chất tạo nạc, chỉ dùng vắc-xin phòng bệnh, vì mình biết nếu dùng kháng sinh thì 6 tháng sau các chất kháng sinh đó vẫn chưa đào thải ra hết trong con heo”, Tuấn cho biết thêm.

Nhưng mấy năm gần đây những người nuôi heo như Tuấn liên tục bị lỗ, hết dịch bệnh (virus phát tán trong môi trường khiến năm 2014 anh lỗ trên 600 triệu, năm 2015 lỗ 400 triệu), thì qua năm 2016, 2017 số tiền lỗ lên đến hơn 2 tỷ đồng do giá heo rớt thảm hại, chỉ còn chưa đầy 50% so với trước đây.
Nhưng khó khăn không làm nản chí Nguyễn Duy Tuấn. Anh cho biết, thành phố đang quy hoạch 30ha khu chăn nuôi công nghệ cao ở Hòa Khương, nhưng yêu cầu 100% vốn của nhà đầu tư (từ thu hồi, đền bù đất đến san lấp mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng). “Nếu yêu cầu vốn như thế thì mình không có khả năng. Nhà đầu tư cũng ít để ý vì hiện nay thị trường chăn nuôi đã dư thừa, khó đem lại lợi nhuận. Nếu thành phố giao đất sạch thì mình sẽ vay vốn để đầu tư dự án này”. Dù gặp khó khăn, Tuấn nghĩ mình sẽ tìm nhà tư vấn để có một dự án hoàn chỉnh, dự kiến nuôi 2.500 con heo mẹ, 25.000 heo thịt và 5.000 con cá sấu khi tận dụng chất thải chăn nuôi; đồng thời áp dụng công nghệ của Mỹ để không gây ô nhiễm môi trường.

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.