Nửa thế kỷ đã trôi qua, cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 vẫn còn nguyên giá trị và những bài học sâu sắc. Những bài viết về sự kiện này sẽ giúp bạn đọc có cái nhìn toàn diện về sự kiện lịch sử năm xưa trên quê hương Quảng Nam-Đà Nẵng.
Bài 1: “Lót vào” nội thành
Nguyên Phó Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà Trần Thận nhớ về những ngày “lót vào” nội thành Đà Nẵng. |
Tháng 10-1967, Khu ủy 5 quyết định thành lập Đặc khu ủy Quảng Đà, khẩn trương tiến hành mọi công tác chuẩn bị cho cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Đặc khu ủy Quảng Đà xác định Đà Nẵng là mục tiêu trọng điểm và đã tăng cường nhiều cán bộ “lót vào” nội thành.
Ông Trần Thận, cán bộ lão thành cách mạng, 92 tuổi, ở phường Thạch Thang (quận Hải Châu), hồi ấy là Phó Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà, được phân công “lót vào” nội thành Đà Nẵng để kiểm tra và chỉ đạo công tác chuẩn bị bên trong thành phố. Trước đó, ở nội thành Đà Nẵng đã có 2 Ủy viên Thường vụ Đặc khu ủy là Nguyễn Duy Hưng và Hà Kỳ Ngộ.
Cuối tháng 12-1967, ông Trần Thận cùng với một tổ thông tin hành quân suốt 3 đêm, luồn lách qua các đồn, bốt địch, tiến về Đà Nẵng. Từ căn cứ ở Duy Xuyên (Quảng Nam), đoàn cắt qua Điện Hòa, vượt Điện Nam, Điện Ngọc (Điện Bàn)…, đến một gia đình cơ sở tại khu vực Bà Đa-Mỹ Thị (nay thuộc phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn). Ở đây, nắm tình hình hơn một tuần lễ, ông Trần Thận nhận thấy lực lượng địch còn mạnh, điều kiện khởi nghĩa chưa chín muồi, sẽ rất khó khăn khi thực hiện tổng tấn công và nổi dậy. Tuy nhiên, để nắm kỹ hơn, ông quyết định phải vào trung tâm thành phố để kiểm tra cụ thể.
Giữa tháng 1-1968, giao liên quận Nhất đưa ông Thận vào nhà một gia đình cơ sở tên là chị Bốn trên đường Cô Bắc, sau chuyển đến nhà anh Trung ở gần chợ Mới (nay thuộc phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu). Ông khẩn trương nắm lại các tổ chức quần chúng và thấy những tổ chức này chưa đủ mạnh, trong khi sự kiểm soát của địch khá gắt gao. Theo kế hoạch, lực lượng nổi dậy sẽ tập trung tại chùa Tỉnh Hội (nay là trụ sở Thành Hội Phật giáo Đà Nẵng trên đường Ông Ích Khiêm) vào rạng sáng mồng Một Tết để xuống đường, phối hợp cùng lực lượng vũ trang chiếm các cơ quan, công sở của địch, làm chủ thành phố...
Chiều 30 Tết, cấp trên cử thêm ông Hồ Nghinh, Phó Bí thư Đặc khu ủy vào trong thành phố để chỉ đạo lực lượng nổi dậy, phối hợp cùng các mũi tấn công quân sự, giải phóng thành phố với quyết tâm “Thiệu, Kỳ không đổ, không giỗ, không Tết”. “Như vậy, trước Tổng tấn công và nổi dậy, ta đã có 4 cán bộ Đặc khu ủy chỉ đạo bên trong thành phố, gồm 2 Phó Bí thư và 2 Ủy viên Thường vụ Đặc khu ủy”, ông Trần Thận nhấn mạnh.
Do nhiều nguyên nhân, cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân tại Đà Nẵng chưa đạt được mục tiêu. Lực lượng nổi dậy vừa tập trung tại chùa Tỉnh Hội đã bị giặc ập đến đàn áp. Đồng chí Phan Duy Nhân, chỉ huy lực lượng nổi dậy đang hô hào quần chúng vùng lên thì bị cảnh sát ngụy bắn bị thương và sa vào tay giặc. Từ sáng mồng 1 Tết, địch ào ạt phản công, gây cho ta nhiều tổn thất, đồng thời chúng ráo riết lùng sục, tìm bắt các đồng chí lãnh đạo còn kẹt trong thành phố. Tuy nhiên, được nhân dân che chở, 2 Phó Bí thư Đặc khu ủy đều trở về căn cứ an toàn, còn 2 Ủy viên Thường vụ tiếp tục hoạt động bí mật trong lòng địch để chỉ đạo phong trào nội thành.
Nhớ lại những năm tháng ấy, đôi mắt đăm chiêu, ông Trần Thận từ tốn nói: Tuy mục tiêu quân sự chưa đạt được, nhưng tác động chính trị từ cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân đã làm rúng động cả nước Mỹ, buộc đế quốc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán tại Hội nghị Paris. Vị nhân chứng lịch sử cho biết thêm, trên chiến trường Quảng Nam-Đà Nẵng, sau Tết Mậu Thân 1968, ta liên tiếp tổ chức chiến dịch X1 và X2 giành nhiều thắng lợi lớn.
Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM