Kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968

Ngày ấy, trên chiến trường Quảng Nam-Đà Nẵng - Bài 2: Chuẩn bị khẩn trương, đồng bộ

.

Bài 2:  Chuẩn bị khẩn trương, đồng bộ

Công tác chuẩn bị cho cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 được tiến hành khẩn trương, đồng bộ, kết hợp nhiều hình thức, với sự phối hợp của cả guồng máy kháng chiến, của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Tháng 10-1967, Thường vụ Khu ủy 5 quyết định thành lập Đặc khu ủy Quảng Đà trên cơ sở sáp nhập Tỉnh ủy Quảng Đà và Thành ủy Đà Nẵng.

Ông Phạm Thanh Ba, nguyên Phó Chánh văn phòng Đặc khu ủy Quảng Đà với hồi ức về Xuân Mậu Thân 1968.
Ông Phạm Thanh Ba, nguyên Phó Chánh văn phòng Đặc khu ủy Quảng Đà với hồi ức về Xuân Mậu Thân 1968.

Trước đó, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 cũng thành lập Bộ Tư lệnh Mặt trận 4 nhằm thống nhất chỉ huy 3 thứ quân trên chiến trường Quảng Đà (gồm lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Đà, lực lượng vũ trang thành phố Đà Nẵng và các đơn vị bộ đội chủ lực). Đội ngũ cán bộ các cơ quan, đơn vị được bổ sung, tăng cường, trong đó Phó Bí thư Khu ủy 5 Trương Chí Cương (thường gọi Tư Thuận) về trực tiếp làm Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà. Cơ quan Đặc khu ủy Quảng Đà đóng tại vùng B Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.  

Ông Phạm Thanh Ba, 87 tuổi, ở phường Phước Ninh (quận Hải Châu), hồi đó là Phó Chánh văn phòng Đặc khu ủy Quảng Đà, kể lại: Bộ Tư lệnh Mặt trận 4 phối hợp với các ban đấu tranh chính trị, binh vận, gấp rút chuẩn bị các phương án tấn công và nổi dậy. Các ngành hậu cần, cung cấp tiền phương cùng các huyện, đặc biệt là các huyện miền núi, lên kế hoạch huy động nhân tài vật lực một cách khẩn trương. Các ngành giao vận, lương thực, giao bưu, y tế chuẩn bị phương án phục vụ, lập thêm nhiều kho lương thực, trạm giao liên, trạm phẫu, nhất là ở các địa bàn trọng điểm.

Cả ngày và đêm, bộ đội, dân công, thanh niên xung phong tất bật vận chuyển hàng trên các nhánh đường nối với đường Trường Sơn, tỏa về các kho dọc các rãnh núi, địa bàn giáp ranh. Từ đó, vũ khí, lương thực tiếp tục được chuyển đến các mặt trận và vị trí tiếp nhận gần mục tiêu tấn công. Chặng thứ ba do các cơ sở cách mạng và quần chúng trung kiên chuyển vũ khí, đạn dược vào cất giấu trong nội thành, nội thị. “Anh chị em hoạt động nội thành, nội thị vô cùng mưu trí, quả cảm và sẵn sàng chấp nhận hy sinh mới chuyển được vũ khí, đạn dược vào trong vùng địch kiểm soát”, ông Ba nhấn mạnh.
Cùng với đó, các đơn vị lực lượng vũ trang được tăng cường nhanh chóng, khẩn trương triển khai đội hình ở các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên và vùng tây Hòa Vang. Ngoài lực lượng tại chỗ, từ hậu phương lớn miền Bắc đã đưa vào 4 trung đoàn bộ binh, 2 trung đoàn pháo binh, 2 tiểu đoàn đặc công (trong đó có 1 tiểu đoàn đặc công nước) và một số đơn vị khác.

Đến đầu tháng 1-1968, các phương án tổng tấn công, tổng nổi dậy ở thành phố Đà Nẵng, thị xã Hội An và các huyện Hòa Vang, Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc được phê duyệt, trong đó xác định Đà Nẵng là mục tiêu trọng điểm.

Chuẩn bị cho chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, lãnh đạo Đặc khu ủy quyết định thành lập Sở chỉ huy tiền phương nhằm thuận tiện cho việc lãnh đạo các hoạt động tấn công và nổi dậy. Để chuẩn bị nơi làm việc cho Sở chỉ huy tiền phương, cuối tháng 12-1967, Văn phòng Đặc khu ủy cử một đoàn cán bộ, do ông Phạm Thanh Ba phụ trách, khẩn trương liên hệ với hai huyện Điện Bàn và Duy Xuyên nghiên cứu chọn địa điểm phù hợp.

Sau thời gian nghiên cứu khẩn trương, tỉ mỉ, đoàn thống nhất chọn thôn La Hòa (Điện Phước, Điện Bàn) và thôn Giáng La (Điện Thọ, Điện Bàn) để xây dựng hai nơi làm việc chính, đồng thời chọn hai địa điểm dự bị tại xã Xuyên Thanh và xã Xuyên Khương (huyện Duy Xuyên). Cả 4 vị trí đều được Thường vụ Đặc khu ủy duyệt và cử 2 tổ cảnh vệ đi xây dựng hầm, hào tại hai nơi làm việc chính, với yêu cầu phải hoàn thành trước Tết ít nhất 5 ngày.

Tại thôn La Hòa, anh em cảnh vệ đã đào được 6 hầm bí mật và 4 hầm chống pháo. Tất cả đều dựa vào các bụi tre đã bị bom giặc quét trụi chỉ còn trơ trọi những gốc tre. Hầm chỉ huy được xây dựng khá kiên cố, đắp đất dày, trụ hầm là những cột nhà bằng gỗ đường kính khoảng 20cm. Trong hầm có thể ngồi họp khoảng 12 người và trải bản đồ, sơ đồ phục vụ công tác lãnh đạo. Miệng hầm được ngụy trang cẩn thận, thông ra giao thông hào chạy ra cánh đồng. Các hầm khác cũng được xây dựng tương đối tốt.
Tối 29-1-1968, Sở chỉ huy tiền phương Đặc khu ủy đã về thôn La Hòa để chỉ đạo tổng tấn công và nổi dậy. Bí thư Đặc khu ủy Trương Chí Cương trực tiếp lãnh đạo Sở chỉ huy tiền phương. Ban ngày, địch vẫn lùng sục ở nhiều vùng kế cận, ban đêm máy bay địch quần đảo và bắn pháo sáng khắp nơi. Công tác giữ bí mật được đặt lên hàng đầu. Suốt thời gian trước đêm giao thừa, việc liên lạc chỉ dùng vô tuyến điện, đến tối 30 Tết mới bắc hệ thống hữu tuyến từ Sở chỉ huy tiền phương Đặc khu ủy đến cơ quan tiền phương của Bộ Tư lệnh Mặt trận 4.

Ngay trong đêm 29-1, đồng chí Trương Chí Cương đã chủ trì cuộc họp Thường vụ Đặc khu ủy và tiếp theo là cuộc giao ban với Bộ Tư lệnh Mặt trận 4 nhằm soát xét lại toàn bộ kế hoạch tổng tấn công và nổi dậy, đồng thời nghe phản ánh tình hình diễn biến mới, chỉ đạo xử lý các vấn đề nảy sinh. “Mọi người làm việc không nghỉ tay, thức suốt đêm, ban ngày cũng không sao chợp mắt được, vì tình hình rất khẩn trương trên khắp các chiến trường”, ông Ba kể.

 Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM

 

;
.
.
.
.
.
.