Kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968

Ngày ấy, trên chiến trường Quảng Nam-Đà Nẵng - Bài 4: Hoạt động của lực lượng nổi dậy

.

Đã 50 năm trôi qua, những kỷ niệm sâu sắc trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 vẫn vẹn nguyên trong tâm khảm ông Nguyễn Tấn Thọ (80 tuổi, ở phường An Hải Đông, quận Sơn Trà), nguyên Chánh Văn phòng Đảng ủy Khu 3 Hòa Vang thời đó...

Ông Nguyễn Tấn Thọ
Ông Nguyễn Tấn Thọ

Chuẩn bị cho chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968, lực lượng nổi dậy được tổ chức chặt chẽ nhằm phối hợp với lực lượng quân sự thực hiện “tổng tấn công, tổng nổi dậy, giành chính quyền về tay nhân dân”. Các cánh quân khởi nghĩa từ Điện Bàn, Hòa Vang và cả trong nội thành Đà Nẵng được chuẩn bị chu đáo, biên chế thành từng trung đoàn, tiểu đoàn, đại đội quần chúng nổi dậy.

Theo kế hoạch, sáng mồng Một Tết Mậu Thân, lực lượng nổi dậy từ các hướng tiến vào Đà Nẵng, cùng với lực lượng nổi dậy trong nội thành tiến vào chiếm các cơ quan của địch, phối hợp với lực lượng quân sự, làm chủ thành phố.

Ông Nguyễn Tấn Thọ bồi hồi kể: Khu 3 Hòa Vang đảm nhiệm hướng chính của lực lượng quần chúng tiến vào Đà Nẵng trong sáng mồng Một Tết. Lãnh đạo Khu 3 Hòa Vang đã huy động hơn 7.000 người tham gia, chia thành 15 đại đội, chủ yếu là người già, phụ nữ và thiếu nhi, có cán bộ, đảng viên, du kích làm nòng cốt.

Anh em du kích có vũ khí, còn lại từng người đều trang bị cây, dây cùng với một đòn bánh tét để ăn khi đói. Đi trước đội hình từng đại đội, trung đội là những cán bộ binh địch vận, có loa cầm tay, đảm nhiệm kêu gọi binh lính địch không đàn áp nhân dân khi bị chúng ngăn chặn.

Ai cũng hào hứng, phấn khởi. Ai cũng hừng hực quyết tâm “Thiệu, Kỳ không đổ, không giỗ, không cúng”. Trước đó, ta đã vận động bà con ngư dân ở khu vực Khái Đông, Tân Lưu (nay thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) cho mượn 50 chiếc thuyền để chở lực lượng quần chúng qua sông Cẩm Lệ.

Ngư dân nơi đây luôn hướng về cách mạng, không chỉ cho mượn thuyền mà còn nhận nhiệm vụ chèo thuyền vận chuyển qua sông. Trong đêm giao thừa, anh em du kích và quần chúng cách mạng đã bí mật khiêng 50 chiếc thuyền băng qua nhiều nỗng cát, đồng ruộng, vòng tránh các đồn bốt địch, về tập kết tại bến đò Toản trên sông Cẩm Lệ, thuộc xã Hòa Đa (nay là phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ).

Đúng 5 giờ mồng Một Tết, 15 đại đội quần chúng nổi dậy của Khu 3 Hòa Vang tập trung tại bến đò Toản và khẩn trương vượt sông Cẩm Lệ. Từng tiểu đội, trung đội nô nức xuống thuyền. Những chiếc thuyền băng băng rẽ nước tiến qua bờ bắc sông Cẩm Lệ.

Chỉ trong chốc lát, đầu đội hình đã sang sông và tiếp tục vượt qua bãi cát ở bến Đò Xu, xã Hòa Cường (nay thuộc phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu). Bất ngờ, máy bay địch lao tới bắn xối xả vào đội hình.

Nhiều thuyền đang qua sông bị trúng đạn. Các thuyền khác vẫn tiếp tục vượt sông. Chị Phạm Thị Bê, nhân viên binh vận xã Hòa Hải, bị thương vào bụng, một tay giữ vết thương, một tay cầm loa hô to: “Các thuyền tiếp tục tiến lên!”.

Ngay sau đó, anh em du kích nổ súng bắn máy bay, bảo vệ đội hình. Các xạ thủ súng trường đã bắn rơi tại chỗ 1 chiếc máy bay địch. Nhiều máy bay lại lao tới ném bom. Pháo binh địch bắn vào đội hình. Lực lượng ta bị nhiều tổn thất. Bộ phận chưa qua sông phải rút về nơi xuất phát.

Còn bộ phận đã qua sông tiến đến chùa Bà Quảng (xã Hòa Cường) thì bị giặc ngăn chặn, đàn áp, không tiến được nữa. “Đây cũng là lực lượng chính trị duy nhất ở ngoại thành vào được nội thành Đà Nẵng theo chủ trương “Xuống đường, nhập thị” trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tại Đặc khu Quảng Đà”, ông Thọ nhớ lại.

Trong khi đó, rạng sáng mồng Một Tết, khi lực lượng quần chúng ở nội thành Đà Nẵng vừa tập trung tại chùa Tỉnh Hội đã bị bọn cảnh sát ngụy ập đến đàn áp. 3 cán bộ phụ trách công tác nổi dậy tại đây là Phan Duy Nhân, Nguyễn Thị Thành và Phạm Thị Cẩm Nhung.

Khi địch ập vào chùa, anh Phan Duy Nhân đang hô hào nổi dậy bị chúng bắn bị thương và sa vào tay giặc. Hai chị Nguyễn Thị Thành và Phạm Thị Cẩm Nhung nhanh nhẹn trở ra phía trước chùa như người đi đường và thoát khỏi vòng vây giặc nhờ mưu trí vẫy tay đón xe của một sĩ quan ngụy “xin đi nhờ”...

Hồi tưởng lại hoạt động nổi dậy trong mùa xuân máu lửa năm xưa, ông Thọ khẳng định: dẫu mục tiêu trong Tết Mậu Thân 1968 chưa đạt được, nhưng ý chí kiên cường, dũng cảm của lực lượng chính trị mãi mãi sáng ngời trong lịch sử dân tộc và là niềm tự hào của muôn đời con cháu.

Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM

;
.
.
.
.
.
.