Qua một năm triển khai thực hiện chương trình “Thành phố 4 an”, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của thành phố được bảo đảm; vệ sinh an toàn thực phẩm có nhiều chuyển biến tích cực; chính sách an sinh xã hội được triển khai hiệu quả, góp phần cải thiện đời sống các gia đình chính sách, hộ nghèo.
Cảnh sát giao thông Công an quận Thanh Khê kiểm tra người điều khiển phương tiện giao thông trên đường Nguyễn Tri Phương. |
Thoát nghèo, có việc làm
Ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, thành viên Tổ giúp việc 4 an cho biết, chương trình “Thành phố 4 an” triển khai trong năm 2017 khá thuận lợi. Thực hiện mục tiêu chăm sóc người có công, thành phố tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ với kinh phí trên 100 tỷ đồng; hoàn thành đề án hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho các gia đình có công cách mạng với kinh phí hơn 43 tỷ đồng; 1.430 căn nhà được sửa chữa, xây mới, đạt 107,9% kế hoạch. Thành phố bảo đảm chi trả thường xuyên cho gần 22.000 đối tượng chính sách với kinh phí gần 400 tỷ đồng/năm; hoàn thành việc giải quyết các hồ sơ tồn đọng, nâng cấp sửa chữa các mộ, nghĩa trang liệt sĩ.
Với mục tiêu “có việc làm”, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm với nhiều chính sách đồng bộ như: tổ chức các phiên chợ việc làm định kỳ; khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân và thu hút doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; lồng ghép các chương trình, dự án phát triển trên địa bàn, đẩy mạnh hoạt động phát triển sản xuất - kinh doanh; tăng cường hoạt động dạy nghề, tư vấn nghề và việc làm, đào tạo nghề ngắn hạn miễn phí; tập trung giải quyết tốt việc hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ di dời giải tỏa; ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay vốn… Theo đó, đã có 32.500 lao động tìm được việc làm.
Đặc biệt, mục tiêu giảm nghèo và “không có hộ đặc biệt nghèo” được chú trọng đúng mức. Ông Nguyễn Văn An cho biết, các ngành chức năng từ thành phố đến quận, huyện, phường, xã triển khai nhiều giải pháp giúp người nghèo tăng khả năng tiếp cận dịch vụ công cộng, nhất là về y tế, giáo dục, dạy nghề, trợ giúp pháp lý, nhà ở, nước sinh hoạt, hỗ trợ phát triển sản xuất thông qua các chính sách tín dụng ưu đãi… Nhờ vậy, đã giúp đỡ cho 5.687 hộ vươn lên thoát nghèo. Riêng ngành thương binh và xã hội quan tâm đặc biệt 242 hộ nghèo diện gia đình có công, đến nay đã thoát nghèo hoàn toàn.
“Qua những kết quả trên cho thấy, công tác an sinh xã hội trên địa bàn thành phố đã tạo được sự đồng thuận và quyết tâm cao của các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể và nhân dân. Đây sẽ là tiền đề vững chắc góp phần bảo đảm ổn định xã hội, từng bước nâng cao đời sống của nhân dân, tạo đà cho sự phát triển bền vững của thành phố”, ông Nguyễn Văn An chia sẻ.
An ninh trật tự, giao thông, an toàn thực phẩm được kiểm soát
Đại tá Trần Mưu, Phó Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng cho biết, xác định thực hiện hiệu quả đề án chương trình “Thành phố 4 an” là một trong 3 nhiệm vụ trọng tâm năm 2017, Công an thành phố đã triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm trong toàn lực lượng. Đối với lĩnh vực an ninh trật tự (ANTT), ngành công an triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp, các chuyên đề đấu tranh phòng, chống tội phạm; đồng thời huy động nhân dân tham gia tố giác, phát hiện tội phạm. Năm 2017, cơ quan công an điều tra, khám phá 376/449 vụ vi phạm trật tự xã hội (TTXH) đạt 83,7%; đặc biệt, nhiều loại tội phạm gây nhức nhối trong xã hội được giảm mạnh như: trộm cắp, cưỡng đoạt tài sản, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Cuộc sống yên bình của người dân được giữ vững, góp phần ổn định để thành phố phát triển kinh tế, xã hội.
Riêng lĩnh vực giao thông, thành phố triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quyết liệt như cải tạo các nút giao thông phức tạp; thông xe hầm chui nút giao phía tây cầu sông Hàn và nút giao Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương; tiếp tục đề xuất phương án đầu tư một số nút giao thông trọng điểm giai đoạn 2016-2020.
Ngoài việc đầu tư hạ tầng giao thông, kiểm soát, xử lý các điểm bất cập về giao thông, thành phố còn triển khai lắp đặt camera giám sát an toàn giao thông (ATGT). Đặc biệt, theo Đại tá Lê Ngọc, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), toàn lực lượng CSGT triển khai chuyên đề xử lý xe ben, xe quá tải, phương tiện đi ngược chiều, vượt đèn đỏ, nồng độ cồn quá mức cho phép, chạy quá tốc độ…; qua đó đã phát hiện, xử lý hàng nghìn trường hợp vi phạm. Lực lượng CSGT còn triển khai tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân việc chấp hành các quy định về ATGT. “Trật tự ATGT nhờ đó bảo đảm hơn, góp phần kéo giảm tai nạn giao thông TNGT, không để xảy ra các vụ TNGT nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Tình trạng ùn tắc giao thông cũng đã hạn chế”, Đại tá Lê Ngọc nhìn nhận.
Bên cạnh kết quả đạt được về mặt TTXH, ATGT, lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cũng có chuyển biến rõ nét. Nếu như những năm trước, tình trạng vi phạm ATVSTP trong kinh doanh diễn ra nhiều thì năm 2017 đã giảm đáng kể. Ông Nguyễn Tứ, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông-lâm sản và thủy sản thành phố cho biết, cái được nhất trong thực hiện chương trình “Thành phố 4 an” là thành phố đã thống kê, lấy mẫu, giám sát nguồn hàng, rau củ quả, thủy sản từ các tỉnh khác về Đà Nẵng, điều trước đây chưa làm được. Qua kết quả đánh giá, tỷ lệ mẫu rau, củ, quả bị tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt giới hạn cho phép chỉ khoảng 2,5% (trước đây trên 7%). Kết quả này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó có việc Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 35 về quản lý ATVSTP đối với sản phẩm nông, lâm, thủy sản đã qua chế biến không bao gói sẵn và sản phẩm rau, trái cây, thủy sản nhập vào tiêu thụ tại thành phố Đà Nẵng. Theo ông Nguyễn Tứ, khi ngành chức năng thành phố phát hiện các mặt hàng nhập về Đà Nẵng có chất cấm thì sẽ thông báo đến các địa phương để kiểm soát chặt hơn và không để tái diễn tình trạng này. Ngoài ra, ngành nông-lâm-thủy sản cũng đã tham mưu cho thành phố ký kết với 5 tỉnh trên cả nước về cung ứng thực phẩm an toàn cho Đà Nẵng. Bên cạnh đó, các địa phương sẽ phối hợp quản lý thực phẩm. Chi cục cũng đã xây dựng, phát triển 8 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ thực phẩm tại các chợ, nhất là kiểm soát vàng ô; thường xuyên kiểm tra các cơ sở giết mổ, để kịp thời phát hiện biểu hiện bơm nước vào gia súc, tiêm thuốc an thần…
Trong năm 2017, các sở, ngành, địa phương trên địa bàn Đà Nẵng đã tổ chức 14.589 lượt kiểm tra, thanh tra, điều tra về ATVSTP. Kết quả có 13.641 cơ sở đạt yêu cầu, đạt 93,5%, xử phạt 500 tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm ATVSTP với số tiền gần 910 triệu đồng, cảnh cáo 448 đối tượng. Lực lượng Cảnh sát môi trường kiểm tra, điều tra, phát hiện 89 vụ vi phạm ATVSTP, xử phạt 77 cá nhân, 12 tổ chức với số tiền gần 650 triệu đồng. Giám sát ô nhiễm sinh học, hóa học trong thực phẩm đối với 1.939 mẫu, kết quả 1.869 mẫu đạt, 63 mẫu không đạt. Chi cục Quản lý thị trường thành phố tiến hành kiểm tra, xử phạt 475 cơ sở vi phạm, xử phạt gần 940 triệu đồng; hủy 4.409 chai rượu, 32 lít rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ. |
Bài và ảnh: NGỌC PHÚ