Để đưa được ngư dân bị tai nạn, đau ốm trên biển vào bờ an toàn và cứu chữa kịp thời không thể không nhắc tới những “chiến sĩ áo trắng” của Trung tâm Cấp cứu 115 thành phố Đà Nẵng. Dù không quen với sóng cao, gió lớn nhưng các y, bác sĩ vẫn sẵn sàng vượt hàng trăm hải lý để đến kịp thời với những trường hợp bị tai nạn lao động, đau ốm, đột quỵ trong lúc hành nghề trên biển.
Y sĩ của Trung tâm Cấp cứu 115 thành phố (phải) và cán bộ y tế tàu SAR 412 (trái) cấp cứu cho một bệnh nhân là ngư dân quận Sơn Trà bị đau trên biển. |
Theo ông Bùi Tân Nguyên, Giám đốc Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II (Da Nang MRCC), việc cứu các ngư dân gặp nạn trên biển, nhất là các ngư dân bị tai nạn lao động, ốm đau… luôn có sự đóng góp tích cực của lực lượng y, bác sĩ của Trung tâm Cấp cứu 115 thành phố. Những năm qua, Trung tâm đã đưa hàng trăm lượt y sĩ, bác sĩ phối hợp cùng lực lượng cứu nạn cứu sống nhiều ngư dân.
Với ngư dân Đà Nẵng và miền Trung, hình ảnh nữ bác sĩ Phạm Thị Ánh Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 thành phố Đà Nẵng trên những chuyến tàu SAR đã trở nên quen thuộc, đến mức mọi người gọi chị bằng cái tên trìu mến “chị Hồng Hoàng Sa”.
Dù cũng chân yếu tay mềm, cũng nôn thốc nôn tháo trước sóng lớn nhưng chị đã có thâm niên trên chục năm cùng tàu SAR đi cứu nạn ngư dân ở vùng biển Hoàng Sa và nhiều vùng biển khác. Chỉ cần nghe thông tin ngư dân đang gặp nguy kịch là chị quên hết mọi nỗi sợ hãi và lên đường.
Không chỉ ra tận biển khơi để cấp cứu, nữ bác sĩ Ánh Hồng còn có biệt tài “sơ cấp cứu qua Icom”. Theo lời chị, cấp cứu trên biển khó bao nhiêu, thì qua Icom khó hơn nhiều lần. Khi do thời tiết xấu, sóng chập chờn, không nghe rõ; khi trời êm, sóng vô tuyến tốt, thì chuyện hướng dẫn sơ cứu cũng trở ngại vì vấp rào cản ngôn ngữ vùng miền.
Nhưng “cứu người hơn cứu hỏa”, khó khăn nào chị và các cộng sự cũng vượt qua. Ngoài ra, với vai trò lãnh đạo, có kinh nghiệm điều phối lực lượng đi cấp cứu trên biển, bác sĩ Hồng cũng đã “chọn mặt, gửi vàng”, lựa chọn những cán bộ có tay nghề giỏi để theo tàu ra khơi.
Ở Trung tâm Cấp cứu 115 thành phố, ngoài “chị Hồng Hoàng Sa” còn có nhiều y, bác sĩ đã không quản ngại theo tàu SAR 412 và 274 ra tận vùng biển Hoàng Sa cũng như đi đến các vùng biển có ngư dân Đà Nẵng và miền Trung bị tai nạn lao động, ốm đau để sơ, cấp cứu. Y sĩ Đỗ Quốc Chung kể, bây giờ anh cũng không nhớ đã theo tàu cứu nạn bao nhiêu chuyến. Chỉ biết, khi có lệnh của lãnh đạo thì anh cùng đồng nghiệp xách đồ nghề cấp cứu lên đường, cho dù lúc đó đêm khuya hay sáng sớm. “Cách đây chừng 7 năm, ngày đầu ra biển, khi theo tàu SAR 412 ra khu vực Hoàng Sa để cấp cứu cho một ngư dân bị tai nạn lao động, tôi say sóng đến lả người. Thế nhưng, khi đến nơi thấy ngư dân bị nạn, không biết sức mạnh từ đâu mà tôi tỉnh táo hẳn và đứng dậy cấp cứu cho ngư dân qua cơn nguy kịch trước khi được tàu cứu nạn chở về đất liền”, y sĩ Chung tâm sự.
Năm 2017, y sĩ Đỗ Quốc Chung theo tàu SAR 412 đã xuất kích nhiều đợt để cứu ngư dân. Hành trình xa nhất, gian nan nhất và cũng hạnh phúc nhất chính là cứu ngư dân H.V.L (thuyền viên tàu QNa 90794) bị tai nạn lao động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, cách Đà Nẵng 300 hải lý.
Trong lúc lao động, anh L. bị ngã từ giàn cao, va đập mạnh vào vật cứng, tổn thương phần ngực, tình hình rất nguy kịch. Trên hành trình đi cứu nạn, mặc dù y sĩ Chung và đồng nghiệp bị đuối sức nhưng tâm trí vẫn luôn lo lắng cho ngư dân, bởi lẽ hành trình quá xa, sợ không đến kịp.
“Hơn 20 giờ vượt sóng, tàu SAR 412 cũng đã đưa chúng tôi đến khu vực ngư dân gặp nạn. Sau khi các thủy thủ đưa nạn nhân lên tàu, chúng tôi nhanh chóng sơ cứu, chống choáng cho bệnh nhân, tiến hành cầm máu, truyền dịch. Gần một tiếng đồng hồ trôi qua, tình hình bệnh nhân chuyển biến tốt, kíp cấp cứu thở phào nhẹ nhõm”, y sĩ Chung nhớ lại. Cũng theo y sĩ Chung, nếu chỉ muộn vài tiếng đồng hồ nữa, bệnh nhân có thể đã không qua khỏi.
Y sĩ Đào Đức Hùng cũng nhiều lần đi cấp cứu trên biển chia sẻ: “Giữa tháng 2-2017, tôi nhận lệnh đi cứu ngư dân T.V.Đ (thuyền viên tàu QNg 92679) bị thương rất nặng, tàu cá hoạt động ở khu vực Hoàng Sa, cách Đà Nẵng trên 300 hải lý. Khi tàu SAR 412 chỉ còn cách tàu bị nạn vài chục hải lý thì bị tàu Trung Quốc truy đuổi. Ngư dân đang nguy kịch, lại bị tàu Trung Quốc rượt đuổi nên kíp cấp cứu chúng tôi vô cùng lo lắng. Thế nhưng, bằng sự dũng cảm, khôn khéo, các thủy thủ tàu SAR 412 đưa chúng tôi kịp đến với ngư dân gặp nạn trong tình trạng sức khỏe “ngàn cân treo sợi tóc”.
Còn đối với y sĩ Nguyễn Ngọc Tứ, cảm giác ngày đầu xuống tàu ra vùng biển Hoàng Sa cách đây vài năm vẫn còn nguyên vẹn. “Lần đầu tiên cách đây 6 năm, tôi theo tàu ra biển cứu nạn. Tôi và đồng nhiệp say sóng nằm lăn lóc, nhưng vẫn cảm thấy rất tự hào. Cái cảm giác đó giờ vẫn hiện hữu sau mỗi chuyến đi biển của tôi”, anh Tứ chia sẻ. Trong hàng chục chuyến đi cấp cứu ấy, với anh Tứ có thể kể đến việc anh cùng đồng nghiệp hỗ trợ, cấp cứu kịp thời 3 ngư dân tàu Hà Tĩnh bị ngạt khí gas vào cuối tháng 9-2017.
Thời điểm đó, thuyền trưởng Nguyễn Văn T. cùng 2 thuyền viên Nguyễn Tiến Đ. và Nguyễn L. trong lúc xuống hầm lạnh thì bị ngạt khí gas, tình trạng nguy kịch, hôn mê sâu, sùi bọt mép, khó thở, co quắp chân tay, lúc tàu cá này hoạt động cách Đà Nẵng 125 hải lý.
Khi tàu cứu nạn ra đến nơi thì 2 ngư dân đã hôn mê, 1 người trong tình trạng nôn ra máu. Xác định các nạn nhân đang nguy kịch, y sĩ Nguyễn Ngọc Tứ cùng đồng nghiệp lập tức tiến hành cấp cứu và cả 3 bệnh nhân đều qua cơn nguy kịch. “Thấy họ tỉnh dậy, tim mạch đập ổn định, huyết áp trở lại bình thường, chúng tôi thở phào trong hạnh phúc, sung sướng. Tàu SAR 412 bắt đầu tăng tốc để đưa 3 nạn nhân về bệnh viện cấp cứu an toàn”, y sĩ Tứ kể lại.
Sau khi hồi phục sức khỏe và trở về nhà, ông Nguyễn Văn T., thuyền trưởng tàu Hà Tĩnh gặp các y, bác sĩ giọng run run xúc động: “Tôi nghe các thuyền viên trên tàu nói tôi khó qua khỏi, nhờ các y, bác sĩ đến cứu kịp thời, tính mạng tôi đã được giữ. Tôi thực sự cảm ơn các anh”.
Được chứng kiến bệnh nhân qua cơn nguy kịch trở về đất liền là niềm hạnh phúc không thể tả của y, bác sĩ. Thế nhưng, cũng có chuyến cứu nạn để lại trong các anh, chị cảm giác buồn đau... Y sĩ Đào Đức Hùng kể: Đó là một chuyến cứu nạn trong năm 2017, khi anh nhận lệnh đi cứu một ngư dân ngụ tại quận Thanh Khê bị bệnh nặng ở khu vực biển Hoàng Sa.
Trước khi lên đường, mặc dù bệnh nhân được tư vấn y tế và sơ cứu ban đầu nhưng do quãng đường quá xa, tàu SAR 412 đã đạt vận tốc tối đa vẫn không đến kịp để cứu... “Mỗi y, bác sĩ khi ra biển cứu ngư dân đều mong muốn cứu được thành công. Bởi khi đi, chúng tôi được gia đình nạn nhân gửi gắm niềm tin và hy vọng rất nhiều. Vì vậy, khi không đến kịp để cứu bệnh nhân, mình cảm thấy rất ray rứt...”, y sĩ Hùng xúc động chia sẻ.
Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II (Da Nang MRCC) cho biết, từ đầu năm 2017 đến nay, Trung tâm đã nhận 145 thông tin liên quan đến cứu nạn của ngư dân. Qua đó, Da Nang MRCC đã điều động tàu SAR 412 và 274 đi cứu nạn 37 lần, cứu 127 thuyền viên bị nạn trên biển (trong đó có 6 thuyền viên nước ngoài); 14 tàu bị nạn ở vùng biển Hoàng Sa. Bên cạnh đó, lực lượng hỗ trợ, cứu gián tiếp 287 trường hợp, lai dắt về bờ 9 tàu bị nạn. |
Bài và ảnh: NGỌC PHÚ