Giải pháp nào cho bờ biển xói lở, sụt lún?

.

Những năm gần đây, nhiều đoạn bờ biển ở Đà Nẵng bị xâm thực mạnh, phá vỡ các bờ kè do các chủ đầu tư khu du lịch xây dựng và đe dọa các công trình ở bên trong. Trong khi đó, việc khai thác nước ngầm quá mức và bơm thải nước ngầm rỉ từ móng các công trình xây dựng ven biển gây sụt lún bãi biển vào mùa khô.

Khu công viên dịch vụ giải trí du lịch thể thao biển Quê Việt bị sóng đánh trôi bờ kè chắn sóng, đe dọa các công trình bên trong. 					 Ảnh: HOÀNG HIỆP
Khu công viên dịch vụ giải trí du lịch thể thao biển Quê Việt bị sóng đánh trôi bờ kè chắn sóng, đe dọa các công trình bên trong. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), từ cuối năm 2017 đến nay, tại bờ biển dọc tuyến đường Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa xuất hiện 2 khu vực bị xâm thực mới. Theo đó, ở khu du lịch Sao Việt Non Nước (Melia) và bãi tắm Non Nước (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn), hiện tượng xâm thực bắt đầu xảy ra trong đêm 23 và ngày 24-11-2017 với chiều dài xâm thực khoảng 100m, nước biển đã lấn vào khu vực bờ kè của khu du lịch gây sạt lở bờ kè (phía trước hồ bơi).

Vừa qua, Sở TN-MT tiếp tục kiểm tra thực địa thì thấy khu vực xâm thực trước hồ bơi của khu du lịch Sao Việt Non Nước đã được bồi lấp trở lại, hố xâm thực dịch chuyển về phía bắc, gây sập một phần bờ kè của khu du lịch Sao Việt Non Nước, sập tháp canh cứu hộ của bãi tắm Non Nước và gây sạt lở bờ biển với chiều dài khoảng 150m.

Tại khu vực bãi tắm công cộng Sao Biển (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn), bờ biển bị xâm thực kéo dài khoảng 150m, nước biển xâm thực vào sát bờ kè, gây vỡ bờ kè bê-tông. Sóng biển cũng xâm thực sâu vào các công trình của Công ty CP Quê Việt cạnh bãi tắm Sao Biển.

Ông Huỳnh Vạn Thắng, nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho hay, biển tiến sâu vào bờ và gây xói lở bề mặt bãi biển cũng như bờ biển tiếp giáp bãi cát dọc đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, Trường Sa là hiện tượng tự nhiên, xảy ra hằng năm.

Mùa mưa bão năm nào xuất hiện bão mạnh và áp thấp nhiệt đới liên tục thì biển càng tiến sâu vào bờ và gây sạt lở mạnh bờ biển. Những vị trí bị sóng biển phá bờ kè nói trên một phần do chủ đầu tư xây dựng ra quá xa so với bờ biển và hoàn toàn không phải là bờ kè chắn sóng biển.

“Không gian đô thị Đà Nẵng được quy hoạch và xây dựng hướng biển nên cũng đã xây dựng những công trình đê, kè biển rất kiên cố và hình mẫu cho cả nước. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu làm xuất hiện nhiều cơn bão mạnh và sóng biển cao, để chủ động ứng phó, các doanh nghiệp cần thuê các đơn vị tư vấn tốt, có kinh nghiệm về quy hoạch, thiết kế công trình ven biển hoặc mời Sở NN&PTNT thành phố tư vấn cách đầu tư xây dựng kè chắn sóng với kết cấu phù hợp, vững chãi, bảo vệ an toàn công trình, tài sản bên trong”, ông Thắng nói.

Sóng đánh vỡ bờ kè xây bằng đá hộc và đánh sập mặt sàn bằng bê-tông lát đá tấm của đường nội bộ thuộc Khu du lịch Sao Việt Non Nước.
Sóng đánh vỡ bờ kè xây bằng đá hộc và đánh sập mặt sàn bằng bê-tông lát đá tấm của đường nội bộ thuộc Khu du lịch Sao Việt Non Nước.

Tại hội thảo khoa học “Môi trường nước tại Đà Nẵng, thực trạng và giải pháp” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Đà Nẵng tổ chức vào cuối tháng 12-2017, TS. Nguyễn Thị Minh Phương (Đại học Duy Tân Đà Nẵng) bày tỏ lo ngại sự sụt lún mặt đất, xói mòn đường bờ do việc hạ thấp mực nước ngầm.

Qua theo dõi và quan trắc thường xuyên tại bãi tắm T18 cho thấy, bãi cát đã bị sụt lún trung bình 40cm, có vị trí sụt lún trên 50cm.

“Việc khai thác và bơm nước thải nước ngầm quá nhiều sẽ gây sụt lún, sạt lở mặt đất, điều này đã được khoa học chứng minh. Nhưng thực tế các hoạt động khoan bơm, hút nước ngầm để sử dụng và bơm thải nước rỉ từ móng các công trình xây dựng ngày càng tăng. Nhưng trên địa bàn thành phố có nhiều hoạt động cản trở sự phục hồi nước ngầm như: lát bề mặt bằng các vật liệu không thấm nước, xây hệ thống cống ngầm thoát nước mưa…

Vì thế, cần nghiên cứu, khảo sát nguyên nhân, đánh giá nguy cơ trong tương lai gần của hiện tượng xâm thực và đề xuất giải pháp ngăn chặn. Cần dừng ngay các hoạt động làm cạn kiệt nguồn nước dưới đất cho đến khi phục hồi; đồng thời, cần tính toán tốc độ sụt lở và quy mô sụt lở bãi cát”, TS. Nguyễn Thị Minh Phương kiến nghị.

KTS Hồ Duy Diệm, Chủ tịch Hội Bảo vệ lưu vực và dải biển Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng cũng đồng tình rằng, việc khai thác và bơm nước thải nước ngầm quá nhiều sẽ gây sụt lún, sạt lở bãi biển; đồng thời kiến nghị thành phố khuyến khích nghiên cứu về tình trạng sụt lún, sạt lở bờ biển và tác dụng duy trì mực nước ngầm của bán đảo Sơn Trà đối với khu vực ven biển.

Lãnh đạo Sở TN-MT cho hay, sẽ định kỳ theo dõi, kiểm tra tình hình xâm thực bờ biển trên địa bàn thành phố, nhất là tại những khu vực xâm thực mới để có số liệu chính xác cung cấp cho các nhà khoa học tìm hiểu, nghiên cứu nguyên nhân gây tình trạng xâm thực bờ biển và kịp thời báo cáo UBND thành phố.

Sở TN-MT cũng đang mời các chuyên gia của Trường Đại học Thủy lợi nghiên cứu, xác định cụ thể nguyên nhân gây sạt lở bờ biển từng khu vực để có biện pháp xử lý phù hợp.

Còn theo thông tin từ Sở NN&PTNT, nguyên nhân gây sạt lở bờ biển được nhận định là do ảnh hưởng của gió mùa đông bắc hoạt động hằng năm, có năm kéo dài qua tháng 3. Đến khi có gió mùa tây nam hoạt động, biển sẽ bồi cát trở lại như cũ. Về biện pháp xử lý sạt lở ở khu vực bãi tắm Sao Biển, Non Nước và khu du lịch Sao Việt Non Nước, Sở đề nghị xây dựng bờ kè chắn sóng kiên cố để giữ đất, tránh hư hại tài sản bên trong.

“UBND thành phố cũng đang giao các sở, ngành và đơn vị liên quan tiến hành đánh giá tổng thể xâm thực bờ biển, tìm hiểu nguyên nhân và đề xuất giải pháp ứng phó lâu dài”, ông Hoàng Thanh Hòa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết.

Ông Đinh Phùng Bảo, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ cho rằng, trước đây, Đài đã có đề xuất đo đạc dòng chảy, hướng gió cùng những yếu tố khác rồi tổng hợp, đánh giá lại, nhưng các cơ quan chức năng của thành phố không có ý kiến phản hồi nên các cán bộ, nhân viên kỹ thuật của Đài cũng chưa tiến hành đo đạc.

“Phải nắm được hiện tượng xảy ra sạt lở nhiều vào mùa nào, tốc độ gió có gì khác biệt... rồi mới phân tích được. Đồng thời, về lâu dài, cần phải có các nghiên cứu, đánh giá hiện tượng này của các nhà khoa học”, ông Bảo nói.  

Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP

;
.
.
.
.
.
.