Rau, trái vườn quê

.

Người Hòa Vang đã góp phần làm nên cái Tết của người Đà Nẵng, từ hoa quả bày biện trên bàn thờ gia tiên cho đến bữa cơm ngày Tết, bằng những vườn bưởi, vườn ổi trĩu quả ở Hòa Ninh, những vườn rau xanh mướt mát ở Hòa Phong, Hòa Tiến...

Vườn bưởi trĩu quả của anh Đặng Văn Nhân.
Vườn bưởi trĩu quả của anh Đặng Văn Nhân.

Ngoài vùng mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở thôn Trung Nghĩa (xã Hòa Ninh) và Đông Lâm (xã Hòa Phú), huyện Hòa Vang còn có các vùng trồng rau chuyên canh truyền thống ở Túy Loan (xã Hòa Phong), Phú Sơn Nam (xã Hòa Khương), Yến Nê, Cẩm Nê (xã Hòa Tiến), Thạch Nham Tây và Ninh An (xã Hòa Nhơn).  Những vườn rau xanh như níu kéo khách xa bởi đủ loại rau ăn lá, ăn quả, đâu đó lại có vạt cải lên ngồng, nở hoa vàng lấm tấm làm cho những vùng rau thêm bắt mắt. Rời vùng rau, đi dưới vườn bưởi lúc lỉu quả ở Hòa Ninh, hay những vườn chuối ở Hòa Phú, Hòa Phong, cảm giác như lạc vào một vùng cây trái nào đó ở miền Đông Nam bộ.

Mùa Tết cũng là mùa đem lại thu nhập khá, cho họ thêm một cái Tết đủ đầy. Bà Đặng Thị Bốn, thôn Túy Loan Tây, xã Hòa Phong cho biết, ngoài những loại rau ăn lá như mồng tơi, dền, rau muống, bà trồng thêm một giàn bí xanh và khổ qua. “Năm nay thời tiết khá thuận lợi nên rau trồng được, giá rau vẫn giữ nguyên, còn bí xanh và khổ qua thì dịp Tết là được giá nhất vì đây là loại quả nhà ai cũng mua ăn dịp Tết, “mong cho qua khổ”, nên nông dân bọn tui cũng nhờ nó mà kiếm tiền”.

Ông Bùi Dũng, Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan cho biết, với 45 hộ trồng rau, năm nay giá rau ổn định, thậm chí giảm hơn năm ngoái; còn các loại củ, quả thì có tăng nhưng chỉ khoảng 10% nên thu nhập của nông dân không khá hơn các năm trước nhiều: “Trong 1 tuần trước Tết, trung bình mỗi hộ thu nhập từ các loại rau, củ được khoảng 400.000 đồng/ngày”. Con số này chưa phải là nhiều, nên bà con nhiều vùng trồng rau vẫn chưa làm giàu được với nghề của mình.

Qua vùng Đông Sơn, xã Hòa Ninh, mô hình trồng bưởi của 4 anh em Đặng Văn Nhân, Đặng Văn Tịnh, Đặng Văn Hòa, Đặng Văn Tuấn với khoảng 500 gốc bưởi (trong đó riêng anh Nhân có 330 gốc) đã cung cấp ra thị trường vài nghìn trái bưởi hồng da xanh cho người dân cúng Tết. Đây là giống bưởi tứ quý, ruột hồng, da xanh trắng, mỏng vỏ. Anh Nhân cho biết, trước đây anh làm nông nhưng đây là vùng đất đồi, thiếu nước nên không thể trông chờ vào cây lúa, thế là chừng 15 năm trước anh chuyển sang trồng chôm chôm, xoài, mít, sầu riêng nhưng cũng “không ăn thua” vì thổ nhưỡng không hợp, cứ đến mùa bão là cây gãy đổ nhiều. Sau đó, từ gốc bưởi trong vườn nhà mẹ, anh chiết ra trồng được khoảng chục cây, thấy quả sai, đều, anh nhân lên được 100 gốc. Từ đó cả mấy anh em đầu tư vào trồng bưởi. “Sau 3 năm trồng cây cho thu hoạch, những cây sai quả cho đến 200 quả/cây. Giống bưởi này chính vụ vào tháng 8 âm lịch, vụ Tết chỉ bán để thờ cúng là chính chứ bưởi ăn chưa ngon. Với giá thành 20.000 đồng/kg, mỗi năm cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng, thu nhập vậy là ổn nhất so với các cây trồng khác”, anh Nhân cho hay. Tết năm nay bưởi được giá, dao động từ 25.000 - 30.000 đồng/trái, anh Nhân có nguồn thu khoảng 30 triệu đồng từ tiền bán bưởi.

Mới đây, xã Hòa Ninh đầu tư 17ha vùng chuyên canh sản xuất sạch ở 3 thôn An Sơn, Đông Sơn, Trung Nghĩa, anh Nhân được đầu tư 1 ha, trồng 250 gốc bưởi. Hứa hẹn sau 3 năm nữa, anh có một nguồn thu nhập ổn định khoảng 200 triệu đồng/năm. “Trước đây tôi trồng không có kỹ thuật. Năm vừa rồi Phòng Nông nghiệp huyện Hòa Vang tổ chức vô tận Tiền Giang học cách chăm sóc, tỉa cành, chăm cây. Năm tới tôi sẽ nâng cao chất lượng trái lên, giúp trái láng hơn, ngọt hơn”, anh Đặng Văn Nhân cũng cho biết là sau một tuần đi Tiền Giang học cách trồng, chăm sóc cây, giờ những nông dân ở Hòa Ninh như anh biết trồng ổi, trồng thơm xen vào dưới những vườn bưởi để lấy ngắn nuôi dài, mùa nào cũng cho thu nhập.

Hiện nay, hầu như xã nào ở Hòa Vang cũng có những mô hình chăn nuôi, trồng trọt theo hướng sản xuất sạch, được đầu tư nhà lưới, nhà kính, cho nông dân một nguồn thu nhập ổn định, giảm dần sự phụ thuộc vào thời tiết. Như mô hình vườn rau nhà kính ở xã Hòa Phú bước đầu triển khai 1ha tại thôn Đông Lâm với tổng kinh phí 2,744 tỷ đồng. Tết năm nay, mô hình này cho các loại rau, quả như: cải, rau muống, mồng tơi, cà chua, dưa lưới... Ông Nguyễn Tân, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú cho biết, xã đã vận động nhân dân chuyển đổi 2ha đất không sản xuất được gần vườn rau nhà kính, định hướng trồng các loại cây hoa màu như ớt, khổ qua, đậu cô ve, sau này sẽ tiếp tục mở rộng vườn rau nhà kính lên quy mô 3ha. Ngoài ra bà con nông dân ở Hòa Phú đầu tư trồng bưởi, mít, dừa xiêm..., khoảng 1-2 mùa tới mới cho sản lượng ổn định.

Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp huyện Hòa Vang, hiện cả huyện có 42,4ha trồng rau, trồng chủ yếu các loại rau ăn quả như dưa leo, bí, đậu cô ve, ớt, khổ qua và các loại rau ăn lá như cải, xà lách, rau muống, tần ô. Năng suất vụ Tết đạt 500 - 700kg/sào rau ăn lá và 1,2 - 1,5 tấn/sào rau ăn quả.

Bài và ảnh: HIỀN LƯƠNG

;
.
.
.
.
.
.