Những ngày giáp Xuân Mậu Tuất 2018, phóng viên Báo Đà Nẵng có mặt trên tàu 561 cùng đoàn công tác của Lữ đoàn 146 - Vùng 4 Hải quân đi làm nhiệm vụ thay thu quân, chúc Tết và tặng quà tại một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa.
Chúng tôi đặt chân đến 12 điểm đảo của 6 đảo thuộc quần đảo Trường Sa gồm: Phan Vinh, Tốc Tan, Núi Le, Tiên Nữ, Thuyền Chài và An Bang. So với tuyến đảo khác của các tàu, đây là chuyến đi dài 20 ngày với hải trình hơn 900 hải lý, tương đương quãng đường 1.700km với những cái nhất như: chặng đường dài nhất, các điểm đảo có khoảng cách xa nhất, tuyến đảo xa nhất nằm ở cực đông địa đầu Tổ quốc...
Người lính đảo bên cột mốc chủ quyền. Ảnh: DUYÊN ANH |
Bài 1: Tiếp nối trang sử hào hùng
Sau hơn 40 giờ đồng hồ lênh đênh trên biển kể từ điểm xuất phát tại Quân cảng Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa), khi những tia nắng bình minh ló dạng cũng là lúc tàu chúng tôi thả neo. Hành trình đến đảo đầu tiên mà đoàn công tác đặt chân là đảo Phan Vinh - hòn đảo mang tên anh hùng LLVTND Nguyễn Phan Vinh. Đứng từ boong tàu, mọi người có thể nhìn thấy hình hài một góc đảo nổi với vệt cát trắng dài giữa bao la bốn bề biển nước.
Đứng trên mép cầu cảng, các cán bộ, chiến sĩ (CBCS) đảo Phan Vinh đón đoàn công tác với nụ cười tươi và thân thiện. Hình ảnh gây ấn tượng ngay với chúng tôi là mốc chủ quyền trên đảo nằm trước sân khá rộng với lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới. Các đơn vị ở các cụm chiến đấu cũng như Trạm Radar 44... đã tập trung đông đủ và xếp thành hàng ngũ chỉnh tề. Chúng tôi cũng đứng nghiêm bên cạnh những người lính để thực hiện nghi thức thiêng liêng, chào cờ và hát Quốc ca.
Sau phần nghi thức, đoàn thắp hương tại chùa Phúc Vinh - ngôi chùa duy nhất trong chuyến hành trình đoàn đi qua. Men theo giao thông hào và bức thành bê-tông sát mép biển là miếu Ba Cô với am thờ quay ra mặt biển, chúng tôi dừng lại thắp hương và trở về phòng thờ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Phan Vinh. Mỗi bước dừng chân, những vị khách lần đầu tiên tới đây lại được lần giở những trang vàng sáng chói, oai hùng của đảo...
Phó Chính ủy Lữ đoàn 146 Phan Ngọc Quang trầm ngâm kể: Trước đây, dân gian gọi tên đảo là Hòn Sập, theo hải đồ nằm cách cảng Cam Ranh 300 hải lý (khoảng 600km) về phía đông. Đảo gồm 2 điểm đảo: Phan Vinh A nằm trên nền san hô hình vành khuyên, dài khoảng 5 hải lý theo hướng đông bắc; Phan Vinh B ở phía tây, cách điểm A khoảng 4 hải lý, bên cạnh một xác tàu đắm nhô cao hơn mặt nước biển...
Đảo Phan Vinh nhìn từ tàu. |
Sau 40 năm dưới lá cờ sừng sững trên đảo Phan Vinh, các thế hệ CBCS của đảo thể hiện một ý chí quyết tâm, một lòng kiên trung giữ đảo. Vượt qua biết bao khó khăn và thời tiết khắc nghiệt, đảo Phan Vinh ngày nay được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kiên cố.
Có dịp thăm đảo, chúng tôi cảm nhận toàn cảnh về đời sống nơi đây, khi hệ thống năng lượng gió, điện mặt trời, các phương tiện kỹ thuật hiện đại được trang bị bảo đảm; cùng với đó là điều kiện vật chất lẫn tinh thần ngày càng lớn mạnh. Và hơn cả, sự dõi theo của đồng bào, nhân dân cả nước cùng hướng về Trường Sa... là niềm tin để CBCS an tâm canh giữ vùng biển, trời thiêng liêng của Tổ quốc.
Đêm đầu tiên trên đảo Phan Vinh (cũng là nơi chúng tôi được lưu trú lâu nhất), trong khoảnh khắc giao lưu giữa đoàn công tác và các chiến sĩ, mọi người không kìm được cảm xúc rưng rưng khi nghe giai điệu bài hát Tổ quốc gọi tên mình. Trung sĩ Nguyễn Thành Luân (19 tuổi, quê Bình Dương) ở Cụm chiến đấu 2, đảo Phan Vinh bày tỏ:
“Đến Trường Sa là niềm mơ ước của em từ lúc còn rất nhỏ. Khi đặt chân lên đảo, em mới tin mình đang được góp một phần công sức, trở thành một phần hồn của hòn đảo mang tên người anh hùng Phan Vinh. Em cũng như đồng đội càng muốn gắn bó và cống hiến”.
Thượng tá Ngô Đình Xuyên, Chỉ huy trưởng đảo Phan Vinh, người ở lâu nhất và là chỉ huy đầu tiên khi đảo được nâng cấp từ cấp 3 lên cấp 1 cho biết: “Ban đầu, đảo rất bề bộn và gặp nhiều khó khăn, song CBCS động viên nhau phát huy nội lực, quyết tâm xây dựng đảo, phục vụ tốt đời sống mọi mặt. Mặc dù đảo chưa được khang trang như ý muốn nhưng cũng bảo đảm nhu cầu tốt nhất, giúp CBCS sinh hoạt, học tập, huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu”.
Những ngày này, không khí trên đảo Phan Vinh như rộn ràng hơn bởi những hoạt động xung kích của Chi đoàn thanh niên nhằm kỷ niệm 40 năm xây dựng và phát triển. Phát huy truyền thống vẻ vang của những chiến sĩ kiên trung trên đường Hồ Chí Minh trên biển, năm 2015, đảo được nâng cấp lên đảo cấp 1. Liên tục nhiều năm đảo được công nhận là đơn vị quyết thắng, được tặng bằng khen, giấy khen của Bộ Tổng tham mưu, Chính ủy Quân chủng, các cấp, ngành…
Hằng năm, đảo thường xuyên đạt đơn vị vững mạnh toàn diện, tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh... Đặc biệt, năm 2017, nhiều cá nhân và tập thể đơn vị được nhiều phần thưởng xứng đáng của UBND tỉnh Khánh Hòa về thành tích chống bão.
Trước giờ chia tay, chúng tôi không quên lời Thượng tá Phạm Văn Thường, Chính trị viên đảo dặn dò đồng đội: Phan Vinh là một trong những đảo có vị trí quan trọng trong vành đai thế trận đảo nổi, đảo chìm ở Trường Sa. Mỗi CBCS đều thể hiện tình đoàn kết yêu thương, gắn bó và chia sẻ trách nhiệm. Tất cả xem đảo là nhà và đồng đội là anh em để phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tiếp nối trang sử hào hùng của đoàn tàu không số năm xưa, CBCS đảo Phan Vinh phải nối dài thêm chiến công của thế hệ cha anh đi trước.
Liệt sĩ Nguyễn Phan Vinh sinh năm 1933, là con út trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở Điện Nam Bắc (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Anh nhập ngũ năm 21 tuổi và tập kết ra Bắc tham gia đoàn thuyền không số huyền thoại. Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, để chi viện cho các vùng ven biển Khu 5, tàu C235 - thuộc đoàn tàu không số gồm 20 người, do thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh chỉ huy, được giao chở vũ khí, phương tiện chiến đấu, đồ quân dụng… đến bến Hòn Hèo, xã Ninh Vân (Ninh Hòa, Khánh Hòa). Đêm 29-2-1968, rạng sáng 1-3-1968, khi vào thả hàng tại khu vực, tàu C235 bị địch phát hiện và bao vây, tấn công. Đơn vị đã dũng cảm chiến đấu để bảo vệ bí mật đường Hồ Chí Minh trên biển. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh cùng thượng sĩ cơ điện Ngô Văn Thứ chiến đấu anh dũng đến hết đạn và dành quả lựu đạn cuối cùng cho mình, quyết không sa vào tay địch. Ngày 25-8-1970, liệt sĩ Nguyễn Phan Vinh được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Tháng 4-1978, trong một lần ra thăm đảo, Tư lệnh Hải quân Việt Nam Giáp Văn Cương lấy tên anh hùng Phan Vinh đặt tên cho hòn đảo. Hòn Sập mang tên đảo Phan Vinh từ đó. |
Bài và ảnh: DUYÊN ANH