Thời gian qua, nhiều trung tâm văn hóa, thể thao (VH-TT) từ quận, huyện đến phường, xã trên địa bàn Đà Nẵng được quan tâm đầu tư, tuy nhiên vẫn chưa tạo được sức hút đối với người dân. Một trong những nguyên nhân của thực trạng này là vì nơi đây thiếu không gian xanh.
Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã Hòa Bắc trở thành nơi phơi lúa vào ngày nắng do thiếu cây xanh. |
Nói về điều này, ông Trần Ngọc Lễ (73 tuổi, thôn 2, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang) cho biết, tại Trung tâm VH-TT xã Hòa Sơn có các dụng cụ tập thể dục nên những hộ dân xung quanh thường đến tập, nhưng chỉ buổi sáng sớm và chiều mát chứ cứ nắng lên, đặc biệt nắng nóng của mùa hè thì chẳng ai lai vãng đến nơi này vì thiếu bóng mát cây xanh.
Tương tự, ông Nguyễn Hoài Phương, Trưởng thôn 2 cũng phản ánh điều kiện cây xanh tại Trung tâm VH-TT xã Hòa Sơn chưa được quan tâm đúng mức. “Tôi thấy trồng cây nào chết cây đó vì chẳng được chăm sóc. Người dân chỉ đến sinh hoạt, vui chơi khi nơi đấy mát mẻ, tạo sự thư giãn. Tôi nghĩ để thiết chế văn hóa hoạt động hiệu quả, cần đầu tư đồng bộ, từ cơ sở vật chất bên trong, đến cảnh quan bên ngoài. Chứ với tình trạng hiện nay, người dân không mặn mà vì có gì đâu để họ tới”, ông Phương nói.
Trong khi đó, thiết chế VH-TT cơ sở tại các quận trung tâm thành phố cũng không ngoại lệ. Giám đốc Trung tâm VH-TT quận Sơn Trà Lê Văn Soạn chia sẻ, trên địa bàn quận hiện có 6 Trung tâm VH-TT, nhưng chỉ có Trung tâm VH-TT của 3 phường An Hải Bắc, An Hải Đông, Thọ Quang mới bước đầu được trồng cây xanh, tạo thảm cỏ, nhưng để có không gian xanh đúng nghĩa thì phải đầu tư nhiều hơn.
Cũng theo ông Soạn, theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020, nhiều thiết chế văn hóa cơ sở được xây dựng thì cần tính toán đến vấn đề không gian xanh cho các thiết chế đó. Tương tự, ông Vương Tuấn Kiệt, Giám đốc Trung tâm VH-TT quận Thanh Khê cho biết, hiện quận có 8 Trung tâm VH-TT, nhưng đa phần diện tích nhỏ hẹp nên việc tạo không gian xanh cho thiết chế là khá khó khăn.
“Chủ yếu là trồng vài cây xanh ở khoảng sân trước trung tâm. Một số trung tâm mới đi vào hoạt động thì cần thời gian để cây cho bóng mát. Hiệu quả hoạt động của thiết chế là điều quan tâm hàng đầu, nhưng cũng tính toán các yếu tố cùng tạo nên hiệu quả đó, kể cả tạo bóng mát”, ông Kiệt nói.
Tình trạng không gian xanh tại 13 trung tâm VH-TT trên địa bàn quận Hải Châu cũng không khá hơn. Ông Lê Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường Thuận Phước (quận Hải Châu) cho biết, các thiết chế văn hóa trên địa bàn phường hiện được đầu tư cơ sở hạ tầng, thảm cỏ, thiết bị tập thể dục ngoài trời nhưng về hạng mục công viên cây xanh lại thiếu. Ông Hùng đề nghị thành phố có phương án bàn giao cho Công ty Công viên cây xanh để chăm sóc và bảo quản, địa phương không thể đảm nhận công việc này.
Theo ông Hà Vỹ, Phó Giám đốc Sở VH-TT thành phố, tại Quy định tạm thời về tổ chức, quản lý và hoạt động của Trung tâm VH-TT phường, xã trên địa bàn thành phố do UBND thành phố ban hành có nêu rõ “Trách nhiệm của Giám đốc Công ty Công viên cây xanh thành phố quản lý, bảo quản chuyên môn hệ thống cây xanh tại các Trung tâm VH-TT; chăm sóc, bảo dưỡng thường xuyên cây xanh; thay mới cây chết, phối hợp Trung tâm VH-TT trong việc bảo quản”.
Tuy nhiên, đại diện Công ty Công viên cây xanh thành phố cho biết, thời gian qua, có thực hiện hợp đồng công ích với Sở Xây dựng về một số hạng mục và chỉ bảo dưỡng, chăm sóc các hạng mục trong hợp đồng, còn trách nhiệm tại Quy định tạm thời về tổ chức, quản lý và hoạt động của Trung tâm VH-TT phường, xã trên địa bàn thành phố thì “bây giờ mới được nghe tới”?!
Vì thế, theo nhiều ý kiến, thời gian đến, Sở VH-TT cần phối hợp Sở Xây dựng cũng như Công ty Công viên cây xanh thành phố, các địa phương cùng giải quyết vấn đề này để các thiết chế văn hóa trở thành nơi diễn ra các sinh hoạt cộng đồng, giải trí của người dân, đáp ứng cho nhu cầu giao tiếp xã hội; là nơi để tập thể dục thể thao và thư giãn nhằm tái tạo sức lao động của cư dân; góp phần tạo dựng không gian kiến trúc cảnh quan đặc trưng của đô thị cũng như cải thiện môi trường sống.
Bài và ảnh: NGỌC HÀ