Trong buổi gặp mặt truyền thống những người làm công tác Tuyên huấn Đặc khu Quảng Đà thời chống Mỹ, cứu nước, nhân kỷ niệm 43 năm Ngày giải phóng Đà Nẵng (29-3-1975 - 29-3-2018), đồng chí Trần Thận, nguyên Bí thư Đặc khu ủy xúc động nhắc lại câu chuyện về đồng chí Trần Hưng Thừa (Trần Bắc), Thường vụ Đặc khu ủy, Bí thư quận Nhất (được bố trí vào nội thành Đà Nẵng trực tiếp chỉ đạo phong trào).
Đêm 28-3, khi được tin Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh vùng 1 chiến thuật, sau nhiều ngày ra rả kêu gọi tử thủ Đà Nẵng, đêm 28-3 đã lẻn lên trực thăng bay ra Hạm đội 7 tìm đường thoát thân, đồng chí Trần Bắc viết thư hỏa tốc báo cáo Thường vụ Đặc khu ủy và đề nghị đưa lực lượng vào giải phóng ngay Đà Nẵng.
Anh Trần Thận cho rằng, từ đề xuất của anh Bắc, Ban Thường vụ Đặc khu đã có một quyết định sáng suốt hành động ngay, có phương án mới nổi dậy tiến công giải phóng Đà Nẵng và đã giành thắng lợi trọn vẹn.
Tự vệ thành phố Đà Nẵng trong ngày giải phóng 29-3-1975. Ảnh: TTXVN |
Là người trong chiến tranh có thời gian gần gũi công tác với anh Bắc, tôi xin ghi lại một vài ký ức về một con người vô cùng giản dị, hiền hậu song đã có những quyết định táo bạo, đúng đắn vào những thời điểm lịch sử. Anh Bắc thủy chung là một người con của thành phố Đà Nẵng.
Anh Trần Bắc người gốc Huế. Cả gia đình anh vào Đà Nẵng sinh sống làm ăn từ lâu. Anh học hành, lớn lên và khởi xướng tham gia cách mạng ở Đà Nẵng, trở thành người Đà Nẵng. Sau Cách mạng Tháng Tám và trong kháng chiến chống Pháp, anh phụ trách công tác thông tin tuyên truyền của Đà Nẵng. Nhiều thời gian anh được phân công làm công tác văn phòng cấp ủy, người tay hòm chìa khóa cho Đảng bộ. Hiệp định Genève ký kết, anh được bố trí ở lại miền Nam.
Là người gốc Huế, giọng Huế đặc sệt và lại là một thanh niên trí thức, anh sống hòa đồng với anh em cán bộ, nhân viên người Quảng từ các chàng trai nông dân đến mọi người trong cơ quan. Cần cù chu đáo trong công việc, chân tình hết lòng với anh em đồng chí, anh được anh em rất quý mến, tin cậy.
Là thủ trưởng cơ quan văn phòng nhưng anh không hề dùng quyền lực hay mệnh lệnh của cấp trên để điều hành công việc mà thường bằng sự gương mẫu vốn rất tự nhiên của người đứng đầu và những lời nói nhỏ nhẹ ân cần, kể cả trước những công việc nặng nhọc, những tình huống hiểm nguy.
Nhiều năm nằm gai nếm mật, trụ bám ở chiến trường gian khổ ác liệt, sức khỏe anh Bắc giảm sút, có lúc người chỉ còn một nhúm xương. Cơ quan bao lần bố trí cho anh ra Bắc chữa bệnh và nghỉ dưỡng một thời gian, anh đều một mực tìm cách từ chối. Cuối cùng, thuyết phục mãi anh mới chịu đi.
Ở miền Bắc nhưng ngày đêm anh vẫn lo nhớ việc cơ quan. Tôi nhớ trong một lá thư viết từ Hà Nội gửi cho anh em văn phòng, anh cho biết “ngoài này họ đã nghiên cứu và nhận xét bia trộn với sữa uống rất ngon và rất bổ khỏe”, anh dặn anh em ráng gùi về bồi dưỡng cho anh Hồ Nghinh.
“Ở đây (miền Bắc) phải có tiêu chuẩn mới mua được ít bia sữa, chứ ở trong mình chỉ cần chịu khó gùi về là có”, anh bày tỏ sự quan tâm lo lắng cho sức khỏe của anh Nghinh như lo cho người ruột thịt của mình. Những ngày ấy chúng tôi đều biết anh Nghinh tuổi đã cao vẫn kiên cường chịu đựng gian khổ và luôn chia sẻ với anh em những gì ngon tươi dù chỉ là một chút.
Ở miền Bắc trở về, anh có đem theo đến cả chục cây bút máy Kim Tinh, Anh Hùng của Trung Quốc - lúc này là món quà rất được yêu thích, anh mau chóng chia gửi cho anh em văn phòng, chỉ giữ lại một cây cho công việc của mình. Nhưng rồi anh nghe đâu có một đồng chí ở văn phòng thắc mắc: “Tại sao mình lại chưa có phần quà miền Bắc của thủ trưởng?”. Anh liền trao cho chiếc bút đã giữ lại cho mình.
Cuối năm 1973, Hiệp định Paris đã ký được gần 1 năm. Đường Hồ Chí Minh, Đông Trường Sơn đã mở thông từ A Sầu, A Lưới qua Hiên, Giằng với những lát cắt đỏ ối. Những đoàn xe ngày đêm nối nhau chở mọi thứ vũ khí hàng hóa chi viện cho chiến trường.
Tôi được theo anh Phạm Đức Nam thăm một số đơn vị của Binh đoàn Trường Sơn – 1959. Ở cơ quan một sư đoàn, các đồng chí lãnh đạo đều là người Đà Nẵng và là bạn chiến đấu của anh Bắc từ những ngày kháng chiến chống Pháp. Trong lúc vui câu chuyện, các đồng chí hỏi tôi “chúng tôi muốn gửi một chút quà cho anh Bắc, anh góp ý cho chúng tôi gửi cái gì anh Bắc thích nhất, cần nhất”.
Thú thực lúc ấy tôi nghĩ mãi không ra, bởi anh Bắc của chúng ta là người học theo Bác Hồ “Nâng niu tất cả chỉ quên mình” (thơ Tố Hữu). Sau một hồi trao đổi, tôi nói vui “có lẽ các anh gửi cho anh ấy một lọ nhỏ ớt khô thiệt cay”, mọi người ồ lên tán thành. Và tôi biết anh Bắc dù rất thích ăn cay, nhất là khi bữa cơm ở chiến khu chỉ có mắm kho hay muối hầm, anh cũng chẳng bao giờ giữ riêng lọ ớt quý ấy cho mình.
Trong Tổng tấn công và nổi dậy Xuân 1975, anh Bắc là Thường vụ Đặc khu ủy, Bí thư quận Nhất được bố trí vào sâu trong nội thành trực tiếp chỉ đạo phong trào.
Như đã nói trên, đêm 28-3, được tin Ngô Quang Trưởng đã bỏ chạy, anh đã viết thư hỏa tốc báo cáo Thường vụ Đặc khu ủy và đề nghị đưa lực lượng vào giải phóng ngay Đà Nẵng.
Thường vụ Đặc khu ủy liền xin ý kiến Thường vụ Khu ủy 5. Đến 11 giờ ngày 29-3 thì nhận được trả lời đồng ý của đồng chí Võ Chí Công và Chu Huy Mân. Đồng chí Phan Hoan, Tư lệnh Mặt trận 4 phát lệnh cho bộ đội xuất quân.
Thư hỏa tốc và đề nghị đưa lực lượng vào giải phóng ngay Đà Nẵng cho thấy địch đã rối loạn, tê liệt. Thời cơ để nổi dậy và tiến công giải phóng Đà Nẵng đã đến. Đây là một phương án không nằm trong các phương án đã chuẩn bị. Cũng trong sáng 29-3, ở nhà số 245 Phan Châu Trinh - Đà Nẵng, anh Bắc, Thường vụ Đặc khu ủy, Bí thư quận Nhất phát lệnh khởi nghĩa.
Không chờ lực lượng quân sự tiến vào truy quét quân đội Sài Gòn chiếm lĩnh các cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn ở Đà Nẵng, Ủy ban Khởi nghĩa của các quận, các khu phố và các cơ sở cách mạng tổ chức đưa quần chúng xuống đường, chiếm lĩnh các cơ quan, công sở.
Anh em ta phá cửa nhà lao Kho Đạn giải phóng hơn 700 anh chị em đồng chí tù chính trị, chiếm lĩnh và quản chặt tài sản vật tư ở các ngân hàng, kho lương thực, xăng dầu. Các cơ sở của ta và lực lượng khởi nghĩa ở các nhà máy vận động công nhân chiếm giữ, bảo vệ máy móc, đảm bảo cung cấp điện nước bình thường.
Trong lúc hoảng loạn, nhiều sĩ quan, binh lính Sài Gòn tháo chạy về phía Sơn Trà hy vọng có thể thoát thân bằng đường biển, nhưng rồi lâm vào cảnh tuyệt vọng, vứt súng, cởi bỏ quân phục, một số ngoan cố cụm lại chống cự, được các mẹ, các chị tay không xáp vào kêu gọi “chống cự là chết, hãy bỏ súng quay về với gia đình, với đồng bào để hưởng cuộc sống hòa bình”.
Những kinh nghiệm mấy mươi năm thực hành “2 chân, 3 mũi”, những điều định làm mà chưa làm được hồi Tết Mậu Thân đã giúp đội quân của các mẹ chị tay không hạ gục giặc. Một cảnh tượng chưa từng có khi quân giải phóng xuất hiện, đồng bào mừng vui ào ra đường phố chào đón nồng nhiệt.
Nhiều cơ sở của ta được đồng bào giúp đỡ đã có xe gắn loa chạy trên đường phố kêu gọi khởi nghĩa. Nhiều người có xe đã nghe theo lệnh của cách mạng chạy xe vào Điện Thắng, Vĩnh Điện đón chở cán bộ, chiến sĩ ta vào Đà Nẵng thật nhanh, kịp làm nhiệm vụ.
Chắc chắn rằng trong tình hình mùa xuân 1975 không có một thế lực nào, một phép màu nào có thể ra tay cứu vớt cho chế độ Sài Gòn thoát khỏi sụp đổ và người Mỹ không phải tháo chạy tán loạn. Vấn đề không phải là nhanh hơn 12 hay 24 giờ đồng hồ mà trong tình hình những ngày đó, đây là phương án tốt nhất để làm nên một chiến thắng giải phóng Đà Nẵng thực sự toàn vẹn, nhanh gọn, ít tốn xương máu nhất.
Trong cuộc gặp gỡ truyền thống đã nói trên, anh Trần Thận còn có ý kiến “anh Bắc là người rất xứng đáng được khen tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, anh em mình phải lo việc này. Anh còn nêu hiện tượng có những người cống hiến không có gì xuất sắc, thành tích không có gì nổi bật mà vẫn được khen tặng, anh lên án bệnh khanh tướng đang rất nặng nề không dễ gì cứu chữa, nói thẳng ra đây là bệnh địa vị mưu tìm kiếm chạy chọt có địa vị để từ đó thu đoạt lợi ích.
Có thể chúng ta sẽ làm hồ sơ đề nghị trao tặng vinh dự cho anh Bắc vì chúng ta muốn có sự công bằng ở đời, chúng ta muốn cái thật, cái tốt, cái đẹp, những gì là chân-thiện-mỹ phải được tôn vinh, chúng ta muốn sống theo đạo lý uống nước nhớ nguồn, biết ơn những người đã cống hiến vì sự nghiệp cách mạng.
Chứ với anh Bắc, anh chẳng màng danh lợi dù chỉ là một chút. Những ngày tháng 3 này, ở đâu đó nơi cõi vĩnh hằng, anh đang đau đáu nhìn về Đà Nẵng, thành phố của anh, nơi đồng chí, đồng bào thân yêu của anh đã chung sức, đổi mới dựng xây để có một Đà Nẵng hơn đến mấy mươi lần ngày 29-3 năm ấy. Dẫu chưa hoàn hảo, còn đó những điều bức xúc, nhưng Đà Nẵng của anh đang chuyển mình thành một “thành phố đáng sống”.
NGUYỄN ĐÌNH AN