Lối đi dành cho trẻ khuyết tật - Bài cuối: Cần sự đầu tư dài hơi

.

Có một thực tế, khi học sinh khuyết tật (KT) hoàn thành chương trình THCS, thì không có nơi cho các em tiếp tục học lên. Trong khi nhận thức của trẻ KT phải luôn khơi gợi theo thói quen thì khi rời trường quay về nhà, mọi sự tiến bộ đã được học trước đây trở nên thụt lùi. Giải quyết vấn đề này, các trường chuyên biệt (CB) liên hệ một số cơ sở dạy nghề giúp các em học nghề, hoặc tổ chức học nghề ngay tại trường, nhưng số em được học nghề không nhiều. Đây là niềm trăn trở không chỉ riêng phụ huynh mà của cả nhà trường…

Học sinh khuyết tật được học kỹ năng cũng như một số nghề phù hợp để sau này có thể tự kiếm sống và phục vụ bản thân. Trong ảnh: Học sinh Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập học và thực hành nghề rửa xe.
Học sinh khuyết tật được học kỹ năng cũng như một số nghề phù hợp để sau này có thể tự kiếm sống và phục vụ bản thân. Trong ảnh: Học sinh Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập học và thực hành nghề rửa xe.

Các trường nỗ lực dạy nghề

Năm nay bước vào tuổi 24, Trần Hoài Trang (quê ở thị trấn Thạnh Mỹ, Nam Giang, Quảng Nam) có 18 năm gắn bó với Trường CB Tương Lai. Trang bị khiếm thính, ba mẹ đưa em về Đà Nẵng xin học hồi 6 tuổi, có bà ngoại theo chăm sóc. Sau khi Trang hết tuổi học, ra trường, thầy Nguyễn Duy Quy thấy cô bé không có nghề để có việc làm, nuôi sống bản thân nên gọi Trang về lại trường, cho cô học làm móng, làm hoa và gửi Trang đến học nghề làm bánh ở Trung tâm Hướng nghiệp Á-Âu Chi nhánh Đà Nẵng.

Giờ Trang đã có thể làm những chiếc bánh cupcake, bánh sinh nhật theo đơn đặt hàng của một số trường học mà thầy Quy kết nối giúp học trò. Trường tận dụng phòng bảo vệ làm nơi cho các em làm nghề và trưng bày sản phẩm, dành một góc của phòng bếp cho Trang có chỗ đặt lò nướng bánh.

Số học sinh có thể học nghề và làm được nghề như Hoài Trang không nhiều. Trường CB Tương Lai bắt đầu dạy hướng nghiệp cho học sinh năm học 2015-2016, với nghề làm hương, cho những em KT trí tuệ. Sau một năm có 8 em theo học, hiện có 6 em 16-18 tuổi tự làm các quy trình từ sản xuất đến thành phẩm. Hiện cũng có 4 em KT điếc và khiếm thính đang học và làm nghề làm móng.

Ở cơ sở 1 của nhà trường tại đường Trần Bình Trọng còn có các em theo nghề rửa xe máy. Thầy Nguyễn Duy Quy tâm sự: “Chỉ mới có 5-10% học sinh theo học nghề. Nhà trường xác định những em có thể tham gia học nghề mới là niềm hạnh phúc và thành công của các em và giáo viên chúng tôi”.

Những học sinh từ 12 tuổi trở lên không có khả năng học chữ, riêng các kỹ năng khác vẫn tốt thì được Trung tâm (TT) Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập chia nhóm để dạy kỹ năng tự phục vụ, làm các việc nhẹ nhàng trong gia đình, làm vườn, rửa xe. Những học sinh nữ được dạy kết cườm, kết hạt, làm hoa, làm đồ trang sức bằng giấy.

Trường có 5 bàn may, có phòng học riêng nhưng chưa đủ giáo viên nên việc dạy may vẫn còn bỏ ngỏ. Những em có khả năng học được dạy kỹ năng đi chợ, quản lý chi tiêu trong gia đình, chế biến bữa ăn. Cô Đặng Thanh Tùng, Phó Giám đốc TT Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho biết, việc dạy nghề cho học sinh đã được nhà trường tiến hành nhiều năm qua, riêng nghề làm hương đã có 70 học sinh theo học.

“Chúng tôi có kế hoạch chuyển tiếp cho các em trước khi về sống hoàn toàn trong gia đình, nên dạy các em các kỹ năng làm việc nhà để có thể giúp bố mẹ và trở thành người có ích. Những sản phẩm các em làm ra như muối dưa cà, trồng rau, làm yaourt... sẽ được bán cùng những sản phẩm khác như cá viên chiên, xoài lắc… vào chiều thứ năm mỗi tuần trong khuôn viên trường. Mỗi hoạt động đều dạy cho các em kỹ năng nhất định và rất cần thiết trong cuộc sống”, cô Tùng nói.

Trong số các trường CB thì Trường CB tư thục Thanh Tâm triển khai dạy nghề cho học sinh KT từ năm 2012 quy mô, bài bản nhất. Trường dạy kỹ năng sống cho các em bằng cách không tuyển tạp vụ, các em phải tự kê bàn, bưng thức ăn, rửa dọn ở phòng ăn cũng như mọi việc ở lớp cùng với giáo viên.

Trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa vào thứ sáu mỗi tuần, các lớp sẽ tổ chức nấu nướng, làm bánh. Trường tổ chức dạy các nghề như photoshop, may, làm bánh, nghề mộc, làm vườn. Nhiều năm qua, trường mở Công ty TNHH Xã hội Thanh Tâm, nhiều em đang làm việc tại công ty như có 3 em làm nghề pha chế, 3 em làm bánh và quầy bar (là quán cà-phê trong khuôn viên trường) và có 2 em làm nghề may.

Thầy Nguyễn Trường Phi, Tổ trưởng Tổ giáo dục hòa nhập cho rằng, sự phát triển của mỗi đứa trẻ sẽ chia theo mức: 80% tùy thuộc vào bé, 15% là sự giúp đỡ của phụ huynh, chỉ có 5% từ giáo viên và nhà trường. Nhà trường khuyến khích các em kiếm nghề ở ngoài trường nhưng đây còn là vấn đề hạn chế với hầu hết học sinh KT.

Mở lối cho học sinh khuyết tật

Hiện học sinh bị KT thính giác ở Trường CB Tương Lai được học với giáo trình biên soạn riêng, kéo dài đến lớp 9. Sau khi hoàn thành chương trình học, nhiều em không biết đi đâu và làm gì tiếp theo, khi trước mắt là lứa tuổi 17, 18 rộng mở, trong khi không phải em nào cũng thích học nghề.

Thầy Nguyễn Duy Quy, Hiệu trưởng Trường CB Tương Lai cho biết, sắp tới, nhà trường sẽ kết hợp với Phòng THPT của Sở Giáo dục - Đào tạo Đà Nẵng tham quan, học tập kinh nghiệm tại một trung tâm giáo dục khuyết tật ở Đồng Nai, xem mô hình hoạt động nơi đó để tiến hành xây dựng chương trình cho học sinh khiếm thính có thể học lên chương trình THPT.

Trường CB Tương Lai cũng là trường đầu tiên trong cả nước từ năm học 2010-2011 thí điểm áp dụng chương trình dạy cho trẻ KT trí tuệ của Trung tâm Tật học-Viện Khoa học giáo dục Việt Nam bằng cách chia nhỏ chương trình, phù hợp với trẻ KT trí tuệ.

Còn chương trình của Tổ chức Toàn cầu vì trẻ em khiếm thính (Global Foundation For Children With Hearing Loss) mà trường áp dụng những năm qua mang lại hiệu quả khá rõ rệt, chỉ tiếc rằng số lượng học sinh theo học còn ít (giới hạn chương trình can thiệp cho trẻ dưới 6 tuổi) do phụ huynh còn chưa biết rộng rãi, trong khi trường nhận trẻ từ 3 tuổi.

Bà Hồ Thị Cẩm Bình, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở Giáo dục - Đào tạo Đà Nẵng cho biết, những năm gần đây số lượng học sinh chuyên biệt tăng cao, đặc biệt là trẻ mang hội chứng tự kỷ. Ngoài chương trình dạy học, ngành giáo dục dự kiến có thể mời chuyên gia về Đà Nẵng để định hướng chương trình phát triển kỹ năng.

“Chúng tôi sẽ làm hết mức tác động của giáo dục, chứ không thể “ôm” hết vì các trường CB không làm nổi, không thể giữ các em lại khi đã quá 18 tuổi. Giải pháp mà cả ngành giáo dục và dạy nghề cần làm là hỗ trợ người KT, giới thiệu cho học sinh học nghề phù hợp, hướng nghiệp giúp các em định hướng tương lai, có thể nuôi sống bản thân. Mô hình hòa nhập cũng tốt hơn mô hình chuyên biệt, giúp các em học được nhiều hơn, hòa nhập tốt hơn”, bà Cẩm Bình nói.

Song song với quan điểm này, ngành giáo dục Đà Nẵng đang khuyến khích và đầu tư để các trường học có thể nhận học sinh KT còn nhận thức tốt vào học, hằng năm giáo viên được tập huấn các kỹ năng về dạy học sinh KT…

Đây cũng là quan điểm của bà Yoshimi Nishino, Phó Trưởng đại diện UNICEF Việt Nam, tại hội thảo “Tăng cường giáo dục cho trẻ KT” của Ủy ban Liên Chính phủ ASEAN về Nhân quyền (AICHR) phối hợp với UNICEF, Bộ Giáo dục - Đào tạo Việt Nam tổ chức vào ngày 13-12-2017 tại Đà Nẵng. Bà Yoshimi Nishino nhấn mạnh: “Giáo dục hòa nhập là mục tiêu của giáo dục cho trẻ KT và cũng là cam kết của UNICEF trong hợp tác với Chính phủ để bảo đảm rằng “không ai bị bỏ lại””.

Việt Nam hiện có khoảng 1,3 triệu trẻ khuyết tật (KT). Cả nước có 14 trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, 97 trường chuyên biệt dành cho trẻ KT và học hòa nhập ở tất cả các cơ sở giáo dục.

Số lượng trẻ đến học tại các cơ sở hòa nhập ngày càng tăng, đặc biệt ở cấp tiểu học và mầm non, một số lượng đáng kể tiếp tục học lên THCS và THPT. Bước đầu thực hiện sớm, can thiệp sớm đối với trẻ KT ngay từ lứa tuổi mầm non và tiểu học. Năm học 2016-2017, có trên 60% trẻ KT có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục.

Phòng hỗ trợ giáo dục hòa nhập cho trẻ KT xây dựng ở nhiều trường giúp trẻ được rèn luyện những kỹ năng đặc thù của cá nhân như ký hiệu ngôn ngữ, chữ nổi, quản lý hành vi, các kỹ năng đọc viết, làm toán. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên hằng năm được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng. Trẻ KT được ưu tiên trong nhập học, tuyển sinh, miễn giảm một số nội dung môn học, được cấp học bổng, hỗ trợ chi phí học tập…

Việc xác nhận khuyết tật và mức độ khuyết tật cho trẻ từ 0 - 6 tuổi, đặc biệt là các trẻ tăng động giảm chú ý, trẻ có rối loạn học tập đặc thù, trẻ rối loạn phổ tự kỷ… còn gặp nhiều khó khăn về nhận thức cũng như khâu tổ chức thực hiện.

Tham luận của Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa tại hội thảo “Tăng cường giáo dục cho trẻ KT” do Ủy ban Liên Chính phủ ASEAN về Nhân quyền (AICHR) phối hợp với UNICEF, Bộ Giáo dục - Đào tạo Việt Nam tổ chức ngày 13-12-2017 tại Đà Nẵng

Thiên Lam

Bài và ảnh: Hoàng Nhung

;
.
.
.
.
.
.