Bộ Công an thông tin về việc sắp xếp, tổ chức bộ máy

.

Tiếp sau ngành Công an, dư luận mong chờ các cơ quan Trung ương cũng nhanh chóng trình ra phương án giảm tầng nấc trung gian.

Nhằm sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tới đây, ngành Công an sẽ giảm tầng nấc trung gian, trong đó có việc xem xét việc giảm bớt Tổng cục.

Trong thông báo phát đi chiều tối 2-4, Bộ Công an cho biết, sẽ không tổ chức cấp trung gian; sắp xếp, thu gọn các đơn vị sự nghiệp công lập, giáo dục, báo chí, y tế trong Công an nhân dân và tổ chức lại Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gắn với Công an tỉnh, thành phố.

Ngành Công an sẽ giảm triệt để tầng nấc trung gian (Ảnh: plo.vn)
Ngành Công an sẽ giảm triệt để tầng nấc trung gian (Ảnh: plo.vn)

Triển khai Đề án sắp xếp tổ chức, bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả, ngành Công an đang đi đầu trong việc cắt bỏ tầng nấc trung gian.

Tầng nấc trung gian làm cho bộ máy cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả. Nó cần phải được cắt bỏ nhưng cụ thể, tầng nấc trung gian đó nằm ở đâu thì nhiều người vẫn còn e ngại. Nhưng, ngay tại diễn đàn Quốc hội, chính một đại biểu trong ngành Công an là ông Nguyễn Hữu Cầu- giám đốc Công an tỉnh Nghệ An đã thẳng thắn cho rằng: Đã đến lúc, Quốc hội cần chỉ rõ cấp trung gian, "bộ trong bộ" ở đây chính là cấp Tổng cục, cục, vụ, chi cục…

Thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cho biết, ông đã cố gắng tìm hiểu xem Tổng cục có phải cấp trung gian không, có phải là bộ trong bộ không?.

Qua đó thấy rằng, trong 22 bộ, cơ quan ngang bộ thì có 17 bộ có tổng cục, còn lại 5 nơi không có mà vẫn hoạt động bình. Số lượng tổng cục của 17 bộ hiện nay là 40, dưới tổng cục có các cục, vụ, văn phòng, phòng, chi cục…

Báo cáo của Chính phủ cũng như báo cáo giám sát của Quốc hội cũng chỉ ra rằng, tình trạng "bộ trong bộ" sẽ khiến các lĩnh vực công tác bị chia nhỏ, cắt khúc, thiếu tính bao quát chung; tổ chức bộ máy hành chính trở nên cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian, đơn vị nào cũng phải duy trì bộ phận văn phòng, hành chính, do đó, số nhân lực cũng như kinh phí chi cho công tác quản trị tăng lên, trong khi nguồn lực của cơ quan lại phân tán, thiếu tập trung, không được sử dụng và phát huy được hiệu quả tối đa...

Cơ quan giám sát của Quốc hội cho biết, xu hướng nâng cấp Vụ lên Cục diễn ra nhanh ở nhiều Bộ, có đến 29 Cục được thành lập trong khoảng thời gian từ năm 2011 -2016, trong đó có những Bộ tăng nhiều như Bộ Công an tăng 7 Cục, Bộ Tư pháp tăng 4 Cục, Bộ Thông tin, Truyền thông và Bộ Y tế tăng 3 Cục.

Cắt giảm tầng nấc trung gian là vấn đề nhạy cảm, tế nhị, không thể cào bằng, song một số đại biểu Quốc hội cho rằng "dứt khoát phải giảm chứ không thể để nhiều như hiện nay. Sắp tới, một số bộ ngành có cấp Tổng cục đang nhìn nhau, nhưng nếu xảy ra tình trạng không ai quyết đi đầu thì không biết bao giờ mới giảm được cấp trung gian".

Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6, khóa XII 'Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả' do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 25-10-2017 nêu rõ: Các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ chủ động rà soát, sắp xếp, tinh gọn đầu mối bên trong, giảm cơ bản số lượng tổng cục, cục, vụ, phòng; không thành lập tổ chức mới, không thành lập phòng trong vụ, trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền quyết định.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 2-4, Bộ trưởng- Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đánh giá, Đảng uỷ Công an Trung ương đã rất trách nhiệm, đưa ra hướng đổi mới có đề cập đến việc cải cách tổ chức bộ máy, xem xét giảm tổng cục.

Tiếp sau ngành Công an, dư luận mong chờ các cơ quan Trung ương cũng nhanh chóng trình ra phương án cắt giảm tầng nấc trung gian như mục tiêu mà Nghị quyết 18-NQ/TW đã chỉ ra: công việc này phải cơ bản hoàn thành vào năm 2021.

Theo VOV

;
.
.
.
.
.
.