VTVcab và NextTV cắt bỏ 22 kênh truyền hình trong đó có kênh truyền hình ưu thích HBO. Vậy khách hàng có được bồi thường?
Từ 0h ngày 1/4/2018, trên hai hệ thống truyền hình VTVcab và truyền hình NextTV của Viettel đã đồng loạt phát sóng hàng chục kênh truyền hình nước ngoài mới.
Đồng thời, 22 kênh nước ngoài đang phát sóng trên VTVcab và NextTV lâu nay bị hạ xuống. Trong đó có nhiều kênh rất quen thuộc với khán giả Việt Nam như: HBO, MAX, RED, AXN, WarnerTV, Discovery, Animal Planet, Discovery Asia, Fox Sports, Cartoon Network, Disney Channel, CNN, BBC News…. Việc thay đổi này cũng khiến nhiều người không hài lòng khi họ đang trả tiền nhưng lại không được xem những kênh ưa thích. Đặc biệt, việc các kênh này bị cắt, họ cũng không được thông báo trước.
Ảnh minh họa |
Việc VTVcab và truyền hình NextTV của Viettel cắt các kênh trên, nảy sinh vấn đề pháp lý là liệu khách hàng có được bồi thường.
Luật sư Trương Anh Tú – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, dịch vụ truyền hình cáp cũng là một loại hàng hóa. Nếu bên cung cấp dịch vụ không đảm bảo về số lượng, chất lượng thì khách hàng có quyền từ chối mua hoặc yêu cầu bồi thường phần đã bị cắt giảm. Theo luật sư, đây là việc vi phạm hợp đồng mua bán.
Nếu trong hợp đồng dịch vụ giữa hai bên không có ghi về trách nhiệm bồi thường, luật sư Tú cho rằng, hàng vạn khách hàng sử dụng có xác nhận, thừa nhận rằng trước đây có hàng trăm kênh trong đó có kênh HBO, giờ không có HBO nữa thì bên cung cấp dịch vụ trả lời thế nào đây.
Hiện nay một số dịch vụ đang nhập nhằng, xập xí xập ngầu, ví dụ như internet, phí điện thoại, cáp truyền hình, dùng được cũng trả tiền, có thời điểm người dân không dùng được cũng phải trả tiền.
“Đây là điều kỳ lạ ở Việt Nam. Anh cắt của tôi, tôi tha không phạt hợp đồng là may rồi, làm gì tôi phải trả tiền cho sự cố hay sự vô trách nhiệm. Có thời điểm gia đình tôi mất cáp cả tuần, gọi điện thì ì ạch mới đến. Nhưng cuối tháng vẫn ung dung đến đòi tiền như thường. Khi nhân viên đến thu tiền, tôi hỏi: “1 tuần qua tôi không xem được dịch vụ của các anh thì tính thế nào? Nhân viên trả lời tôi rằng: Em không biết, em chỉ biết thu tiền thôi. Cái đấy các anh chị hỏi tổng đài, hỏi cơ quan, rất vô trách nhiệm”, ông Tú nói.
Theo ông Tú, cơ quan chủ quản, Bộ Thông tin và Truyền thông cần làm rõ để nâng cao ý thức của dịch vụ này.
Luật sư Nguyễn Văn Thành- Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, việc khách hàng có được bồi thường hay không thì phải căn cứ vào hợp đồng mua bán hai bên. Nếu hợp đồng không có việc bồi thường cụ thể thì rất khó cho khách hàng yêu cầu. Cho nên nếu căn cứ vào bộ luật dân sự xử lý sự việc trên hợp đồng thì khách hàng thua thiệt, nhưng trong vụ việc này, cái thua lớn nhất của VTVcab là mất về thương hiệu, uy tín.
Đồng quan điểm, Luật sư Giang Hồng Thanh – Văn phòng Luật sư Giang Thanh cũng cho rằng, việc bồi thường cho người sử dụng trước hết căn cứ vào Hợp đồng đã ký giữa VTVCab và người sử dụng. Nếu trong Hợp đồng quy định về vấn đề bồi thường khi tình huống này xảy ra thì các bên thực hiện theo hợp đồng.
Còn nếu hợp đồng không có quy định cụ thể thì việc bồi thường sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Theo Điều 584 Bộ luật Dân sự quy định về Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì: "Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác."
Cũng theo quy định tại Điều 608 quy định về Bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng: "Cá nhân, pháp nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng hàng hoá, dịch vụ mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải bồi thường".
Như vậy có nghĩa là người sử dụng muốn được VTVCab bồi thường do bị VTVCab cắt 22 kênh truyền hình quốc tế và thay thế bằng các kênh khác thì phải chứng minh họ đã bị những thiệt hại gì. Nếu những thiệt hại đó là chính đáng thì mới có thể yêu cầu VTVCab phải bồi thường.
Theo VOV