Tăng lương hưu, trợ cấp hàng tháng cho hơn 3 triệu người từ ngày 1-7

.

Từ ngày 1-7, mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng sẽ được điều chỉnh tăng thêm 6,92%. Có khoảng hơn 3 triệu người sẽ được điều chỉnh tăng lương hưu, trợ cấp trong dịp này.

Chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Đây là đề xuất của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đưa ra trong dự thảo Nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng đang được lấy ý kiến.

Hơn 3 triệu người được tăng lương hưu

Theo đề xuất của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, đối tượng được điều chỉnh tăng lương hưu, trợ cấp gồm cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động; quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hàng tháng.

Ngoài ra, còn có 7 đối tượng điều chỉnh tăng lương gồm: Cán bộ xã, phường, thị trấn; người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng; công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hàng tháng; quân nhân, công an nhân dân đang hưởng chế độ trợ cấp hàng; quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hàng tháng; người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng.

Theo Nghị quyết số 49/2017/QH14 thì điều chỉnh lương hưu, trợ cấp hàng tháng se tăng bằng mức tăng lương cơ sở (từ 1,3 triệu đồng lên 1,39 triệu đồng). Do đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất mức tăng lương hưu, trợ cấp từ 1-7 sẽ tăng thêm 6,92%.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, kinh phí điều chỉnh đối với các đối tượng hưởng chế độ bảo hiểm xã hội trước ngày 1-10-1995; hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 91/2000/QĐ-TTg, Quyết định số 613/QĐ-TTg; người hưởng lương hưu theo Nghị định số 159/2006/NĐ-CP, Nghị định số 11/2011/NĐ-CP và công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hàng tháng do ngân sách nhà nước đảm bảo. Số đối tượng được điều chỉnh tại thời điểm tháng 6-2018 ước là 1,224 triệu người, dự kiến kinh phí tăng thêm trong năm 2018 (6 tháng) là 566 tỷ đồng.

Kinh phí điều chỉnh đối với các đối tượng hưởng chế độ bảo hiểm xã hội từ ngày 1-10-1995 trở đi, kể cả đối tượng đang hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng theo Nghị định số 92/2009/NĐ-CP, Nghị định số 121/2003/NĐ-CP và Nghị định số 09/1998/NĐ-CP do quỹ bảo hiểm bảo đảm. Số đối tượng được điều chỉnh tại thời điểm tháng 6-2018 ước là 1,863 triệu người, dự kiến kinh phí tăng thêm trong năm 2018 (6 tháng) là 9.110 tỷ đồng.

Như vậy, có hơn 3 triệu người sẽ được tăng lương, trợ cấp trong lần điều chỉnh này, dự kiến kinh phí sẽ tăng thêm hơn 9.600 tỷ đồng.

Điều chỉnh lương hưu của lao động nữ

Điểm đáng chú ý của dự thảo lần này là việc điều chỉnh đối tượng. Theo đó, Bộ lao động-Thương binh và Xã hội đưa ra hai phương án điều chỉnh đối tượng hưởng có đề cập đến lương hưu của lao động nữ.

Phương án một sẽ giữ nguyên đối tượng điều chỉnh như những lần điều chỉnh lương hưu trước đây. Đó là điều chỉnh đối với những người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng trước ngày 1-7-2018.

Tuy nhiên, phương án này sẽ chưa xử lý được vấn đề về lương hưu của lao động nữ nghỉ hưu từ 1-1-2018 bị giảm  từ 5-10% do thay đổi công thức tính lương hưu theo quy định mới của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.

Chi trả lương hưu cho người lao động. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Chi trả lương hưu cho người lao động. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Phương án hai sẽ kết hợp xử lý để bù đắp một phần lương hưu bị giảm đối với lao động nữ nghỉ hưu từ ngày 1-1-2018. Theo đó, ngoài đối tượng điều chỉnh là người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng thì bổ sung điều chỉnh đối với nhóm lao động nữ nghỉ hưu từ ngày 1-1-2018.

Đại diện Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho rằng việc điều chỉnh này khắc phục được hạn chế của phương án một, tạo được sự đồng thuận của lao động nữ và xã hội. Tuy nhiên, nó lại thiếu cơ sở pháp lý về căn cứ điều chỉnh và nguồn lực đảm bảo.

Việc thực hiện điều chỉnh với đối tượng này khá phức tạp trong tổ chức thực hiện, Đối tượng này sẽ luôn phát sinh trong vòng 5 năm tới khi tương quan với lộ trình thay đổi công thức tính lương hưu của nam giới.

Đánh giá hai phương án trên, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho rằng theo quy định về dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 thì tại dự thảo Nghị định lần này chỉ thực hiện điều chỉnh đối với những người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng trước ngày 1-7-2018.

Trước đó trong họp báo định kỳ của Bảo hiểm xã hội Việt Nam vào tháng 3, ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, vấn đề xử lý chênh lệch mức lương hưu đối với người nghỉ hưu trước và sau thời điểm ngày 1-1-2018 theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 cần chờ ý kiến của ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo Vietnam+

;
.
.
.
.
.
.