Tại thành phố Đà Nẵng, nhiều câu lạc bộ cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoạt động khá hiệu quả và giúp nhiều người nghiện thoát khỏi ma túy, tìm được việc làm, có thêm niềm tin với cuộc sống.
Câu lạc bộ cai nghiện tại gia đình - cộng đồng phường Tam Thuận trao quà cho bệnh nhân nghèo ở Bệnh viện Hòa Khánh. |
Nhiều năm nay, Câu lạc bộ cai nghiện tại gia đình cộng đồng ở phường Tam Thuận, quận Thanh Khê là địa chỉ quen thuộc đối với nhiều người nghiện ma túy. Anh Nguyễn Nam Thắng, cán bộ phụ trách công tác phòng chống tệ nạn xã hội của địa phương kiêm Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ cho biết, việc “kéo” các em ra khỏi con đường nghiện ngập thật không đơn giản.
“Phải làm sao cho các em thấy hoạt động của câu lạc bộ vui, ý nghĩa thì mới chịu tham gia”, anh Thắng cười nói. Từ những buổi cùng uống cà-phê, chơi thể thao, sinh hoạt ngoài trời, anh Thắng đã khéo léo tuyên truyền về tác hại của ma túy để các em hiểu. Không chỉ vậy, anh còn tổ chức nhiều hoạt động như nấu mì Quảng cho bệnh nhân nghèo, tham dự các phiên tòa...
Bên cạnh đó, dưới sự hỗ trợ, giúp đỡ, cảm hóa của Hội Phụ nữ, Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên..., nhiều đối tượng đã từ bỏ hẳn ma túy để tìm việc làm ổn định cuộc sống. Nhờ đó, trong số 21 đối tượng tham gia chương trình cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, có 15 người cai nghiện thành công, 6 người tập trung cai nghiện tại Cơ sở xã hội Bàu Bàng.
Cũng như câu lạc bộ ở phường Tam Thuận, Câu lạc bộ Nhân ái của Đoàn thanh niên phường Hòa Thọ Đông (quận Cẩm Lệ) cũng đã giúp nhiều thanh, thiếu niên tiến bộ, rời bỏ ma túy, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.
Câu lạc bộ đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền về phòng, chống ma túy, hậu quả và tác hại mà ma túy gây ra; hướng dẫn phương pháp cai nghiện ma túy hiệu quả, phương pháp phòng, chống tái nghiện”. Do nghe bạn bè rủ rê thử cho biết nên em đã nghiện ma túy. Bây giờ vào câu lạc bộ, được các cô, chú phân tích thiệt hơn, em đã biết mình sai và cố gắng lao động thật tốt để trở thành người có ích”, em C.X.H. - một trong những thành viên tích cực của câu lạc bộ thổ lộ.
Qua những buổi giao lưu gặp gỡ, lãnh đạo địa phương đã nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, giúp hàng chục thanh, thiếu niên vượt qua mặc cảm tự ti để đứng lên quyết tâm từ bỏ ma túy, làm lại cuộc đời.
Bà Trương Thị Mỹ Linh, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Thọ Đông (quận Cẩm Lệ) cho biết, qua việc sinh hoạt tại câu lạc bộ, các em đã biết được những việc làm sai trái của mình, gây hại cho bản thân, gia đình, xã hội và quyết từ bỏ nó.
Cũng chính nhờ sân chơi này mà địa phương đã biết được tâm tư, nguyện vọng của từng em và hỗ trợ các em tìm việc. Đơn cử như em P.C.C (đã từng sử dụng ma túy do bạn bè rủ rê) được giới thiệu vào làm dịch vụ bỏ than củi cho gia đình tại đường Thăng Long, phường Khuê Trung. Hay như em N.H.V (nghiện ma túy) được giúp đỡ và hiện đã có công việc ổn định...
“Có nhiều em dù đã tiến bộ và ra khỏi chương trình vẫn tham gia sinh hoạt và cùng giúp tuyên truyền cho những em khác. Sinh hoạt ở đây cũng giúp các em tránh xa mặc cảm tự ti, có thêm động lực để phấn đấu trở thành người có ích”, bà Linh nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Minh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (thuộc Sở LĐ-TB&XH thành phố Đà Nẵng) cho biết hiện nay trên địa bàn thành phố có 19 câu lạc bộ cai nghiện tại gia đình, cộng đồng đang hoạt động hiệu quả.
“Những câu lạc bộ như thế này rất có ý nghĩa bởi kết nối và huy động được mọi nguồn lực địa phương để giúp người nghiện. Đồng thời, đây cũng là một sân chơi, tạo động lực giúp người nghiện cai thành công” - ông Hùng nói. Theo ông Hùng, cai tại cộng đồng có nhiều ưu thế như ít tốn chi phí, không bị cách ly hoặc gián đoạn việc học và làm. Điều quan trọng nhất là họ không bị áp lực bởi tâm lý bị kỳ thị và phù hợp với những người mới cai.
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ - PHƯƠNG MINH