Chuyện tổ, chuyện thôn

Vì môi trường sống thân thiện

Vận động hội viên phụ nữ phân loại rác thải và đặt thùng rác đúng nơi quy định mỗi tuần hai ngày vào thứ năm và chủ nhật, rồi một mình đạp xe đạp đến tận nơi thu gom, tận dụng các loại rác tái chế để bán gây quỹ giúp hội viên nghèo, thăm hỏi các trường hợp khó khăn đột xuất, trao tặng quần áo, sách vở cho học sinh nghèo hiếu học... Chị Lê Thị Kim Thủy, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Trà Kiểm (xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang) đã và đang thầm lặng làm những công việc như thế.

Chị Thủy xác định công tác bảo vệ môi trường, xây dựng thôn kiểu mẫu nông thôn mới là nhiệm vụ cần được quan tâm hàng đầu; việc phân loại rác, tái chế chất thải không chỉ giúp giữ gìn vệ sinh môi trường mà còn mang lại một nguồn kinh phí. Vì vậy, chị đã đứng ra bàn bạc với Ban chấp hành Chi hội Phụ nữ thôn thực hiện mô hình “Thùng rác văn minh”.

Bước đầu, chị Thủy tự bỏ tiền túi mua 72 thùng sơn cũ (mỗi thùng 25.000 đồng), tự sơn mới lại màu xanh lá cây, rồi cắt chữ “Thùng rác văn minh” dán lên thùng, gửi đến 38 hội viên. Khi các hội viên gửi lại chi phí mua thùng, chị Thủy mang số tiền đó mua thêm thùng sơn về sơn mới, cắt dán chữ, gửi đến các hội viên khác để nhân rộng mô hình.

Bà Nguyễn Thị Thuận (trú thôn Trà Kiểm) xác nhận, từ khi tham gia mô hình “Thùng rác văn minh” do Chi hội Phụ nữ thôn phát động, lúc nào gia đình bà cũng có 2 thùng rác đặt ở góc nhà, bao gồm 1 thùng đựng rác tái chế và 1 thùng đựng rác không tái chế. Thấy cách làm này ý nghĩa, bà vận động con cháu và hàng xóm cùng thực hiện để góp phần bảo vệ môi trường. Điều đáng nói là thông qua mô hình “Thùng rác văn minh”, với những loại phế thải như: chai, lọ nhựa, giấy, vật dụng gia đình bằng nhôm, sắt bị hỏng, trước đây bà đều bỏ chung vào một thùng rác thì bây giờ được phân loại riêng để chị Thủy đến nhà thu gom. Với số tiền bán được từ việc thu gom rác, chị Thủy đều bàn bạc, thống nhất với chi hội bỏ vào heo đất tiết kiệm. Từ khoản tiết kiệm này, Chi hội Phụ nữ thôn tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực giúp các hội viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.

Chị Thủy cho biết, qua gần 2 năm thực hiện mô hình nói trên, chi hội đã gây quỹ tiết kiệm hơn 15 triệu đồng, hỗ trợ 2 triệu đồng cho hộ chị Phạm Thị Tuyết sửa chữa lại mái hiên nhà, tặng cặp heo giống 1,5 triệu đồng cho hộ chị Lê Thị Mỹ và thăm hàng chục trường hợp hội viên ốm đau, cũng như tặng sách vở cho con em hội viên nghèo vào năm học mới.

Không chỉ vận động hội viên phân loại rác thải, các thành viên trong chi hội còn tự nguyện đến các nơi tổ chức tiệc cưới, họp mặt đông người để thu gom rác thải về tái chế. “Mô hình “Thùng rác văn minh” đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp mọi người ý thức được giá trị của các loại phế phẩm trong sinh hoạt gia đình và xây dựng cho mình thói quen phân loại rác”, chị Thủy chia sẻ.

Chị Lê Thị Yến, Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa Phước đánh giá cao nỗ lực và sự nhiệt tình của Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Trà Kiểm. Chị Yến cho hay, tuy bận rộn với việc buôn bán nhỏ và chăn nuôi heo, gà, nhưng khi thôn, xã có hoạt động gì, chị Thủy đều tích cực tham gia và luôn đi đầu trong mọi hoạt động, phong trào phụ nữ.

Có thể nói, giá trị vật chất từ việc làm của chị Thủy tuy nhỏ nhưng mang lại ý nghĩa lớn. Đó chính là động lực để phong trào của Chi hội Phụ nữ thôn Trà Kiểm ngày càng phát triển, tạo sự đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống; đặc biệt tuyên truyền cho các hội viên về thực hành tiết kiệm, giữ gìn vệ sinh môi trường, góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

PHƯƠNG TẤN

;
.
.
.
.
.
.