Gương sáng nạn nhân da cam

.

Bền bỉ phấn đấu vượt lên số phận, hai anh em nạn nhân chất độc da cam như hai bông hoa lặng lẽ tỏa sáng giữa cuộc sống đời thường.

Hai anh em Nguyễn Ngọc Phương và Nguyễn Thị Hiếu (trái) là những tấm gương nạn nhân chất độc da cam giàu nghị lực.
Hai anh em Nguyễn Ngọc Phương và Nguyễn Thị Hiếu (trái) là những tấm gương nạn nhân chất độc da cam giàu nghị lực.

Anh là Nguyễn Ngọc Phương, 38 tuổi, cao 0,95cm, nặng 20kg, còn em là Nguyễn Thị Hiếu 30 tuổi, cao 0,90cm, nặng 25kg. Hai mảnh đời bất hạnh, con của vợ chồng người thương binh nghèo ở xã Quế An (Quế Sơn, Quảng Nam) đến Đà Nẵng học tập và mưu sinh nhiều năm qua và hiện cư trú tại phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu.

Vượt bao gian nan khó nhọc, bền bỉ đi học, chị Hiếu đã tốt nghiệp Chương trình đào tạo công nghệ thông tin tại Trường Đại học Đông Á vào năm 2013. Dẫu tốt nghiệp loại giỏi, nhưng với thể trạng dị thường, không một đơn vị nào nhận đơn xin việc của chị.

Nuốt nước mắt vào lòng, chị bươn chải mưu sinh bằng các nghề thêu tranh chữ thập và tranh thêu cho các cơ sở bán tranh thêu tại Đà Nẵng nhưng thu nhập ít ỏi. Từ năm 2015, chị chuyển sang làm dịch vụ bán  báo tại khu vực ngã tư Yên Thế-Nguyễn Đình Tứ (thuộc phường Hòa An, quận Cẩm Lệ).

Còn Ngọc Phương với bản tính năng nổ, nhanh nhẹn, anh đã học được các nghề sửa đồng hồ, kỹ thuật điện cơ, sản xuất hương bằng máy... Chàng trai tật nguyền và giàu nghị lực ngược xuôi kiếm sống ở nhiều nơi nhưng nỗi nhọc nhằn cơm áo vẫn mãi đeo đuổi.

Năm 2008, anh được lãnh đạo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Đà Nẵng tuyển dụng làm nhân viên xã hội. Hằng ngày, anh đảm nhiệm hướng dẫn kỹ thuật làm hương tại Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh trên đường Nguyễn Văn Huề (quận Thanh Khê).

Mỗi buổi sớm, anh tỉ mẩn pha chế nguyên liệu và chỉnh máy, rồi hướng dẫn cho các trẻ em nạn nhân da cam làm thành nhiều loại sản phẩm. Tùy theo đặc điểm khuyết tật, anh bố trí công việc phù hợp với khả năng của từng em...

“Sản phẩm của các em được Nhà Tang lễ thành phố tiêu thụ thường xuyên, đồng thời còn bán trực tiếp cho người tiêu dùng tại địa phương, một phần doanh thu chia cho các em, một phần góp vào nguồn chi phí nuôi các em hằng tháng”, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Trà Thanh Lành cho biết.

Ngoài giờ hành chính và trong các ngày thứ bảy, chủ nhật hằng tuần, anh Phương cùng người em trai của mình làm dịch vụ sửa chữa đồ điện. Với tay nghề cao, quầy sửa chữa đồ điện của anh em Phương ngày càng đắt khách.

Từ đó, Phương đã mua được một căn nhà nhỏ tại tổ 2 phường Hòa Minh vào năm 2015 và quy tụ 3 anh em cùng về ở. Không chỉ vậy, Phương còn nhận nuôi 1 đứa cháu gọi bằng chú ruột và lo học hành chu đáo.

Giữa bộn bề lo toan, vất vả, anh em Phương vẫn thường sửa miễn phí những thiết bị hư hỏng nhỏ cho bà con hàng xóm; vì thế nhiều người càng thêm quý mến hai anh em nạn nhân da cam. “Bố đã bị bệnh mất, mẹ ở quê lam lũ với vài sào ruộng cằn cỗi, nên anh em mình luôn nỗ lực phấn đấu vươn lên, không để thành gánh nặng cho gia đình và xã hội”, anh Phương chia sẻ.

Miệt mài, say mê với công việc, hai nạn nhân chất độc da cam như hai bông hoa lặng lẽ tỏa sáng giữa cuộc sống đời thường. Gương phấn đấu vượt lên số phận của anh em Phương thật hiếm có và đáng trân trọng!

Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM

;
.
.
.
.
.
.