Học nghề để từ bỏ ma túy

.

Ngồi khép mình ở một góc khuất trong hội trường với chiếc mũ vải kéo trễ che khuất cả khuôn mặt, khó khăn lắm tôi mới bắt chuyện được với chị N.T.B ở phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) đang tham dự buổi gặp mặt thân nhân học viên cai nghiện với cán bộ, nhân viên Cơ sở Xã hội Bầu Bàng, được tổ chức một ngày giữa tháng 4 năm 2018. Chị tâm sự: Đây là lần thứ hai được tham dự buổi sinh hoạt này, nhưng so với lần trước, chị đã yên tâm hơn khi vào thăm nơi sinh hoạt, ăn, ngủ và học nghề của con. “Lúc nãy tôi vào khu vực học viên gia công giày, đúng lúc con trai tôi đang làm việc ở đây. Thật mừng khi con trai thông báo là nhờ cải tạo tốt nên giữa năm nay sẽ được cho về. Không những vậy, con trai còn “bàn chuyện làm ăn” với tôi rằng “ít bữa con về mẹ đi vay ít tiền cho con mở tiệm bán và sửa giày dép”. Đây là điều bình thường với mọi người, nhưng với một người nghiện ma túy như con tôi quả là không thể tin nổi! - chị B. nói như muốn khóc.

Học viên Cơ sở Xã hội Bầu Bàng đang học nghề làm giày.
Học viên Cơ sở Xã hội Bầu Bàng đang học nghề làm giày.

Cuối năm 2017, con trai chị H.T.Y là học viên của Cơ sở Xã hội Bầu Bàng cũng được trở về địa phương sau 18 tháng đưa vào đây cai nghiện bắt buộc. Trước ngày vào cơ sở, con trai chị chỉ nặng 48kg, sống theo kiểu ngày ngủ, đêm lang thang cùng đám bạn bè xấu sử dụng ma túy. Mọi lời khuyên của chị đều bị con trai bỏ ngoài tai, vậy mà giờ đây con trai chị đã tăng lên 56kg, không những vậy còn học được nghề đan lưới. Chia sẻ với chúng tôi, em L.V.T, con trai chị H.T.Y không giấu được niềm vui: “Trước đây em có nghề đi biển nhưng bị gãy chân do tai nạn giao thông nên không lao động nặng được, rồi mắc những lỗi lầm... Vì vậy, khi Cơ sở Xã hội Bầu Bàng thông báo học nghề, em đăng ký ngay nghề đan lưới phù hợp với sức khỏe của em. Bây giờ em có việc làm khá ổn định nhờ nhận đan lưới và vá lưới cho chủ tàu trên địa bàn quận Thanh Khê. Bận rộn suốt ngày nên em cũng chẳng còn nghĩ gì đến ma túy nữa”.

Theo ông Phạm Tấn Dũng, Giám đốc Cơ sở Xã hội Bầu Bàng, một trong những  yếu tố biến nơi đây trở thành điểm tham quan về mô hình cai nghiện khá thành công trên cả nước là nhờ đơn vị triển khai cùng lúc nhiều biện pháp. Ngoài việc học viên được đưa vào đây nhằm cách ly môi trường xã hội bên ngoài, tức là cách ly nguồn cung cấp ma túy, các em còn được châm cứu, uống thuốc cắt cơn kết hợp các biện pháp khác như duy trì tập luyện thể thao: đá bóng, bóng bàn, bơi lội... Đặc biệt, đơn vị còn tổ chức cho các học viên tham gia lao động, học nghề nhằm giúp học viên “giết” thời gian một cách tích cực và hơn hết là có nghề để sau này kiếm sống, tránh “nhàn cư vi bất thiện”. Hằng ngày, ngoài công việc cắt cơn, tập vật lý trị liệu, học viên đều tham gia sản xuất như trồng rau xanh, chăn nuôi gà, heo và học lớp nghề như làm giày, đan lưới. Trong năm 2017, đơn vị đã phối hợp với Trường Cao đẳng nghề số 5, Bộ Quốc phòng mở lớp nghề điện và sửa xe gắn máy cho 40 học viên. Theo  T.A.T, từng là học viên lớp sửa xe này và đang sống khá ổn định từ nghề sửa chữa xe lưu động trên tuyến đường Trường Sa, Hoàng Sa, và Võ Nguyên Giáp, công việc mang lại cho em thu nhập tạm ổn và đủ bận rộn để tránh xa lời rủ rê của bạn bè xấu.

Trong số 432 học viên cai nghiện ở Cơ sở Xã hội Bầu Bàng, hiện có 252  người tái nghiện, đây là kết quả khá tốt khi rất nhiều địa phương khác con số này là trên 90%. Tuy nhiên, theo đại diện lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH, để tiếp tục kéo giảm số người tái nghiện, rất cần sự chung tay của cả xã hội. Trong đó, quan trọng nhất là gia đình và chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ người sau cai có nguồn vốn để sống được với nghề đã học trong quá trình cai nghiện. Chỉ có bận rộn với công việc lương thiện, những người cai nghiện mới có thể tránh tái nghiện một cách hiệu quả.

Bài và ảnh: THANH VÂN

;
.
.
.
.
.
.