Những năm trở lại đây, việc khai thác, đánh bắt trên biển của ngư dân gặp nhiều khó khăn phần vì thời tiết khắc nghiệt, phần do tàu Trung Quốc thường xuyên quấy nhiễu.
Trước tình hình này, Bộ đội Biên phòng thành phố nói chung, Đồn Biên phòng Phú Lộc nói riêng đã luôn đồng hành hỗ trợ để ngư dân yên tâm bám biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc…
Cán bộ thông tin Trạm thông tin liên lạc biển Đồn Biên phòng Phú Lộc tiếp nhận thông tin từ các tàu của ngư dân. |
Đồn Biên phòng Phú Lộc (Bộ đội Biên phòng thành phố) được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới vùng biển và giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn 4 phường khu vực biên giới biển thuộc quận Thanh Khê; đồng thời quản lý hoạt động tàu thuyền của địa phương khai thác trên các vùng biển Việt Nam.
Thiếu tá Phạm Văn Hùng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Phú Lộc cho biết, hiện nay, Đồn đang quản lý 235 phương tiện tàu thuyền, trong đó có 75 phương tiện hoạt động đánh bắt xa bờ, chủ yếu ở khu vực biển Hoàng Sa.
Để ngư dân vươn khơi bám biển làm kinh tế, kết hợp bảo vệ vững chắc chủ quyền, ổn định tình hình an ninh trật tự trên biển, đơn vị đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó công tác kết nối thông tin liên lạc biển giữa đơn vị với các tàu của ngư dân được chú trọng.
Dẫn chúng tôi đến Trạm thông tin liên lạc biển của đồn, Thiếu tá Phạm Văn Hùng cười bảo: “Nơi đây chính là “cánh tay nối dài” của ngư dân…”. Chúng tôi phải đợi khá lâu mới trò chuyện được với ca trực thông tin là Thiếu tá chuyên nghiệp (CN) Trần Văn Hướng và Thiếu úy CN Phạm Bảo Chí, bởi hai anh đang tiếp nhận các cuộc điện đàm từ tàu cá.
Với hệ thống 4 máy mở liên tục, tiếp sóng 24/24 giờ, trạm thông tin biển tiếp nhận vị trí tàu từ báo cáo của ngư dân trên biển. Thông tin được lưu trữ trong “hộp đen”, sau đó được xử lý và chuyển đến máy tính, hiển thị trên phần mềm chuyên dụng.
Nhờ đó, có thể tiếp nhận và hỗ trợ kịp thời các tàu trong mọi trường hợp, để các tàu chủ động phòng tránh những rủi ro. Bên cạnh việc tiếp nhận, lưu trữ tín hiệu thông tin, vị trí tọa độ của các tàu cá, các cán bộ và ngư dân thường xuyên trao đổi những câu chuyện thân tình, giản dị về tình hình đánh bắt trên biển, về người thân của các ngư dân trên đất liền…
Thiếu tá CN Trần Văn Hướng cho biết: “Trung bình mỗi ngày chúng tôi tiếp nhận hơn 50 nguồn tin hoặc chủ động liên lạc với bà con ngư dân. Những ngày thời tiết xấu, nhất là có bão, thì lượng thông tin tiếp nhận nhiều hơn.
Bên cạnh việc thông báo, kêu gọi ngư dân đến nơi trú bão an toàn, chúng tôi luôn trực thông tin 24/24 giờ để tiếp nhận thông tin báo nạn của ngư dân. Khi ngư dân báo nạn, chúng tôi tập trung nắm thông tin về tọa độ nơi tàu gặp nạn, sự cố của tàu, nhiên liệu và lương thực thực phẩm trên tàu… để có biện pháp ứng cứu kịp thời. Đặc biệt, phải thường xuyên giữ liên lạc với tàu thuyền gặp nạn để nắm bắt tình hình, động viên ngư dân trong thời gian chờ lực lượng đến ứng cứu”.
Từ bộ đàm trên biển gọi về cho trạm thông tin biển Đồn Biên phòng Phú Lộc, ngư dân Hồ Văn Cung (SN 1965, ngụ Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê), thuyền trưởng tàu ĐNa 90105 TS chia sẻ: “Những năm về trước, tàu thuyền của ngư dân chúng tôi gặp sự cố kỹ thuật, hỏng hóc phải chấp nhận may rủi.
Thậm chí một số trường hợp đã mất tích vì không một ai biết tàu gặp nạn ở đâu để tìm kiếm, cứu hộ do không thể liên lạc với nhau. Giờ khác rồi, mỗi tàu xa bờ đều có máy Icom, nếu gặp sự cố, chúng tôi báo ngay cho lực lượng Bộ đội Biên phòng để được ứng cứu”.
Ông Cung cũng cho hay, tháng 3-2018, tàu ông có 7 lao động đang hành nghề lưới rê thì bị hỏng máy, gãy trục láp, không khắc phục được, thả trôi trên biển. Ông đã liên lạc với Trạm thông tin liên lạc biển Đồn Biên phòng Phú Lộc và được các anh tận tình hướng dẫn, động viên. Trạm thông tin cũng đã liên hệ với các tàu đánh bắt gần đó đến hỗ trợ, giúp đỡ và lai dắt kịp thời.
Không chỉ sát cánh cùng ngư dân trên từng chuyến biển, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phú Lộc còn bám sát cơ sở tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, ý thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo cho bà con ngư dân; tổ chức ký cam kết thông tin liên lạc biển với các chủ phương tiện đánh bắt xa bờ có máy Icom; tập huấn kỹ năng sử dụng máy Icom…
Đặc biệt, trong thời gian Trung Quốc ra lệnh cấm trái phép đánh bắt trên các vùng Biển Đông, trong đó có khu vực thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, công tác tuyên truyền, liên lạc với ngư dân luôn được đồn đặt lên hàng đầu nhằm giúp ngư dân yên tâm đánh bắt hải sản, đồng thời kịp thời cung cấp những thông tin quan trọng trên biển nhằm xử lý kịp thời các tình huống…
Thiếu tá Phạm Văn Hùng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Phú Lộc cho biết, từ đầu năm 2018 đến nay, Đồn Biên phòng Phú Lộc đã tổ chức tuyên truyền cho hàng nghìn lượt ngư dân về các quy định trong khu vực biên giới biển, vùng cấm; tuyên truyền vận động ngư dân không xâm phạm chủ quyền biên giới biển; duy trì liên lạc với 1.097 lượt phương tiện, nắm 12 nguồn tin liên quan đến hoạt động xâm phạm chủ quyền và cứu hộ cứu nạn, 2 tin phát hiện 34 tàu cá Trung Quốc xâm phạm chủ quyền. |
Bài và ảnh: THU THẢO