Tranh luận sôi nổi về miễn tiền thuê đất cho dự án trong các đặc khu

.

Tiếp tục thảo luận báo cáo giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016, chiều 28-5, không khí nghị trường sôi nổi với phần tranh luận về miễn tiền thuê đất cho các dự án trong các đặc khu.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Bùi Văn Cường phát biểu. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Bùi Văn Cường phát biểu. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Trước đó, trong phiên làm việc buổi sáng, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đã đề cập đến việc 95% khiếu kiện liên quan đến đất đai, chính sách đất đai đang áp dụng đi ngược lại nguyên lý cơ bản về kinh tế đất đai trong cơ chế thị trường dẫn đến việc không thành công trong quản lý kinh tế về đất đai.

Ví dụ dự thảo Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc vẫn đề xuất miễn tiền sử dụng đất cho các dự án có mục đích sử dụng đất từ 10-30 năm, đây là chính sách đi ngược lại luật cung cầu về đất đai, đại biểu Hoàng Văn Cường e ngại chính sách này không những không thu hút tốt các nhà đầu tư cạnh tranh mà còn làm thất bại quá trình cạnh tranh lành mạnh của các đặc khu.

Quan điểm này đã vấp phải sự không đồng tình của Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh Đỗ Thị Lan khi địa phương đang xây dựng đặc khu Vân Đồn. Tranh luận về vấn đề này, đại biểu Đỗ Thị Lan cho biết, hiện nay, trong dự thảo Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc quy định có hai trường hợp được miễn tiền thuê đất tới 30 năm.

Trường hợp thứ nhất, đối với những dự án thuộc danh mục dự án cần thu hút đầu tư theo hình thức xã hội hóa thuộc lĩnh vực giáo dục, đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa thể thao và môi trường.

Đây là lĩnh vực nằm trong danh mục cần thu hút đầu tư, vừa giải quyết mục tiêu về xã hội, vừa là những dự án đầu tư ít mang lại hiệu quả kinh tế.

Trường hợp thứ hai là miễn tiền thuê đất tối đa 30 năm nhưng không quá nửa thời gian đầu tư của nhà đầu tư chiến lược, nhưng phải đảm bảo được các điều kiện cam kết như dự thảo luật đã nêu.

Chẳng hạn, phải đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh thuộc ngành nghề ưu tiên phát triển tại đặc khu, phải có quy mô sản xuất kinh doanh lớn và phải có nguồn vốn đầu tư tương ứng với một số dự án được xem xét thuộc lĩnh vực ưu tiên này, tương ứng từ 6.000 tỷ đồng đến 45.000 tỷ đồng (mức tối thiểu), cam kết giải ngân trong thời gian quy định từ 3-8 năm, cam kết thực hiện chuyển giao được công nghệ tiên tiến và gắn bó lâu dài với đặc khu…

“Quy định đối với việc miễn tiền thuê đất không quá thời gian là 30 năm trong dự thảo Luật không phải chưa xem xét đến hiệu quả đầu tư mà đã xem xét đến hiệu quả sử dụng đất, tài sản của nhà nước đối với các dự án đầu tư vào đặc khu. Như vậy, so với các quy định hiện hành đang ưu đãi đối với các khu công nghiệp thì dự thảo Luật lần này đã thu hẹp hơn, đồng thời cũng xem xét đến tính hiệu quả và hợp lý,” đại biểu Đỗ Thị Lan nhận định.

Đồng tình với tranh luận của đại biểu Đỗ Thị Lan về cho thuê đất ở đặc khu, đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho rằng, trong báo cáo của Chính phủ, cơ quan chịu trách nhiệm thẩm tra đều tính toán rất kỹ và có học tập kinh nghiệm của rất nhiều nước.

Tiếp tục tranh luận, đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) cho rằng, thời gian miễn thuế đất 30 năm là quá dài. Những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, trong nuôi trồng thủy sản, 10 năm là đủ và doanh nghiệp đã có thể thu lãi.

“Giả sử doanh nghiệp phá sản thì thời gian 30 năm miễn như thế nào?” đại biểu đặt vấn đề. Qua đó, đại biểu Lê Công Nhường cũng lưu ý việc tổ chức, cá nhân nước ngoài được quyền sở hữu nhà, căn hộ khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng, văn phòng làm việc kết hợp lưu trú trong dự thảo Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc cần quy định theo hướng thận trọng, phòng ngừa mất kiểm soát đối với khu vực này.

Số nhà, đất người nước ngoài sở hữu, đầu tư cho các dự án liên quan đến đất đai tối đa không quá 40%.

Giãi bày trước Quốc hội khi cho biết nhiều đại biểu đặt vấn đề bên hành lang Quốc hội là “không đồng tình với việc miễn thuê đất từ 10 năm đến 30 năm như thế là không đồng tình với việc xây dựng 3 đặc khu,” đại biểu Hoàng Văn Cường bày tỏ ông rất đồng tình và thấy rằng rất cần thiết thông qua sớm dự Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc để hình thành ba đặc khu này, đây là cơ hội tốt để có sự thay đổi.

Theo đại biểu, chúng ta đi sau, rất cần có một cơ chế vượt trội so với các quốc gia đi trước. Song, trong 3 cơ chế vượt trội, đại biểu chỉ đồng tình với cơ chế vượt trội về tổ chức bộ máy và về ưu đãi thuế đặc biệt đối với các nhà đầu tư.

“Với việc chúng ta ưu đãi bằng việc miễn tiền sử dụng đất 30 năm là hoàn toàn khác so với việc ưu đãi thuế vì ở đây chúng ta đã mang một nguồn tài nguyên rất quý, hiếm và thậm chí rất hữu hạn ở những đặc khu để giao không cho những nhà đầu tư trong một thời gian dài,” đại biểu Hoàng Văn Cường phân tích.

Lý giải của đại biểu Hoàng Văn Cường cho thấy, kỳ vọng khi hình thành đặc khu phải thu hút được nhiều nhà đầu tư, việc này sẽ xảy ra quy luật mất cân đối cung-cầu về đất đai.

Vì vậy, phải sử dụng công cụ về đất đai để lựa chọn những nhà đầu tư tốt nhất, hiệu quả nhất chứ không phải nhà đầu tư nào nhanh chân nhất.

Và như vậy, có thể ngày hôm nay, nhà đầu tư này là chiến lược, nhưng 10 năm sau, 20 năm sau, nhà đầu tư chiến lược khác sẽ thay thế nếu nhà đầu tư này sử dụng đất đai, các cơ hội không hiệu quả.

“Nếu chúng ta sử dụng cơ chế miễn tiền thuê đất này thì một nhà đầu tư xây dựng một khách sạn 5 sao và sẽ được miễn tiền thuê đất trong vòng 15 năm, không cần phải đầu tư khai thác về khách sạn, cứ để không đó 10 năm sau, chúng ta đều có kỳ vọng rằng, nhà đầu tư đó sẽ được hưởng giá trị gấp 5-10 lần. Việc này chúng ta đã nhìn thấy ngay thời gian qua, khi chưa hình thành đặc khu,” đại biểu chỉ rõ và cho rằng vì vậy nên nhiều đặc khu trên thế giới đã phải sử dụng chính sách đánh thuế đất, điển hình như Thẩm Quyến (Trung Quốc), năm 1985 đã phải áp dụng chính sách áp thuế đất và cứ 3 năm thay đổi một lần.

“Tôi đề nghị chúng ta chỉ nên miễn trong thời gian xây dựng cơ bản”, đại biểu Hoàng Văn Cường nói. Cũng theo đại biểu, “việc sử dụng cơ chế giao đất cho nhà đầu tư theo cơ chế BT được áp dụng trong khoản 3, 4 Điều 33 dự thảo Luật không khác gì những điều Kiểm toán nhà nước đã nêu ra của BT hiện nay thì lại đưa vào luật và gần như hợp pháp hóa cho việc sai phạm đó”.

Theo Vietnam+

;
.
.
.
.
.
.