Báo chí và vai trò định hướng thông tin

Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, báo chí không chỉ làm nhiệm vụ phản ánh đời sống xã hội chân thực mà còn giữ vai trò quan trọng trong việc định hướng thông tin tới công chúng, bác bỏ những tin đồn thất thiệt một cách nhanh chóng, đúng và kịp thời.

Tin tức giả, hậu quả thật

Bên cạnh những lợi ích mang lại, Internet và mạng xã hội (MXH) đã và đang đặt ra yêu cầu, thách thức không nhỏ, nhất là việc lan tràn thông tin thất thiệt. Đơn cử, tháng 4-2013, Twitter chính thức của trang tin APP bị tấn công mạng. Một thông báo về vụ nổ tại Nhà Trắng làm Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Barack Obama bị thương khiến dư luận hoang mang, Phố Wall mất khoảng 200 tỷ USD chỉ trong 3 phút. Sự thật là chẳng có vụ nổ nào cả.

Tại Việt Nam, tháng 7-2017, chủ một cửa hàng điện tử ở Đà Nẵng tung tin thất thiệt trên facebook về “lễ hội sờ ngực từ thiện” nhằm mục đích “câu like” đã bị phạt 5 triệu đồng. Đối tượng là Nguyễn Kim A. (30 tuổi, quê Đô Lương, Nghệ An), là chủ một cửa hàng mua bán, sửa chữa máy tính xách tay cũ trên đường Hàm Nghi (quận Thanh Khê). Khi được mời lên cơ quan công an làm việc, Kim A. thừa nhận đây là thông tin không chính xác do đọc được trên mạng thấy “hay hay” nên sao chép lại, chỉnh sửa và đăng lên trang facebook của cửa hàng nhằm mục đích “câu like” thu hút khách hàng. Đối tượng thừa nhận hành vi của mình là sai trái và cam kết xóa bỏ nội dung trên. Theo cơ quan điều tra, đây là thông tin thất thiệt, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam, làm phương hại đến hình ảnh thành phố và con người Đà Nẵng. Việc này đã vi phạm điểm đ, khoản 2, Điều 64, Nghị định 174/2013 NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện. Tháng 8-2017, cơ quan điều tra Công an tỉnh Thái Nguyên đã bắt giữ người tung tin đồn vỡ đập hồ Núi Cốc lên mạng xã hội.

Có những tin đồn gây hoang mang dư luận, nhưng cũng có không ít tin đồn tước đoạt mất cuộc sống bình yên vốn có của một cá nhân. Danh sách nạn nhân của tin đồn giả không hề ngắn. Bà N.T.N và bà H.T.T.Tr (Thành phố Hồ Chí Minh) đã trải qua nhiều tháng liền bị đuổi đánh chỉ vì một bức ảnh và dòng chữ thất thiệt đi kèm: “Hai người phụ nữ Trung Quốc chuyên bắt cóc trẻ em, ai thấy mong báo công an, mọi người chia sẻ để đề phòng”. Trong khi đó, bức ảnh ngủ trưa của chị V.T.T.M (Thành phố Hồ Chí Minh) lại vô cớ biến thành tin giả “Cô gái chết thảm do ngủ trước quạt máy” khiến người thân, bạn bè của chị lo lắng nháo nhào…

Chủ động đấu tranh, phản bác thông tin sai sự thật

Đầu năm 2018, theo thống kê của  trang web Hootsuite và We Are Social, Việt Nam xếp ở vị trí thứ 7 với 58 triệu người dùng điện thoại thông minh, tăng 5% trong quý 1, và rộng hơn là 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngày càng có nhiều người sử dụng điện thoại đồng nghĩa với việc gia tăng nhu cầu sử dụng MXH. Các số liệu thống kê cho thấy lượng người dùng MXH nói chung trên toàn thế giới đã chạm ngưỡng xấp xỉ 3,3 tỷ. Trước đó, kết quả khảo sát năm 2017 của Chương trình nghiên cứu Internet và xã hội “VPIS” cho thấy, Việt Nam có hơn 35 triệu người sử dụng MXH (chiếm 37% dân số) với thời lượng trung bình dành cho MXH khoảng 2 giờ 18 phút mỗi ngày.

Với lượng lớn người đang sử dụng MXH, đây thực sự là “nguồn tin” cực kỳ phong phú cho báo chí. Song, thông tin từ MXH cũng như con dao hai lưỡi, nếu người làm báo không thận trọng, tỉnh táo kiểm chứng thông tin thì sẽ “tiếp tay” cho thông tin giả bùng phát, lan truyền.

Báo chí là một trong những lực lượng đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống tin tức giả và các loại thông tin xấu khác. Trong môi trường thông tin đa chiều như hiện nay, báo chí không chỉ làm nhiệm vụ phản ánh đời sống xã hội chân thực mà còn giữ vai trò quan trọng trong việc định hướng thông tin tới công chúng, bác bỏ những tin đồn thất thiệt một cách nhanh chóng, đúng và kịp thời.

Người làm báo cũng là một độc giả trong dòng chảy thông tin. Tuy nhiên, độc giả không phải là người làm báo khi tiếp nhận thông tin có thể lựa chọn thu nhận hoặc không thu nhận thông tin vào bộ nhớ của mình. Còn người làm báo, khi phát hiện thông tin trên MXH, luôn phải tỉnh táo, có sự kiểm chứng nhiều chiều. Nếu thông tin đúng, nhà báo có thể biến dữ liệu này thành thông tin riêng của mình một cách trách nhiệm. Nếu thông tin sai, nhà báo cũng có nhiệm vụ phản bác, đấu tranh, cung cấp cho độc giả nội dung đúng để chống sự nhiễu loạn thông tin.

Có thể nhận định, không gian mạng là “mảnh đất màu mỡ” để các thế lực thù địch “truyền bá” những quan điểm, tư tưởng sai trái. Ngoài việc vận hành, quản trị mạng công khai tuyên truyền chống phá, chúng triệt để móc nối, sử dụng những đối tượng chống đối trong nước để “tiếp sức” chống phá. Thực tế chứng minh, thời gian qua, báo chí đã kịp thời định hướng dư luận xã hội bằng việc minh bạch thông tin, giúp độc giả phân biệt được đâu là tin thật, đâu là tin giả; từ đó, thực hiện tốt nhiệm vụ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dặn dò: “Làm báo là làm chính trị. Chính trị phải đúng”.

YÊN LAM

;
.
.
.
.
.
.