Báo chí với sự phát triển của thành phố

.

Tháng 6-2018, giới báo chí cả nước hân hoan kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2018). Cứ mỗi năm đến ngày này, không khí làng báo cả nước nói chung và Đà Nẵng nói riêng lại trở nên sôi nổi với nhiều tác phẩm báo chí có chất lượng được gửi đi tham dự các giải báo chí của thành phố và toàn quốc.

Đây là “mùa thu hoạch” của các nhà báo, phóng viên sau một năm vất vả, lăn lộn với thực tiễn để khai thác đề tài, quên mình dấn thân vào những nơi nguy hiểm tìm tư liệu cho nhiều bài viết mang tính thời sự nóng hổi, mang hơi thở của cuộc sống hiện đại. Những bài báo ấy là món ăn tinh thần không thể thay thế, là người bạn trung thành và đáng tin cậy của độc giả trong thế giới phẳng hôm nay.

Một góc bãi biển Đà Nẵng nhìn về bán đảo Sơn Trà. Ảnh: Nguyễn Xuân Tư
Một góc bãi biển Đà Nẵng nhìn về bán đảo Sơn Trà. Ảnh: Nguyễn Xuân Tư

Là lực lượng chủ lực trong công tác tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội, trong thời gian qua, hầu hết các cơ quan báo chí trên địa bàn đã nắm chắc chủ trương, chính sách của Đảng bộ và chính quyền thành phố, làm tốt nhiệm vụ thông tin, truyền thông, bám sát, phản ánh kịp thời thực tiễn cuộc sống, tâm tư nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân thành phố, góp phần tạo nên sự đồng thuận trong xã hội, quảng bá hình ảnh Đà Nẵng đến đông đảo công chúng trong nước và bạn bè quốc tế.

Dẫn chứng ra đây là sự kiện Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 được tổ chức tại Đà Nẵng trong điều kiện thời tiết không mấy thuận lợi nhưng dưới ngòi bút của các nhà báo, phóng viên, APEC 2017 thực sự đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế.

Trong những ngày diễn ra sự kiện, hình ảnh người dân thành phố hiện ra thật đẹp đẽ trên hầu hết các trang báo trong nước và quốc tế, từ tài xế taxi đến tiểu thương ở các chợ, cán bộ, công chức, viên chức, công nhân lao động, người già đến trẻ nhỏ đều trở thành những “Đại sứ văn hóa”, mang nét đẹp văn minh, thân thiện và hiếu khách.

Nhờ đó, bạn bè quốc tế lâu nay chỉ biết đến Đà Nẵng là thành phố của những bãi biển đẹp, của những cây cầu nổi tiếng bắc qua sông Hàn thì nay còn hiểu hơn về một thành phố của sự đồng thuận lòng dân, của sự chu đáo và hiếu khách.

Chính điều này đã góp phần nâng cao vị thế và thương hiệu thành phố trên trường quốc tế, góp phần đưa thành phố ven sông Hàn không chỉ tỏa sáng “trên sân nhà” mà còn vươn ra cả khu vực và thế giới.

Trong thực hiện nhiệm vụ của mình, các cơ quan báo chí trên địa bàn thành phố đã nỗ lực phát hiện, biểu dương, cổ vũ, nhân rộng các tấm gương người tốt - việc tốt; những mô hình điển hình, tiên tiến; những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Nhiều chuyên mục, chuyên trang về học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của các cơ quan báo, đài được duy trì thường xuyên, trở thành “địa chỉ” quen thuộc được bạn đọc quan tâm theo dõi.

Bằng ngôn ngữ giản dị, gần gũi, dễ đi vào lòng bạn đọc, các tác phẩm báo chí đã giới thiệu hàng nghìn tấm gương, những câu chuyện cảm động về các tập thể, cá nhân tiêu biểu tạo được ấn tượng sâu đậm trong dư luận, có sức lan tỏa rộng rãi trong xã hội.

Chúng ta sẽ còn nhớ mãi câu chuyện cứu hàng chục người đuối nước của ông Sáu Léo mà đến nay gặp lại ông vẫn chưa biết tên, câu chuyện về “chiếc xe Thạch Sanh” của cụ ông 80 tuổi đi gom những món đồ cũ để chia sẻ cho bà con nghèo, và rất nhiều câu chuyện cảm động khác.

Chính sự phát hiện, bảo vệ, cổ vũ, động viên của báo chí đã tạo sức lan tỏa to lớn, góp phần làm cho cái tốt, cái tích cực ngày càng nảy nở, phát triển; tạo sức mạnh đẩy lùi cái xấu, cái tiêu cực, thu hẹp và xóa dần những mảng tối trong xã hội

Quang cảnh Hội nghị Cấp cao APEC 2017. Ảnh: HUỲNH VĂN TRUYỀN
Quang cảnh Hội nghị Cấp cao APEC 2017. Ảnh: HUỲNH VĂN TRUYỀN

Bên cạnh việc cổ vũ cái tốt, báo chí đã tích cực đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái, góp phần bảo vệ chế độ, bảo vệ chủ quyền quốc gia; tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, những biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống, góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp hơn.

Đã có nhiều tuyến bài điều tra công phu, chất lượng, thể hiện sự chuyên nghiệp, sắc sảo của đội ngũ phóng viên, sự dũng cảm của các Tổng Biên tập… được người đọc theo dõi, chờ đợi. Không chỉ vạch mặt những nhóm lợi ích, những kẻ lợi dụng chức quyền để thu vén cá nhân, mà còn chỉ ra những khuyết điểm trong cơ chế giám sát quyền lực.

Chính những bài viết chống tiêu cực đã củng cố thêm niềm tin trong nhân dân, nâng cao thêm uy tín cho đội ngũ những người làm báo.

Báo chí thực sự là diễn đàn, là tiếng nói của mọi tầng lớp nhân dân, là “tai, mắt” của Đảng bộ và chính quyền trong quá trình lãnh đạo điều hành, là kênh giám sát và phản biện các chính sách, chủ trương của thành phố, là nơi để người dân hiến kế.

Mỗi kỳ họp của HĐND thành phố, kỳ họp của Quốc hội hay tiếp xúc cử tri, báo chí đã tham gia tích cực vào việc phản ánh tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của các tầng lớp nhân dân, truyền tải nhiều vấn đề bức xúc của đời sống xã hội như di dời giải tỏa, ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông… vào nghị trường, làm “nóng” các phiên chất vấn, thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan công quyền.

Qua các thông tin trên báo, đài, lãnh đạo thành phố đã tiếp thu được các sáng kiến của nhân dân góp ý cho thành phố để ban hành các chính sách mới hoặc điều chỉnh những văn bản chưa hợp lý nhằm hướng đến lợi ích chung của người dân và cộng đồng.

Có thể nói, qua nhiều chặng đường phát triển, tuy gặp không ít khó khăn, thách thức về lòng dân, song với tinh thần cầu thị và không ngại va chạm, Đảng bộ và chính quyền thành phố đã rất cởi mở, mạnh dạn hình thành kênh đối thoại trực tiếp và gián tiếp với các cơ quan báo chí vì mục tiêu xây dựng thành phố Đà Nẵng thành một đô thị văn minh, hiện đại và đáng sống.

Năm 2017 là một năm có nhiều “cơn bão lòng” với người dân thành phố bên bờ sông Hàn khi chứng kiến nhiều cán bộ bị kỷ luật sau kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương; cùng nhiều vấn đề nổi cộm, nhạy cảm, phức tạp khác.

Đây cũng là một năm đầy biến động về công tác cán bộ, về công tác xây dựng Đảng…, khiến tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức bị ảnh hưởng không nhỏ. Khi người dân đang chới với, hoang mang với những thông tin tiêu cực, trái chiều xuất hiện trên các trang mạng xã hội thì nhiều tờ báo Trung ương và địa phương kịp thời xuất bản những bài viết động viên, khích lệ, khẳng định Đà Nẵng vẫn và sẽ mãi là một thành phố đáng sống. Tương lai thuộc về những người biết ước mơ và có khát vọng.  

Phóng viên Báo Đà Nẵng (trái) và tình nguyện viên hướng dẫn, cung cấp thông tin đến phóng viên tác nghiệp ở Trung tâm Báo chí quốc tế trong Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng. Ảnh: Cẩm Kim
Phóng viên Báo Đà Nẵng (trái) và tình nguyện viên hướng dẫn, cung cấp thông tin đến phóng viên tác nghiệp ở Trung tâm Báo chí quốc tế trong Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng. Ảnh: Cẩm Kim

Đà Nẵng đang trong giai đoạn chuyển mình sau 20 năm bứt phá ngoạn mục. Tầm nhìn cho Đà Nẵng của 20 năm tiếp theo đang được các chuyên gia, các nhà quản lý thảo luận sôi nổi, phải chăng là xây dựng một Đà Nẵng “Thịnh vượng, thông minh, sáng tạo, có bản sắc và bền vững”.

Dù cho tầm nhìn là gì thì triết lý phát triển mà lãnh đạo thành phố hướng tới chắc chắn sẽ là “hướng về dân và vì nhân dân”. Một bản kế hoạch lớn muốn được thực hiện thành công rất cần sự tham gia của mọi thành phần, tầng lớp nhân dân.

Trong đó, không thể thiếu đội ngũ những người làm báo, với vai trò là đội quân xung kích trên mặt trận truyền thông. Chúng ta trân trọng sự đóng góp của báo chí thời gian qua và đặt nhiều hy vọng vào sự đồng hành của báo chí trong thời gian tới.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có hơn 100 cơ quan báo chí hoạt động với khoảng 800 người làm báo, trong đó báo chí địa phương là hơn 300 người. Trong tác phẩm “Bốn mươi năm nói láo”, nhà báo Vũ Bằng đã viết: “Người làm báo không vì danh, vì lợi thế thì vì gì mà cứ lặn lội lên xuống, thất điên bát đảo mãi vì nghề báo? Có lẽ họ tự đày ải bản thân họ như thế chỉ vì họ là những người tự trọng, những người có học. Họ thiết tha với nghề văn, nghề báo bởi vì họ nhận thức nghề làm báo, viết văn là đệ tứ quyền lực…”.

Với vai trò của các nhà báo nắm trong tay “quyền lực thứ tư” của xã hội, việc sử dụng quyền lực đó để xã hội phát triển thịnh vượng và tốt đẹp hơn phụ thuộc nhiều vào trình độ, phẩm chất đạo đức của những người làm báo.

Hy vọng trong thời gian tới, các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương tiếp tục đồng hành cùng sự phát triển của thành phố Đà Nẵng. Để mỗi ngày trên các kênh báo chí, hình ảnh Đà Nẵng với những gương sáng, những mặt tích cực được quảng bá đến người dân cả nước và bạn bè quốc tế; đồng thời chỉ ra những băn khoăn, những điều khiếm khuyết mà Đà Nẵng cần khắc phục để vươn lên.

"Người làm báo không vì danh, vì lợi, thế thì vì gì mà cứ lặn lội lên xuống, thất điên bát đảo mãi vì nghề báo? Có lẽ họ tự đày ải bản thân họ như thế chỉ vì họ là những người tự trọng, những người có học. Họ thiết tha với nghề văn, nghề báo bởi vì họ nhận thức nghề làm báo, viết văn là đệ tứ quyền lực…”

Nhà báo Vũ Bằng

Đặng Việt Dũng

Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy
 

;
.
.
.
.
.
.