Bảo vệ sự thật trước tin giả

.

Tin giả không phải hiện tượng mới nhưng nhờ sức mạnh của công nghệ hiện đại, những tin tức ngụy trang sự thật đang có cơ hội phát tán ở cấp độ chưa từng có. Chưa bao giờ các cơ quan truyền thông chính thống lại đau đầu vì tin giả như bây giờ.

Hình ảnh cảnh báo chống tin giả ở Malaysia với khẩu hiệu “Chia sẻ một lời nói dối cũng khiến bạn trở thành người dối trá”.
Hình ảnh cảnh báo chống tin giả ở Malaysia với khẩu hiệu “Chia sẻ một lời nói dối cũng khiến bạn trở thành người dối trá”.

Tin giả át tin thật

Theo số liệu mới được công bố trong tháng 5-2018 tại một diễn đàn chống tin giả của Liên minh châu Âu (EU), có tới 2/3 số người châu Âu đều “vớ” phải ít nhất một thông tin giả mỗi ngày. Cùng với đó, 80% người dân khối này tin rằng tin giả là mối nguy với nền dân chủ.

Kết quả một nghiên cứu khác về tin giả gần đây của các nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ Massachusetts công bố trên tạp chí Science còn đáng lo ngại hơn. Nhóm nghiên cứu đã khảo sát 126.000 loạt tin đồn do khoảng 3 triệu người lan truyền trên mạng xã hội Twitter với hơn 4,5 triệu lượt chia sẻ trong khoảng thời gian từ năm 2006-2017.

Họ nhận thấy số tin giả tiếp cận người đọc nhiều hơn và nhanh hơn rất nhiều so với tin tức thật. 1% tin tức giả hàng đầu tiếp cận tối đa khoảng 100.000 người, trong khi tin thật chỉ đến được hơn 1.000 người. Báo cáo rút ra kết luận: “Tin giả có xu hướng được chia sẻ lại nhiều hơn tin thật tới 70%. Và để đến được với 1.500 người, tin thật mất thời gian nhiều gấp 6 lần so với tin tức giả”.

Có những lý do thực tế khiến nhiều người cho rằng, tình trạng tin giả sẽ ngày càng trở nên phức tạp hơn, và có thể sẽ càng khó kiểm soát hơn nếu chính quyền mỗi nước không sớm có biện pháp giải quyết rốt ráo vấn đề này.

Thứ nhất, sau giai đoạn tin tức giả bằng chữ (text), thời bùng nổ tin tức giả dạng đa phương tiện như video, audio và ảnh đang bắt đầu. Công nghệ hiện nay có thể tham gia vào việc tạo ra tiếng nói giống như thật của một ai đó (công nghệ “photoshop giọng nói”).

Công nghệ trí tuệ nhân tạo cũng có thể tạo ra các hệ thống có khả năng thêu dệt các video và hình ảnh như thật. Các sản phẩm của những công nghệ đó sẽ “không thể phân biệt được với thực tế”, đó là nhận định của ông Jeff Clune, Giám đốc Phòng thí nghiệm Trí tuệ Nhân tạo Tiến hóa tại Đại học Wyoming (Mỹ).

Thứ hai, Internet đang ngày càng trở thành nơi giải đáp mọi thắc mắc và nhu cầu thông tin của mọi người trên thế giới. Thực tế này cho thấy một nguy cơ lớn về việc Internet bị lạm dụng trở thành nơi “dung dưỡng” cho đủ mọi thuyết âm mưu, những tin đồn nhảm mà không có bất cứ chứng cứ xác thực nào.

Góp thêm vào đó là nguyên nhân thuộc về bản chất tâm lý, con người thường có xu hướng gắn bó, tìm đến những nhóm có quan điểm giống mình trên mạng và tìm kiếm thông tin họ ủng hộ. Điều này đặc biệt đúng nếu bạn quan sát sự trỗi dậy của dư luận xã hội phản đối tiêm vắc-xin và sinh con thuận theo tự nhiên từng dấy lên thành phong trào trong thời gian qua.

Gian nan chống tin giả

Cuộc chiến chống tin giả của thế giới nhất thiết phải có sự hợp tác của các “ông lớn” công nghệ, những nền tảng phát tán tin tức lớn nhất hiện nay trên Internet, Google và Facebook. Bước đầu tiên chính là các hãng này phải thay đổi thuật toán của họ để sao cho tin tức giả bị hạ mức hiển thị, trở nên “khó tìm” hơn trên mạng, cùng với tin tức chất lượng cao được ưu ái xuất hiện ở những vị trí dễ thấy, dễ tìm hơn.

Thời gian qua, Facebook cũng như Google đã công bố hàng loạt biện pháp chống tin giả của họ. Mạng xã hội Facebook ngoài việc áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), còn có tới hơn 7.000 nhân viên điều phối nội dung với nhiệm vụ rà soát, kiểm tra những tin tức không phù hợp, tin tức giả trên nền tảng của họ.

Google thay đổi thuật toán để hạ bậc hiển thị những nguồn tin kém chất lượng, cho phép người dùng báo cáo tin giả trên nền tảng, cung cấp thêm bối cảnh tin tức, kiểm chứng thông tin để người đọc có cái nhìn đa chiều hơn…

Lẽ dĩ nhiên, một việc không kém quan trọng khác là phải có những biện pháp, phương thức nâng cao nhận thức cho công chúng về tin tức giả. Trang bị kỹ năng đọc hiểu truyền thông, giúp người đọc có tư duy phê phán nhiều hơn nữa trước các tin tức tiếp cận mỗi ngày.

Không ai có thể giúp bạn đọc kiểm chứng thông tin tốt hơn chính họ. Theo đó, trang bị kỹ năng thẩm định tin tức là điều luôn cần với mỗi người, không chỉ với thế giới mạng.

Dù thế nào, hệ thống pháp luật của mỗi nước cũng phải hoàn thiện hệ thống điều khoản luật để ngăn chặn và trừng phạt thích đáng với các vi phạm liên quan tin tức giả. Đến nay, chỉ một số nước có luật chống tin giả, nhiều nước vẫn đang trong quá trình hoàn thiện luật này, hoặc thậm chí còn chưa có luật.
Không phải ngẫu nhiên mà Google và Facebook “sốt sắng” với chuyện chống tin giả.

Họ làm thế cũng bởi áp lực từ chính phủ tại các nước mà nền tảng của họ được phép hoạt động. Tháng 6-2017, Quốc hội Đức thông qua luật ngăn chặn nạn tung thông tin thù địch, phạm pháp và tin tức giả trên mạng xã hội.

Luật quy định mức phạt lên tới 50 triệu euro với các mạng xã hội không loại bỏ tin giả hoặc nội dung thù địch trong vòng 24 giờ sau khi nhận được thông báo. Các trang mạng xã hội cũng được yêu cầu phải chặn các nội dung vi phạm pháp luật khác trong vòng 7 ngày.

Tại Đông Nam Á, Malaysia là quốc gia đầu tiên thực thi luật chống tin giả và đã phạt một trường hợp đầu tiên người nước ngoài là công dân Đan Mạch gốc Yemen vì tội tung tin giả. Song, không chỉ Malaysia, nhiều nước châu Á khác như Campuchia, Việt Nam, Thái Lan, Singapore và Sri Lanka cũng đã và đang tìm kiếm những giải pháp ngăn ngừa tình trạng phát tán tin giả.

Tại Philippines, dự luật chống tin giả với mức phạt tù lên tới 20 năm đang được chính phủ của Tổng thống Rodrigo Duterte cân nhắc.

Thực tế cho thấy, mặc dù truyền thông chính thống hết sức đau đầu trước nạn tin tức giả, nhưng cả lịch sử lẫn thực tế đều cho thấy báo chí chất lượng cao sẽ vẫn tồn tại. Bởi lẽ, theo rất nhiều kết quả khảo sát độc giả, người đọc vẫn luôn trân trọng những tin tức chính xác, trung thực và khách quan, những tin tức theo họ phản ánh sự chính trực của ban biên tập. Nói cách khác, công chúng sẽ luôn coi trọng một nền báo chí chất lượng.

“Bão” tin giả và cơ hội cho báo chí chính thống

Báo cáo thăm dò dư luận thường niên tại Ireland của hãng Edelman công bố tháng 2-2018 cho thấy quan điểm của công chúng nước này về nhiều vấn đề, trong đó có tin giả.

Có tới 2/3 người dân Ireland (64% người dân) lo ngại về tin giả, niềm tin với báo chí truyền thống đã khôi phục và tăng thêm 5%, đạt 53%. Trong khi đó, niềm tin vào các công cụ tìm kiếm online và các mạng xã hội đã giảm 8%, còn 33%.

Phần lớn người dân Ireland tin tưởng các nhà báo đang đáp ứng được kỳ vọng của họ trong các vấn đề như: điều tra tham nhũng (56%), bảo đảm chất lượng tin tức (54%) và cung cấp kiến thức về các vấn đề (61%).

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
.
.
.
.
.
.