ĐNO - Chiều 23-6, trong khuôn khổ kỳ họp Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu lần thứ 6 (GEF 6), tại cuộc họp cử tri các nước khu vực Đông và Nam Á, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam đề nghị GEF hỗ trợ Đà Nẵng tham gia Diễn đàn toàn cầu các thành phố phát triển bền vững.
Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị GEF hỗ trợ Đà Nẵng tham gia chương trình Diễn đàn toàn cầu các thành phố phát triển bền vững. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Diễn đàn toàn cầu các thành phố phát triển bền vững (Global platform for sustainable cities – GPSC) là chương trình được Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ để nghiên cứu và thực hiện các dự án thực tế.
Theo đó, các ngân hàng phát triển đa phương, Liên Hợp Quốc và nhiều tổ chức, chuyên gia phối hợp triển khai mở rộng các giải pháp phát triển bền vững cho 28 thành phố ở 11 quốc gia trên toàn thế giới.
Tại cuộc họp cử tri các nước khu vực Đông và Nam Á, đại diện GEF đã chia sẻ các cách thức để các thành phố của các nước trong khu vực có thể ứng phó với những thách thức phát triển bằng cách khai thác kiến thức thực tế và các nguồn tài trợ tài chính để triển khai các giải pháp phát triển đô thị bảo đảm môi trường.
Đại diện các nước trong khu vực thảo luận các giải pháp để các thành phố có thể tận dụng từ GPSC nhằm thúc đẩy các lợi ích về môi trường trên toàn cầu.
Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Phú Bình, Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế phát biểu về trường hợp thành phố Đà Nẵng (Việt Nam) đã định hướng phát triển bền vững theo hướng thành phố môi trường.
10 năm qua, WB cũng đã tài trợ, xây dựng tại Đà Nẵng nhiều dự án về xây dựng cơ sở hạ tầng, thoát nước, giao thông, vệ sinh môi trường…
“Để một thành phố phát triển theo hướng bền vững thì phải phối hợp tất cả các thành tố như: giao thông, năng lượng, môi trường… Vì thế, đề nghị GEF hỗ trợ Đà Nẵng tham gia chương trình GPSC để học tập kinh nghiệm cũng như có các hỗ trợ để Đà Nẵng phát triển bền vững theo hướng thành phố môi trường”, Tiến sĩ Phạm Phú Bình đề nghị.
Đại diện GEF cho biết sẽ nghiên cứu đề nghị này của đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và đề nghị cung cấp thêm thông tin về thành phố Đà Nẵng.
Đại diện các nước ở khu vực Đông và Nam Á cùng Quỹ Môi trường toàn cầu thảo luận các chủ đề. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Việt Nam nằm trong nhóm cử tri Đông Á gồm có Lào, Campuchia, Myanmar, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, Thái Lan, Malaysia, Mông Cổ.
Tại 2 cuộc họp cử tri khu vực vào sáng và chiều 23-6, các đại biểu đã thảo luận, đánh giá về các chính sách và hoạt động trong nhiệm kỳ 2014-2018, đồng thời góp ý, bổ sung các nội dung để đệ trình cho giai đoạn 2018-2022. Bên cạnh chương trình GPSC, trong ngày 23-6, chủ đề bảo đảm an ninh nguồn nước cho phát triển bền vững và thách thức ô nhiễm biển, đại dương cũng được nhiều nước quan tâm.
Ông Michael Bongro, đại biểu đến từ Papua New Guinea cho biết: “Chúng tôi đang nhấn mạnh vị trí của khu vực Thái Bình Dương trên bản đồ thế giới để đề nghị đưa ra những ưu tiên cho khu vực này tại các phiên họp của GEF xung quanh các vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu, suy thoái đại dương, quản lý rác thải… Khu vực Thái Bình Dương được xác định là nơi sinh sống của hơn một nửa dân số thế giới và dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu, nhất là thiên tai do biến đổi khí hậu”.
Ngày 24-6, diễn ra phiên họp hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu lần thứ 54. Cùng với đó là 7 sự kiện bên lề như: “Sạch, mát, thông minh: Chiến lược hệ thống lương thực và khái niệm dây chuyền lạnh để tăng cường tính chống chịu với biến đổi khí hậu” do UNIDO chủ trì; “Tăng cường năng lực quốc gia để đáp ứng về minh bạch” do CI, FAO, UNDP, UN Environment chủ trì; “Cơ sở hạ tầng bền vững - Xây dựng đổi mới và chuyển động toàn cầu để phòng tránh mất đa dạng sinh học và thoái hóa rừng từ đầu tư cơ sở hạ tầng” do ADB chủ trì; “Dự án Hỗ trợ và thực hiện NAMAs trong MRC (SPI-NAMA)” do JICA chủ trì; “Hệ thống năng lượng đô thị” do Cơ quan môi trường Liên hợp Quốc chủ trì…
HOÀNG HIỆP - KHANG NINH