Kỳ họp thứ 7 HĐND thành phố khóa IX: Cử tri thành phố kiến nghị

.

Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 7 HĐND thành phố khóa IX, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố nhận được 221 ý kiến cử tri phản ánh qua các tổ chức thành viên và Mặt trận các cấp về nhiều vấn đề nóng của thành phố hiện tại, như: tình trạng ô nhiễm môi trường ở bãi rác Khánh Sơn, Khu Công nghiệp Liên Chiểu, 2 nhà máy thép Dana-Úc và Dana-Ý; về dự án treo hoặc chậm tiến độ; vấn đề nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp; an toàn tại các khu chung cư nhà ở xã hội; tình trạng thiếu nước sinh hoạt trong mùa hè; việc mở các lối đi xuống biển; vấn đề xây dựng trái phép, không phép… Những vấn đề trên đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền phải nhanh chóng giải quyết thấu đáo và nghiêm túc.

Kênh thoát lũ Hòa Liên chậm tiến độ gây bức xúc cho cử tri.
Kênh thoát lũ Hòa Liên chậm tiến độ gây bức xúc cho cử tri.

Nhà chung cư xuống cấp

Trong hàng loạt vấn đề nêu trên, cần tập trung vào 3 lĩnh vực bức xúc nhất, đó là: nhanh chóng khắc phục tình trạng xuống cấp, mất an toàn của các khu chung cư nhà ở xã hội; khẩn trương di dời và có giải pháp phù hợp đối với các hộ dân ở các khu nhà tập thể xuống cấp.

Trên địa bàn thành phố hiện có nhiều khu chung cư nhà ở xã hội xuống cấp, hư hỏng nặng nhưng chưa được sửa chữa như chung cư Làng cá, chung cư 12T, chung cư Blue House ở quận Sơn Trà; 8 block chung cư đường Nguyễn Hữu Cảnh ở quận Hải Châu…

Thực trạng này gây lo lắng, bất an cho các hộ dân khi nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm do bể chứa nước của chung cư từ khi đưa vào sử dụng đến nay chưa được súc rửa; nhà ở bị dột, thấm khi trời mưa; lan can cầu thang quá thưa rất nguy hiểm cho trẻ nhỏ; thang máy liên tục hư hỏng; hệ thống báo cháy, chữa cháy trang bị sơ sài, lối thoát hiểm bị lấn chiếm và che khuất. Được biết, từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 5 vụ cháy chung cư nhà ở xã hội.

Ở trung tâm thành phố thuộc địa bàn quận Hải Châu hiện còn 36 khu nhà ở, nhà tập thể xuống cấp rất nghiêm trọng, có khu nhà “tuổi thọ” đã trên dưới 100 năm. Các căn hộ có diện tích rất nhỏ từ 10 đến dưới 30m2, điều kiện sinh hoạt thấp kém và mất an toàn.

Cử tri yêu cầu chính quyền thành phố có giải pháp xử lý nhất quán, công bằng theo đúng quy định của pháp luật và phù hợp với nguyện vọng của người dân. Cử tri mong muốn lãnh đạo thành phố đối thoại trực tiếp với các hộ dân để giải quyết dứt điểm trước mùa mưa bão năm nay, tránh để sự việc diễn ra kéo dài.

Sớm khắc phục tình trạng dự án treo

Qua giám sát, Mặt trận thành phố nhận thấy quyền lợi hợp pháp và chính đáng của người dân ở các vùng dự án treo và dự án chậm tiến độ bị xâm hại, sống trong tình cảnh “đi không được, ở cũng không xong”: không được chuyển nhượng đất, không được tách khẩu, không được xây dựng, sửa chữa nhà ở, cơ sở hạ tầng thấp kém do không được đầu tư, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn.

Có những dự án đã treo hơn 10 năm nay như: Làng Đại học Đà Nẵng, Ga đường sắt Liên Chiểu, Công viên Văn hóa-Lịch sử Ngũ Hành Sơn. Nhiều dự án chậm tiến độ kéo dài do phải liên tục bổ sung quy hoạch như kênh thoát lũ Hòa Liên, mương Khe Cạn (Cẩm Lệ), các khu dân cư Phần Lăng 3 (Thanh Khê), khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ, khu dân cư Phước Lý 2 (Liên Chiểu), các khu tái định cư Hòa Liên 3, Hòa Liên 4, Tà Lang-Giàn Bí-Phò Nam (Hòa Bắc)..., khiến cho nhân dân vô cùng  bức xúc.

Bên cạnh đó, việc xử lý hồ sơ đền bù giải tỏa, bố trí tái định cư của Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố và các chi nhánh trực thuộc còn quá nhiều vướng mắc, bất cập. Do đó, việc vận động nhân dân giải tỏa bàn giao mặt bằng gặp rất nhiều khó khăn, làm ảnh hưởng đến việc di dời và ổn định cuộc sống của người dân.

Chính quyền thành phố cần sớm kiện toàn bộ máy tổ chức và nhân sự cũng như thái độ, tinh thần phục vụ, kỷ luật kỷ cương hành chính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, viên chức Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố và các chi nhánh nhằm đẩy nhanh tiến độ giải tỏa đền bù và bố trí tái định cư các dự án.

Ngoài ra, việc quy hoạch và xây dựng các khu tái định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Hòa Vang cần phải xem xét đến yếu tố văn hóa, truyền thống sinh hoạt và lao động của đồng bào, tránh việc quy hoạch khu tái định cư nhà ống, không có vườn và không gian sinh hoạt văn hóa đang dần làm mai một đi bản sắc văn hóa của cộng đồng dân tộc thiểu số.

Tăng cường quản lý vệ sinh thực phẩm

Chưa khi nào vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm lại đáng báo động như hiện nay khi mà mỗi ngày các báo, đài, mạng xã hội thường đăng thông tin về thực phẩm bẩn, các cơ sở sản xuất chạy theo lợi nhuận, bất chấp sức khỏe cộng đồng.

Thực hiện chương trình “Thành phố 4 an”, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm được các cấp chính quyền thành phố tập trung quản lý, kiểm tra, thanh tra; Mặt trận và các đoàn thể tích cực giám sát và tuyên truyền, vận động nhân dân “nói không với thực phẩm bẩn”, các cơ sở sản xuất, kinh doanh cam kết không vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm…

Đà Nẵng là địa phương thứ 2 trong cả nước được thí điểm thành lập Ban Quản lý an toàn thực phẩm đi vào hoạt động từ đầu năm 2018 đến nay. Ban Quản lý an toàn thực phẩm đã tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra và xử lý các trường hợp vi phạm… Tuy nhiên, vấn đề an toàn thực phẩm vẫn chưa được giải quyết thường xuyên, nghiêm túc, triệt để; nên vấn đề này vẫn còn là nỗi lo của người dân thành phố và du khách…

 Bài và ảnh: ĐÔNG TRÀ

;
.
.
.
.
.
.