Những ngày tháng 5, tháng 6, thành phố rộn ràng hơn với Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF) 2018. Hơn 10 năm qua, pháo hoa đã trở thành đề tài, chất liệu hấp dẫn cho giới truyền thông Đà Nẵng, nhưng cũng có không ít “trở ngại” khiến người làm báo phải suy ngẫm.
Màn trình diễn pháo hoa của đội Pháp. Ảnh: XUÂN SƠN |
Nhanh nhạy tiếp cận “hậu trường”
Trước đêm thi thứ 2 của DIFF 2018, phóng viên Báo Đà Nẵng đến khách sạn Novotel để đón đội tuyển pháo hoa Atlas PyroVision (Mỹ). Theo thời gian dự kiến, khoảng 21 giờ ngày 19-5, đội có mặt, nhưng vì chuyến bay tới trễ, chúng tôi phải đợi đến hơn 23 giờ để lấy thông tin, trong khi các đồng nghiệp khác đã bỏ về từ trước.
Nhưng cũng chính sự “kiên trì” này mà nhóm làm pháo hoa của Báo Đà Nẵng đã có được buổi chia sẻ thú vị với bà Nadiah Wong Abdullah, Giám đốc điều hành Công ty Global 2000 (đơn vị tư vấn của cuộc thi) về chặng đường 10 năm của pháo hoa Đà Nẵng. Qua đó, để thấy rằng thành công của Cuộc thi pháo hoa quốc tế - DIFC (trước đây) và DIFF 2017, 2018 là tổng hòa của mọi yếu tố.
Ở đó có sự trăn trở, khát vọng của lãnh đạo thành phố với mong muốn làm nên một sự kiện văn hóa đạt tầm quốc tế và Đà Nẵng phải trở thành “thành phố sự kiện”, là nơi để người dân, du khách trong và ngoài nước cùng giao lưu, thưởng thức những chương trình văn hóa, nghệ thuật đặc sắc.
Nhưng có lẽ, ấn tượng nhất với chúng tôi là những buổi “đi thực địa” vào bãi bắn ven sông Hàn để quay phim, chụp hình và phỏng vấn các đội pháo hoa. Giữa cái nắng chang chang của đầu hè, gần 30 phóng viên, quay phim của các đơn vị báo chí, truyền thông đóng trên địa bàn thành phố cùng hội ngộ và tận mắt nhìn thấy những “trận địa pháo” được chuẩn bị và bảo vệ kỹ lưỡng, nghiêm ngặt.
Chúng tôi xem mình là những người may mắn khi được trực tiếp tiếp xúc với những “nghệ sĩ” đứng phía sau các màn trình diễn pháo hoa; thấy được sự kỳ công trong từng công đoạn chuẩn bị để có được những đêm diễn hoành tráng và hấp dẫn.
Là một phóng viên trẻ, lần đầu tiên tham gia tác nghiệp tại một sự kiện lớn như lễ hội pháo hoa quốc tế, bạn Xuân Sơn (Báo Đà Nẵng) chia sẻ: “Em cảm thấy choáng ngợp khi trực tiếp nhìn thấy trận địa pháo hoa của các đội, dù trước đó đã thấy qua ảnh và video. Đây là những kinh nghiệm quý báu trong chặng đường làm nghề của em”.
Có trực tiếp làm việc và phỏng vấn mới thấy, mỗi đội pháo hoa đến với Đà Nẵng đều là những tên tuổi lớn của nền công nghiệp pháo hoa quốc tế, mang trong mình một “hành trình” dài hình thành và phát triển từ 20 đến 60 năm, thậm chí cả trăm năm.
Chẳng hạn, đội Martarello (Ý) là một gia đình với lịch sử 100 năm hoạt động trong ngành pháo hoa, mà bí quyết để làm nên những giải thưởng lớn – như chia sẻ của đại diện đội, đó là: “Trình diễn bằng tất cả những đam mê được truyền từ đời cha ông để lại”.
Và đặc biệt, chúng tôi cảm nhận được sự hài lòng của đội khi tới Đà Nẵng để tham dự DIFF 2018. Không ít thành viên của các đội pháo hoa Pháp, Mỹ… bày tỏ sự thích thú và bất ngờ trước một Đà Nẵng xinh đẹp, sạch sẽ và hiếu khách. Những lời nhận xét ấy của bạn bè quốc tế, dường như khiến chúng tôi bớt đi phần mệt mỏi khi “dầm” mình hàng tiếng đồng hồ giữa cái nắng oi ả để thu thập thông tin.
Các nhà báo phỏng vấn đội trưởng đội pháo hoa Ý trước đêm thi thứ 3 của DIFF 2018. |
“Một màu” vì hạn chế ngoại ngữ, thông tin
Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng quy tụ những đội pháo hoa đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ như Ý, Mỹ, Pháp, Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc)...
Theo đó, mỗi đội có một tình nguyện viên là người Việt Nam hỗ trợ những việc liên quan. Tuy nhiên, theo “kịch bản” của ban tổ chức, việc tiếp xúc với các thành viên trong các đội pháo hoa khá hạn chế, chỉ tầm 1 tiếng đồng hồ với 2 lần: đón đoàn và phỏng vấn tại bãi bắn.
Trong các buổi phỏng vấn, mọi câu hỏi đều phải tập hợp lại cho đại diện truyền thông của đơn vị tổ chức. Bên cạnh đó, hầu hết các câu hỏi đều theo một mô-típ như: “Cảm nhận của bạn khi đến Đà Nẵng?”, “Bạn có thể bật mí về các phần thi của cả đội”, “Bạn thể hiện ý tưởng của đêm thi như thế nào, sử dụng bao nhiêu quả pháo?”...
Những câu hỏi như vậy cứ lặp đi, lặp lại từ đêm thi này sang đêm thi khác, cộng thêm thông tin do ban tổ chức gửi đồng loạt cho tất cả các đơn vị báo chí đăng ký tác nghiệp. Do đó, khi đến hơn nửa chặng đường, người viết đôi khi bị “hụt hơi” vì cạn vốn liếng, chất liệu.
Trong quá trình tác nghiệp của mình, nhà báo M.T, phóng viên thường trú của một đài truyền hình Trung ương tại Đà Nẵng chia sẻ rằng, hạn chế lớn nhất của phóng viên hiện nay là vốn ngoại ngữ quá yếu. Nếu thông thạo tiếng Anh, bạn có thể sẽ có thêm chất liệu cho bài viết hấp dẫn, sinh động hơn, thay vì “một màu” và na ná nhau giữa các tờ báo. Chưa nói đến việc, trên thực tế có những câu trả lời từ đại diện các đội, phần dịch của các biên dịch viên có khi không toát lên hết nội dung.
Nhờ tác nghiệp nhóm, Báo Đà Nẵng có lợi thế là có phóng viên giỏi ngoại ngữ. Đó là phóng viên Khang Ninh - một cô gái nhỏ nhắn từng du học tại Úc, nói tiếng Anh trôi chảy và lần nào tác nghiệp cùng bạn ấy, chúng tôi luôn có thêm nhiều thông tin bên lề hấp dẫn. Bởi Khang Ninh luôn tự tin trao đổi thêm với các đội pháo hoa ngoài những câu hỏi đã định sẵn.
Pháo hoa Đà Nẵng giờ đây được nâng lên một tầm cao mới, trở thành môn nghệ thuật trình diễn hấp dẫn. Cũng như sự sáng tạo của người trình diễn những bông pháo, bản thân các nhà báo viết về pháo hoa cũng lắm khi trăn trở làm sao bài viết phải có chút bay bổng, lãng mạn của nghệ thuật.
Ngoài ra, ngoại ngữ là yếu tố tiên quyết để phóng viên có thể chủ động trong khai thác nguồn thông tin của riêng mình, có thể nghe và hiểu được những thông điệp mà các đội muốn truyền tải thông qua các bản nhạc, thay vì phụ thuộc vào sự sắp đặt trước từ ban tổ chức.
HOÀNG LINH