Tâm tình phóng viên trẻ

.

Bước chân vào nghề báo với nhiều bỡ ngỡ, các phóng viên “9x” phải tự học hỏi, tự trau dồi thêm rất nhiều kiến thức và kỹ năng để “trụ” được với nghề. Những kỷ niệm và bài học của ngày đầu làm báo sẽ là hành trang để các bạn trẻ mang theo trên con đường sự nghiệp.

Sau khi ra trường, Đoàn Xuân Sơn tự học thêm kỹ năng quay phim, chụp ảnh với mong muốn trở thành một phóng viên đa năng. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Sau khi ra trường, Đoàn Xuân Sơn tự học thêm kỹ năng quay phim, chụp ảnh với mong muốn trở thành một phóng viên đa năng. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Đoàn Xuân Sơn (SN 1993), Báo Đà Nẵng: Phấn đấu trở thành một phóng viên đa năng

Mùa hè năm 2008, sau khi có kết quả thi đậu vào lớp 10 Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng), Đoàn Xuân Sơn được ba mẹ tặng 1 chiếc máy tính để… chơi game. Cậu học trò 15 tuổi mê trò bóng đá điện tử tới mức dành cả một mùa hè chỉ để tìm hiểu, phân tích các thông số kỹ thuật của cầu thủ, các sự kiện thể thao, các bài bình luận bóng đá. Đây cũng là thời điểm cả Đà Nẵng “rực lửa” với Giải vô địch Bóng đá châu Âu.

“Lúc đó, em đã ước mình là phóng viên thể thao để có thể tận mắt chứng kiến những trận bóng đỉnh cao, thuật lại cho bạn đọc những pha bóng nảy lửa và trên hết là để thỏa mãn đam mê của chính mình”, Sơn chia sẻ.

Tốt nghiệp THPT, Sơn thi đậu ngành cử nhân Báo chí, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng). Sơn nhớ mãi bài báo đầu tiên mình viết vào năm 2012 khi đang là sinh viên năm thứ 2. Lúc ấy, Sơn cộng tác mảng “Từ thiện xã hội” cho báo điện tử Vietnamnet.

Lần đầu tiên tiếp xúc với một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, Sơn gần khóc vì thấy mình bất lực trước hoàn cảnh của họ. Sơn nói: “Lúc đó, em lúng túng không biết phải khai thác thông tin ra sao, diễn đạt như thế nào để bài báo thuyết phục được người đọc. Đến khi bài được đăng, gia đình ấy gọi điện cảm ơn em và thông báo họ đã nhận được một khoản tiền hỗ trợ lớn của mạnh thường quân”.

Sơn trò chuyện, những ngày đầu làm báo với biết bao bỡ ngỡ. Có lần làm tin về một vụ tai nạn giao thông, Sơn run đến mức không biết phải xử lý thông tin ra sao, phải… gõ bao nhiêu chữ. Từ đó, Sơn rút ra kinh nghiệm:

“Trước khi viết tin hay bài, hãy tìm kiếm một tin, bài tương tự của chính tờ báo đó để tham khảo”. Từ những bỡ ngỡ ban đầu, Sơn dần học được nhiều điều từ chính bạn bè, đồng nghiệp. Sơn học cách quay phim, dựng phim, cách đọc một bản tin phát thanh, học cách cầm micro dẫn hiện trường, đứng trước máy quay sao cho tự nhiên nhất. Sơn chia sẻ: “Bây giờ, em có thể quay, dựng một tin, clip truyền hình cơ bản. Đó là điều quý nhất em học được trong 2 năm sau khi ra trường”.

Trong dịp Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng - DIFF 2018, Sơn là một trong những phóng viên của Báo Đà Nẵng được điều động tác nghiệp ở nhiều sự kiện chính lẫn bên lề. Sơn bảo: “Được thực sự hòa mình vào môi trường báo chí của một sự kiện lớn, trực tiếp tác nghiệp, chụp ảnh pháo hoa và phỏng vấn người dân, đó là điều em ngỡ chỉ có trong ước mơ của 10 năm trước”. 

Mong muốn của Sơn là trở thành một phóng viên đa năng, có thể viết, chụp ảnh và quay phim tốt để đáp ứng được yêu cầu của tòa soạn và bạn đọc.

Lê Thụy Xuân Dương (SN 1994), Tạp chí điện tử Thông tin và Truyền thông (ictdanang), Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng: Nghề báo trao cơ hội gặp gỡ những người thú vị

Nghề báo trao cho Lê Thụy Xuân Dương (trái) cơ hội được tiếp xúc với những nhân vật thú vị, truyền cảm hứng. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Nghề báo trao cho Lê Thụy Xuân Dương (trái) cơ hội được tiếp xúc với những nhân vật thú vị, truyền cảm hứng. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Kỷ niệm làm báo đầu tiên của Dương là vào năm 2016, khi đang là sinh viên năm cuối bậc cử nhân ngành Báo chí, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng). Lúc đó, Dương thực tập tại phòng Chuyên mục của VTV8, chuyên trách các gameshow và chương trình khoa giáo. Dương kể, lúc lên kịch bản, trong đầu cô sinh viên ngày ấy chỉ toàn những cảnh quay lý tưởng; vậy mà khi ra hiện trường, vừa “chỉ trỏ”, Dương đã bị người quay phim nạt: “Em ra đó mà quay cho giống!”

Nhớ lại câu chuyện hài hước năm ấy, Dương bảo: “Đến tận lúc đó em mới hiểu lên kịch bản là một chuyện, quay là một chuyện khác, đến lúc về dựng phim còn là một chuyện khác nữa. Khi quen rồi thì thấy công việc thật sự rất thú vị”.

Sau khi ra trường, Dương “đầu quân” cho Tạp chí ictdanang do Sở Thông tin và Truyền thông quản lý. Thời gian đầu, Dương còn cảm giác bỡ ngỡ, lạc lõng.

Dương cho biết, sau 2 năm làm báo, bạn đã học được nhiều về kỹ năng chụp hình sự kiện, các kiến thức về công nghệ thông tin, bưu chính viễn thông... Những lần dự hội thảo, hội nghị, Dương thường về nghiên cứu thêm tài liệu để phỏng vấn, viết bài. Đối với Dương, điều thích nhất ở công việc làm báo là tính mới mẻ liên tục. Mỗi ngày đi làm, Dương lại có cơ hội gặp gỡ và nói chuyện với những người đặc biệt. “Sau mỗi lần phỏng vấn, ngoài việc viết bài, em cảm thấy mình như được tặng thêm một thứ gì đó rất bổ ích, được truyền cảm hứng. Gom góp nhiều lần như vậy, em cảm thấy bản thân cũng dần thay đổi theo những hướng tích cực hơn”, Dương nói.

Nguyễn Trọng Huy (SN 1995), Đài Phát thanh – Truyền hình Đà Nẵng (DaNangTV): Trưởng thành từ nghề báo

Nghề báo giúp Nguyễn Trọng Huy trưởng thành, không chỉ về chuyên môn mà còn về cách nhìn nhận cuộc sống. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Nghề báo giúp Nguyễn Trọng Huy trưởng thành, không chỉ về chuyên môn mà còn về cách nhìn nhận cuộc sống. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Huy đến với nghề báo như một cái duyên. Thích đọc báo và xem ti-vi từ nhỏ, đến khi lên THPT, Huy tập “làm báo” bằng cách chụp ảnh lại những chuyện trường lớp hằng ngày và viết một số bản tin vui vui cho các bạn cùng xem. Đến lúc làm hồ sơ thi đại học, Huy chọn ngành Báo chí của Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) với suy nghĩ là học ngành này sẽ ít khô khan, được đi nhiều, được rèn luyện tư duy mở.

Những ngày làm báo đầu tiên tại DanangTV, Huy không quá bỡ ngỡ, bởi đã học và trải nghiệm hầu hết các loại hình báo chí, đặc biệt là truyền hình, trong lúc còn ngồi trên ghế nhà trường. Song, Phòng Thời sự lúc nào cũng yêu cầu tin tức phải nóng, nhanh, chính xác, nên khi mới nhận việc, Huy cảm thấy rất áp lực về thời gian. Huy chia sẻ: “Khi đi làm thời sự thì phải suy nghĩ đề tài và viết lách chuẩn mực trong khoảng thời gian ngắn. Đồng thời, trong lúc tác nghiệp phải phối hợp nhịp nhàng với quay phim để gửi tin, bài đúng giờ cho kịp lên sóng. Thực tế, khi mới đi làm em cũng gặp những tình huống dở khóc, dở cười như thẻ nhớ bị hư, dựng phim bị lỗi... Một tháng đầu tiên của em thực sự là khoảng thời gian khá căng thẳng”.

May mắn, Huy được các đồng nghiệp trong phòng chỉ bảo rất nhiều về cách tìm đề tài, cách viết, dựng phim, dẫn hiện trường, phối hợp giữa biên tập và quay phim để cho ra sản phẩm đạt yêu cầu. Bên cạnh đó, Huy cũng xem thêm rất nhiều tin, bài của đài mình cũng như đài bạn, tự học thêm nhiều kiến thức trên nhiều lĩnh vực khác nhau để viết lách cho chuẩn mực. Huy chia sẻ kinh nghiệm: “Mỗi khi nhận lịch đi làm cũng như các đề tài được giao, phải tính toán tỉ mỉ từng khâu, viết lách thế nào, dựng phim ra sao, phỏng vấn ai, trường hợp có rủi ro xảy ra thì xử lý thế nào… để khi ra hiện trường, công việc không bị gián đoạn, tin, bài được sản xuất nhanh gọn, nhưng vẫn đảm bảo tính chính xác cao”.

Sau hơn 6 tháng, nhìn lại bản thân mình so với ngày đầu bước vào nhận việc, Huy tự thấy nghề báo đã giúp mình trưởng thành lên rất nhiều, không chỉ về chuyên môn mà còn về cách nhìn nhận cuộc sống. Huy tâm niệm, trong công việc thì niềm vui, nỗi buồn lúc nào cũng song hành cùng nhau. Đối với Huy, niềm vui lớn nhất khi làm việc chính là có những đồng nghiệp rất tốt bên cạnh, cùng nhau chia sẻ những khó khăn, gian nan mà chỉ có những người trong nghề mới hiểu…

KHANG NINH (thực hiện)

;
.
.
.
.
.
.