Liên tục trong thời gian gần đây, cả nước xảy ra hàng loạt vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt nghiêm trọng, chủ yếu tại các điểm đường sắt giao cắt với đường bộ (đường ngang dân sinh). Đây là nỗi lo lớn đối với các ngành chức năng khi các biện pháp chưa được bảo đảm.
Ý thức chấp hành Luật Giao thông của một số bộ phận người dân còn rất kém khi cố vượt qua gác chắn. |
Hiện thành phố Đà Nẵng có hơn 60 đường ngang dân sinh (hợp pháp và tự phát) đi qua nhiều khu dân cư với lượng người và phương tiện lưu thông lớn. Trong đó, 13 điểm chốt có người gác chắn do địa phương tổ chức quản lý.
Có thể thấy, một trong những nguyên nhân trực tiếp khiến các vụ TNGT đường sắt gia tăng thời gian qua xuất phát từ hành vi vi phạm của những người điều khiển phương tiện qua đường ngang. Trong đó, ý thức chấp hành pháp luật của một số bộ phận người tham gia giao thông còn kém, nhiều vi phạm còn diễn ra khá phổ biến, các giao cắt đồng mức giữa đường sắt và đường bộ còn khá nhiều, các công trình vi phạm hành lang an toàn giao thông (ATGT) đường sắt chưa được giải tỏa dứt điểm…
Phía đơn vị quản lý đường sắt, ông Nguyễn Nam Thắng, Phó trưởng Phòng Kỹ thuật an toàn Công ty CP Đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng cho rằng, trách nhiệm của chính quyền một số địa phương có đường sắt đi qua, của ngành đường sắt còn chưa quyết liệt.
Trong đó, hiệu quả trong chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT tại các đường ngang cũng như xác định và xử lý trách nhiệm của địa phương, đơn vị có liên quan chưa cao. Do đó, đề nghị các đơn vị chức năng sớm có giải pháp khắc phục một số tồn tại đối với các vị trí lối đi dân sinh đe dọa trực tiếp đến an toàn chạy tàu và có khả năng gây tai nạn cao…
Ông Nguyễn Hữu Cường, Chánh Văn phòng Ban ATGT thành phố cho biết, để tăng cường công tác bảo đảm trật tự ATGT đường sắt trên địa bàn thành phố, Sở Giao thông vận tải, Ban ATGT đã có công văn yêu cầu các đơn vị, ngành chức năng, UBND các quận Liên Chiểu, Thanh Khê, Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang nhanh chóng triển khai các nhiệm vụ.
Cụ thể, quận Liên Chiểu chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan giải tỏa chợ tạm gây mất trật tự ATGT, che khuất hệ thống báo hiệu đường ngang tại Km 799+230 (chợ Nam Ô cũ) và họp chợ trên đường sắt tại khu vực phía bắc ga Kim Liên cùng với các lều quán trong phạm vi bảo vệ đường sắt tại Km 778+420 (phía nam cầu Nam Ô).
Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý chặt chẽ 2 lối đi tự mở hiện trạng tại Km 776+545 và 778+760, tổ chức khóa, quản lý cửa đã thu hẹp, bảo đảm không cho người và phương tiện đi vào khi đóng chắn; chỉ mở khi xe cứu hỏa, xe cứu thương hoạt động khi cần thiết. Quận Thanh Khê tổ chức kiểm tra, rà soát các lối tự mở hiện trạng trên địa bàn để có giải pháp xử lý phù hợp.
Riêng Công ty CP Đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra đường sắt. Công ty CP Quản lý và Xây dựng đường bộ Quảng Nam - Đà Nẵng tổ chức lắp đặt bổ sung các hộ lan mềm còn trống dọc quốc lộ 1A…
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Lê Văn Trung, Phó trưởng Ban thường trực Ban ATGT thành phố đánh giá, trước tình hình diễn biến phức tạp của TNGT đường sắt trong thời gian qua và để hạn chế các vụ TNGT đường sắt trên địa bàn, Sở Giao thông vận tải, Ban ATGT thành phố cùng các ngành chức năng tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT tại các đường ngang.
Ban ATGT thành phố yêu cầu chính quyền địa phương có đường sắt đi qua cương quyết xóa bỏ các đường ngang bất hợp pháp, xử lý trách nhiệm người đứng đầu đơn vị, địa phương nếu để người dân tự ý mở đường ngang trái phép.
Ngoài ra, Ban ATGT thành phố yêu cầu ngành đường sắt cần chủ động cung cấp giờ tàu chính xác tại vị trí giao cắt cho nhân viên cảnh giới, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định, quy trình chạy tàu của công nhân viên, lái tàu ngành đường sắt; đặc biệt, tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 21-7-2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý, lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt.
Qua đó, phối hợp với các đoàn thể chính trị xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến đến các cấp cơ sở, khu dân cư về Luật Giao thông đường bộ, Luật Đường sắt, nhất là các quy tắc giao thông đường bộ khi vượt qua đường sắt; phát huy và nhân rộng các mô hình tự quản trong bảo đảm trật tự ATGT đường sắt…
Anh Lê Hào Hùng, nhân viên gác chắn tàu tại điểm cảnh giới Km 799+170 cho biết: “Trước yêu cầu của lãnh đạo Sở Giao thông vận tải, Ban ATGT, các ngành chức năng, lực lượng trực gác chắn của chúng tôi tuyệt đối tuân thủ các quy định về bảo đảm trật tự ATGT của ngành đường sắt.
Chúng tôi cương quyết không cho người và các phương tiện giao thông vượt gác chắn khi có tín hiệu báo tàu đến. Các anh em cũng nhắc nhở nhau phải thực hiện đúng quy trình tác nghiệp tại nơi giao cắt giữa đường bộ và đường sắt; bảo đảm vận hành thông suốt và phối hợp chặt chẽ từ bộ phận trực ban, bộ phận điều độ, thông tin tín hiệu, bộ phận kiểm soát đến bộ phận gác chắn...”.
Bài và ảnh: PHƯƠNG UYÊN