Ngày 17-6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã tiếp xúc đông đảo cử tri các quận Thanh Xuân, Hà Đông, Cầu Giấy, báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri quận Cầu Giấy. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN) |
Đa số cử tri đánh giá cao kết quả Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV, thể hiện rõ tinh thần đổi mới, dân chủ, trí tuệ và thu được nhiều kết quả quan trọng. Tại Kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua 7 dự án luật, 8 nghị quyết, cho ý kiến về 9 dự án luật khác. Đặc biệt là hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, đại biểu Quốc hội và các thành viên Chính phủ đã trao đổi, tranh luận thẳng thắn, tập trung vào những vấn đề cử tri quan tâm.
Cử tri đề nghị Quốc hội tăng thêm thời lượng chất vấn, tăng cường công tác giám sát tối cao, đặc biệt là giám sát việc thực hiện lời hứa của các bộ trưởng, trưởng ngành trước Quốc hội, trước cử tri và nhân dân cả nước.
Cử tri đề cập những vấn đề thiết thân đối với đời sống nhân dân như: Bảo đảm an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông; phòng cháy, chữa cháy; bảo vệ môi trường sinh thái; giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm vì sức khỏe nhân dân, nâng cao chất lượng giống nòi; vấn đề xử lý nợ đọng bảo hiểm xã hội, trục lợi bảo hiểm xã hội, bảo vệ quyền lợi người lao động, chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, chính sách đối với người có công, cán bộ xã, phường, hưu trí, phụ nữ, thanh niên…
Cử tri bày tỏ lo lắng về công tác phòng cháy, chữa cháy thời gian qua, đã xảy ra nhiều vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức của người dân về công tác phòng cháy, chữa cháy còn hạn chế, hạ tầng giao thông, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy chưa được bảo đảm… Cử tri đề nghị cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, bổ sung, hoàn thiện các quy định về tiêu chuẩn an toàn phòng cháy chữa cháy, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy, nhất là trong bối cảnh các chung cư cao tầng ở các thành phố được xây dựng ngày càng nhiều.
Cử tri hoan nghênh Đảng, Nhà nước đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với cán bộ, đảng viên, kể cả những cán bộ cấp cao, đương chức hay nghỉ hưu, thể hiện không có “vùng cấm”, không có “hạ cánh an toàn” trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Điều đó cho thấy Đảng ta đã nói là làm, từng bước chắc chắn, bài bản, lấy lại niềm tin trong nhân dân. Tuy nhiên, cử tri cho rằng, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chưa đạt kết quả như mong muốn; cần tăng cường hơn nữa các biện pháp phòng ngừa, từ cơ chế, kế hoạch… thì hiệu quả mới cao. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng như đánh giặc nội xâm, phải quyết liệt, triệt để, phát động toàn dân phòng chống tham nhũng, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội phải chung sức đồng lòng; đồng thời phải có cơ chế bảo đảm an toàn cho người tố giác tham nhũng.
Nhiều cử tri nhất trí cho rằng, việc xây dựng đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (đặc khu) là một chủ trương đúng, nhiều nước trên thế giới đã làm có hiệu quả, tuy nhiên cần nghiên cứu, xem xét hết sức cẩn trọng, toàn diện nhiều mặt. Vừa qua, Quốc hội quyết định dừng việc thông qua dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt để có thêm thời gian hoàn thiện, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết trước khi thông qua, cho thấy Quốc hội đã lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp của cử tri, nhân dân.
Tổng Bí thư hoan nghênh sự có mặt đông đủ của cử tri các quận Thanh Xuân, Hà Đông, Cầu Giấy, trong đó có nhiều cử tri trẻ, cử tri nữ. Các ý kiến của cử tri tập trung vào những vấn đề rất thiết thực, gắn với từng địa bàn cụ thể, từ những việc đã làm được, đến những việc còn hạn chế cần rút kinh nghiệm để làm tốt hơn... qua đó cho thấy quan hệ giữa cử tri với Quốc hội, đại biểu Quốc hội ngày càng gắn bó.
Trước Kỳ họp, đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri để lắng nghe tâm tư nguyện vọng, các ý kiến, kiến nghị của cử tri; đến Kỳ họp thì báo cáo những vấn đề của cử tri, nêu những vấn đề cử tri quan tâm để chất vấn, để các đại biểu Quốc hội giám sát hoạt động của Chính phủ; trong quá trình diễn ra Kỳ họp, đã tăng thời lượng phát thanh, truyền hình trực tiếp nhiều hơn để cử tri cùng theo dõi, bàn thảo những vấn đề quan trọng của đất nước… Không khí chất vấn sôi nổi, hỏi gọn – đáp nhanh, trao đổi trực tiếp, nhiều người cùng tham gia một vấn đề để làm sáng tỏ, rõ thêm.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cảm ơn cử tri đã đánh giá cao sự nỗ lực cố gắng của Quốc hội, Chính phủ, của toàn Đảng, toàn dân nói chung, xây dựng đất nước ta có được cơ đồ như ngày nay. Không khí sôi nổi, phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước, công tác giám sát của Quốc hội, không khí dân chủ lan tỏa trong toàn xã hội.
Trước những ý kiến phát biểu chân thành, thẳng thắn, xây dựng và trách nhiệm của cử tri, Tổng Bí thư ghi nhận, tiếp thu để phản ánh với Quốc hội và các cơ quan hữu quan, đồng thời qua đó tiếp tục làm tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, xứng đáng với sự tin cậy của cử tri và nhân dân.
Trao đổi với cử tri, làm rõ thêm về Dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, Luật An ninh mạng, Tổng Bí thư cho biết: “Việc xây dựng đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt đã có chủ trương từ những năm 90 của thế kỷ trước, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đi khảo sát ở Bắc Vân Phong, Nha Trang, Khánh Hòa; rồi nghiên cứu học tập kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới. Đây là một phương thức tổ chức nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, thí điểm các cơ chế mới để mở rộng làm kinh tế tốt hơn, nhưng là vấn đề rất khó, mới và nhạy cảm, hệ trọng nên chúng ta cần rất thận trọng."
"Việc này đã có chủ trương, được ghi trong Hiến pháp, trong nghị quyết của Trung ương, nhưng làm thế nào cho hiệu quả, vừa phát huy được sức mạnh trong nước, ngoài nước để phát triển, vừa phải giữ vững độc lập chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Đó là chủ trương nhất quán, nhưng thiết kế cụ thể thế nào thì ở mỗi nước mỗi khác, mỗi nơi, mỗi khu vực mỗi khác, không thể làm đại khái được."
"Vừa rồi chúng ta đã làm rất thận trọng, thảo luận qua mấy kỳ họp, thống nhất tương đối cao và chuẩn bị thông qua tại Kỳ họp này. Nhưng còn có ý kiến khác, Đảng, Nhà nước, Quốc hội thấy cần phải lắng nghe, dân chủ, tiếp thu, bao giờ hoàn thiện tốt thì mới thông qua.”
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri quận Cầu Giấy. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN) |
Tổng Bí thư phân tích rõ Quốc hội đã quyết định dừng việc thông qua dự án Luật này để lắng nghe, có thêm thời gian hoàn thiện, từ chiều 8/6 nhưng tại sao đến ngày 10-11/6 vẫn cứ tụ tập đông người để phản đối? Trong dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt có một điểm còn nhiều ý kiến băn khoăn là thời hạn cho thuê đất. Đây đâu phải là bàn giao đất cho nước A, nước B, mà phải xem xét từng dự án, từng chủ đầu tư cụ thể. Đặc khu không dành riêng cho nước nào, với nguyên tắc giữ vững độc lập chủ quyền lãnh thổ, quản lý chặt chẽ, chịu ràng buộc bởi luật pháp Việt Nam, không phải ai muốn vào đây làm gì thì làm.
Việc kích động phản đối dự án Luật này để thể hiện lòng yêu nước… bản chất sâu xa là xuyên tạc sự thật, kích động lòng yêu nước chân chính của người dân, để âm mưu làm việc xấu; cần nghiêm trị những kẻ lợi dụng việc này để chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ, làm tổn hại lợi ích quốc gia, dân tộc.
Tổng Bí thư mong muốn cử tri, nhân dân cần hết sức bình tĩnh, tỉnh táo, tin tưởng ở sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Đảng ta là Đảng của Bác Hồ, không có mục đích nào khác là vì nước vì dân, không ai dại dột, ngây thơ giao đất cho người nước ngoài để người ta vào đây làm rối mình, cho nên phải hết sức bình tĩnh, tỉnh táo, đập tan âm mưu phá hoại của các phần tử chống đối.
Tổng Bí thư chỉ rõ Dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt đang tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện, chỉ khi nào hoàn thiện, có lợi cho dân cho nước thì ta thông qua; đáng mừng là đại đa số cử tri, nhân dân đã đồng tình, ủng hộ chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Về Luật An ninh mạng, trên thế giới nhiều nước đã ban hành Luật này. Trong tình hình hiện nay, cách mạng công nghiệp 4.0 có nhiều mặt tích cực, khoa học công nghệ cao phát triển, nhưng cũng có những mặt khác, thông tin trên mạng xã hội tràn lan, cần thiết phải quản lý, có những kẻ lợi dụng, chỉ nói mặt xấu, tiêu cực để tuyên truyền kích động, gây rối, phá hoại, lật đổ chính quyền… Thông tin trên mạng rất nhanh, rất rộng, lợi thì rất lợi nhưng nếu không cảnh giác thì rất nguy hiểm. Cho nên phải có Luật để bảo vệ an ninh mạng, bảo vệ quyền lợi của nhân dân, bảo vệ chế độ. Vừa rồi, Quốc hội đã thông qua Luật An ninh mạng với tỷ lệ 86,86% số đại biểu tán thành.
Xung quanh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư nhất trí với các ý kiến phát biểu của cử tri, coi đây là giặc nội xâm, cần phát động toàn dân tham gia, đồng sức đồng lòng, đấu tranh quyết liệt hơn nữa, làm sao thu hồi cho được tài sản, việc kê khai tài sản phải công khai minh bạch. Đây là cuộc chiến đấu gian nan, lâu dài, phải quyết tâm làm cho bằng được.
Dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi được Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp vừa qua có 2 điểm mới: Không chỉ chống tham nhũng trong khu vực Nhà nước, mà cả khu vực ngoài nhà nước, ngăn chặn bên ngoài tiếp tay cho bên trong, câu kết thành dây, thành lợi ích nhóm. Kê khai tài sản là vấn đề rất khó, hàng năm kê khai, trước khi đề bạt bổ nhiệm đều kê khai, ai cũng kê khai nhưng vấn đề là kê khai có đúng, có chính xác, trung thực không, ai giám sát kiểm tra?
Tổng Bí thư mong cử tri tiếp tục tham gia đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật này để có thể thông qua ở kỳ họp sau.
Tổng Bí thư nhất trí với nhiều ý kiến cho rằng, cần phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tăng cường sự giám sát của cử tri, nhân dân, tăng cường vai trò của báo chí trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc nói chung, đặc biệt là trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, đây là sự nghiệp của toàn dân, của cả hệ thống chính trị, phải làm cho “lò” nóng lên, tất cả đồng lòng nhất trí, trong đó có vai trò quan trọng của báo chí, bởi tính công khai là thanh bảo kiếm để chữa lành những vết thương.
Theo Vietnam+