Tấm lòng thiện nguyện của người lính Cụ Hồ

.

Hơn chục năm nay, người dân khu dân cư (KDC) Quang Thành 4A quen thuộc với hình ảnh một người đàn ông gần 70 tuổi nhưng luôn tất tả với các hoạt động thiện nguyện. Ông là Võ Văn Đức (69 tuổi, trú phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu), Phó Chủ nhiệm CLB Từ thiện và bảo vệ quyền trẻ em Đức Tâm (thuộc Hội Từ thiện và bảo vệ quyền trẻ em quận Liên Chiểu).

Những lúc rảnh rỗi, ông Võ Văn Đức thường đến dọn vệ sinh lớp học, kê lại bàn ghế để buổi học hôm sau được tươm tất.
Những lúc rảnh rỗi, ông Võ Văn Đức thường đến dọn vệ sinh lớp học, kê lại bàn ghế để buổi học hôm sau được tươm tất.

Lớp học miễn phí cho học sinh nghèo

Trở về sau chiến tranh, nhìn những hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh quanh mình, ông Võ Văn Đức ngày đêm lặn lội tìm cách giúp đỡ. Mùa hè đến, chứng kiến học sinh nghèo không có điều kiện học thêm, nhiều em sa vào trò chơi điện tử, ông nảy ra ý tưởng mở lớp học miễn phí, vừa giúp các em trau dồi kiến thức, vừa “giữ” các em không chơi bời hư hỏng.

Ý định về lớp học miễn phí được ông Đức bàn bạc với Ban điều hành KDC và mọi người hết lòng ủng hộ. Ngay sau đó, ông cùng Tổ trưởng tổ dân phố (TDP) 38 Nguyễn Đức Cử và Chi hội trưởng Chi hội Khuyến học Kiều Thị Thanh (giáo viên về hưu) vận động kinh phí mua sắm bàn ghế, sách vở, bảng đen. Lớp học được tổ chức tại Nhà sinh hoạt cộng đồng của TDP 38.

Lớp học đầu tiên khai giảng vào dịp hè năm học 2012-2013. Hai cô giáo Trường tiểu học Hồng Quang (phường Hòa Khánh Nam) tình nguyện giảng dạy không lương hai môn Toán và Tiếng Việt. Thời gian đầu, vì chưa nhiều người biết nên mỗi buổi học chỉ lèo tèo vài em. Dần dần, các em rủ nhau đi học ngày một đông. Phụ huynh nào chưa tin tưởng, ông Đức cùng các hội, đoàn thể đến tận nhà vận động, xin cho các cháu đi học. Từ năm, bảy em, lớp đông lên bốn, năm chục học sinh.

Ông Đức thường xuyên lui tới thăm hỏi, động viên gia đình chị Phan Thị Lành cố gắng vượt lên khó khăn để chăm sóc các con.
Ông Đức thường xuyên lui tới thăm hỏi, động viên gia đình chị Phan Thị Lành cố gắng vượt lên khó khăn để chăm sóc các con.

Các em đến với lớp học được miễn phí “trọn gói” từ đồng phục, sách vở đến bút mực. Cuối khóa học, những em có thành tích tốt được trao thưởng, tuyên dương. Kinh phí phục vụ việc học tập, trao thưởng đều do ông Đức và Ban điều hành KDC vận động. “Ở lớp học, các em không chỉ được học tập kiến thức mà còn nghe kể chuyện, tập hát. Những ngày cuối tuần, các em liên hoan với bánh kẹo. Đây chính là sợi dây “giữ” các em ở lại với lớp học”, ông Đức nói.

Nói về nguyên do mở lớp, ông Đức cho biết, trước đây, vì nhà nghèo, dù rất ham học nhưng ông đành bỏ dở khi mới lớp 3. Ngày ấy, chiến tranh tàn khốc, cơm ăn bữa đói bữa no. Ông Đức là anh cả trong gia đình 11 người con nên chuyện học hành sớm gác lại. Lớn lên, ông tham gia cách mạng và bị địch bắt giam. Những ngày tháng bị giam cầm, ông cùng bạn tù giúp nhau học chữ. Người học lớp lớn dạy cho người lớp nhỏ. Phấn viết là mảnh sành. Nền nhà làm bảng con. “Hồi đó ham học lắm, cứ lén lút mà học. Mỗi lần học đều cử người canh chừng. Viết xuống nền là để sẵn cái áo cũ, hễ có cai ngục đi qua thì xóa ngay. Nhỡ cai ngục bắt được cả phòng sẽ bị đánh nhừ xương”, ông Đức nhớ lại.

Cũng từ những ngày tháng học trong gian khổ, ông Đức thấu hiểu giá trị của chữ nghĩa và việc học. Giờ đây, khi chứng kiến những học sinh nghèo không có điều kiện học tập, nhiều em phải bỏ dở chuyện học hành, ông Đức không thể ngồi yên. Trong 3 tháng nghỉ hè, nhiều em không có điều kiện ôn tập, bố mẹ bận kiếm tiền không thể kèm cặp nên các giáo viên của lớp không chỉ dạy học mà còn kiêm vai trò quản lý, chăm sóc trẻ em.

Những bước chân thiện nguyện

Qua hơn chục năm gắn bó với công tác thiện nguyện, ông Đức không thể nhớ hết bao nhiêu trường hợp mình từng giúp đỡ. Trước đây, ông cùng nhóm bạn 7 người làm thiện nguyện theo kiểu tự túc. Nghe ở đâu có trường hợp khó khăn, ông cùng nhóm bạn đi xác minh rồi tự bỏ tiền túi ra đóng góp. Người có nhiều góp nhiều, có ít góp ít, được chừng dăm ba triệu thì đến tận nơi, trao tận tay người cần giúp đỡ.
Ban đầu, thấy ông Đức thường xuyên vắng nhà, nhiều người tỏ ra dị nghị. “Thời gian đầu hàng xóm nói ra, nói vào nhiều lắm. Họ cứ bảo đi đâu mà hết đi với người này lại đi với người kia, nhưng tôi không quan tâm. Tôi làm việc nghĩa bằng cái tâm, tấm lòng, miễn không làm hại ai là được”, ông Đức khảng khái. Dần dà, việc làm của ông được mọi người biết đến và ủng hộ. Nhiều mạnh thường quân ngỏ ý tham gia, hỗ trợ; nhờ đó, ông cùng nhóm bạn có cơ hội giúp đỡ thêm nhiều hoàn cảnh ở tận Bắc Trà My, Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam), Thừa Thiên Huế…

Gia đình chị Phan Thị Lành (SN 1976, trú phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) là một trong nhiều trường hợp ông Đức thường xuyên lui tới thăm nom. Chồng chị Lành trước đây tham gia bộ đội. Sau khi lấy vợ, sinh con, đứa con gái đầu lòng lành lặn, nhưng hai con trai sinh đôi sau đều mang đầy bệnh tật. Trong đó, một em bại não, cơ thể teo quắp, dù đã 11 tuổi nhưng chỉ nặng 8kg. Cậu con trai út cũng chẳng may bị bệnh tim, đã phẫu thuật 4 lần. Từ khi sinh hai con trai, chị Lành nghỉ việc, quanh năm bồng bế con đi khắp bệnh viện từ Bắc tới Nam chữa trị. Chồng chị làm công nhân, thu nhập không đủ chi tiêu trong gia đình.

Biết hoàn cảnh cơ cực của chị Lành, ông Đức thường ghé thăm khi với gói bánh, khi tặng hộp sữa. Hễ có nhà hảo tâm ngỏ ý giúp đỡ, ông Đức đều ưu tiên cho gia đình chị. “Có thứ gì ngon, không kể mưa gió, ông đều mang đến. Nhiều khi nhìn ông đội mưa tới thăm, tôi tự nhủ phải cố gắng sống để chăm sóc các con. Ông Đức như ông nội của tụi nhỏ vậy đó”, chị Lành tâm sự.

Không chỉ vận động giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, ông Đức còn đi “xin” thực phẩm cho Bếp ăn tình thương tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng. Cứ đầu buổi sáng, ông đến các chợ trên địa bàn nhận thực phẩm do tiểu thương hỗ trợ. Người cân bí, người mớ rau, người lạng thịt được ông gom góp mang về bếp. Đều đặn ngày hai bữa trưa, tối, Bếp ăn tình thương hỗ trợ 45 suất cơm/bữa cho bệnh nhân nghèo.

Dù tuổi cao, con cháu khuyên nên nghỉ ngơi, dưỡng già nhưng ông Đức đều gạt đi. “Mình làm được gì cứ làm, còn có thể giúp được ai cứ giúp. Trong khi người khổ cực vẫn nhiều mà mình ngồi nhìn thấy áy náy lắm. Thiện nguyện bây giờ như ăn vào máu rồi, muốn bỏ cũng khó”, ông Đức cười nói.  Không ít lần gặp nguy hiểm, thậm chí suýt chết trong những chuyến từ thiện, thế nhưng ông Đức vẫn chưa hề có ý định dừng lại. “Làm từ thiện là trách nhiệm, là lương tâm, không thể nói dừng thì dừng được. Vả lại, dừng sao được khi mỗi lần giúp đỡ một hoàn cảnh là tâm trạng thoải mái, hạnh phúc hẳn lên”, ông Đức tâm sự.

Theo Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Bắc Phan Văn Đại, ông Đức là đảng viên gương mẫu trong việc thực hiện các hoạt động của địa phương. “Mọi hoạt động từ thiện, xã hội của phường, ông Võ Văn Đức đều tham gia nhiệt tình. Những việc làm tốt đẹp của ông góp phần xoa dịu nỗi đau cho những người bất hạnh và cùng với địa phương thực hiện công tác an sinh xã hội”, ông Phan Văn Đại nói.

Tháng 6 vừa qua, ông Võ Văn Đức là 1 trong 72 tập thể, cá nhân được Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ tặng bằng khen trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc.

Bài và ảnh: LAM PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.
.