Đối thoại với công dân: Giải quyết thấu tình đạt lý

Bài cuối: Đồng thuận - thước đo hiệu quả của chính quyền

.

Tiếp công dân là khâu đặc biệt quan trọng trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo. Làm tốt công đoạn này sẽ nâng cao chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo, đồng thời hạn chế khiếu kiện vượt cấp. Điều quan trọng hơn, công tác tiếp dân được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả đã mang lại sự đồng thuận và niềm tin của nhân dân đối với chính quyền thành phố.

Việc tiếp dân đã trở thành truyền thống của thành phố Đà Nẵng kể từ khi triển khai thực hiện các dự án đền bù, giải tỏa, thu hồi đất, chứ không chờ có Luật Tiếp công dân.  Trong ảnh: Các hộ dân ở khu tập thể 158B Lê Lợi tại buổi tiếp dân ngày 20-6-2018.
Việc tiếp dân đã trở thành truyền thống của thành phố Đà Nẵng kể từ khi triển khai thực hiện các dự án đền bù, giải tỏa, thu hồi đất, chứ không chờ có Luật Tiếp công dân. Trong ảnh: Các hộ dân ở khu tập thể 158B Lê Lợi tại buổi tiếp dân ngày 20-6-2018.

Tại buổi đối thoại ngày 20-6-2018 do Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn chủ trì với sự có mặt ông Lê Xuân Thức, đại diện nhiều hộ dân sống tại khu tập thể 158B Lê Lợi (quận Hải Châu), mặc dù kiến nghị của các hộ không được chấp nhận vì không đủ cơ sở để giải quyết nhưng những người tham gia đối thoại hài lòng vì lãnh đạo UBND thành phố lắng nghe họ một cách cầu thị.

“Dù kiến nghị chưa được chấp nhận, chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị, nhưng cách làm việc của lãnh đạo thành phố rất tận tình, chu đáo, biết lắng nghe người dân làm chúng tôi cảm thấy được chia sẻ”, ông Thức nói.

Tại buổi tiếp dân ngày 24-8-2018 do Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ chủ trì, có hộ bà Nguyễn Thị Thuận (trú tổ 15 phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) là hộ khiếu kiện “trường kỳ”, từng đến nhà riêng của ông Huỳnh Đức Thơ để trình bày nguyện vọng. Kiến nghị cũng không được chấp nhận do không bảo đảm tính pháp lý và quy định, nhưng bà Thuận gửi lời cảm ơn đến Chủ tịch UBND thành phố.

“Cảm ơn anh Thơ (Chủ tịch UBND thành phố - PV) đã tiếp, cho tôi được gặp anh tại phòng tiếp dân với các cơ quan chức năng để trình bày về những khó khăn của gia đình. Nguyện vọng được “nói chuyện” với Chủ tịch UBND thành phố với tôi như thế là thỏa đáng”, bà Thuận bày tỏ. 

Người dân giám sát quá trình xử lý đơn thư

Ông Lương Công Tuấn, Phó Chánh Thanh tra thành phố cho biết, Thanh tra thành phố là cơ quan giúp việc cho lãnh đạo thành phố trong việc điều tra, xác minh đơn thư; chuẩn bị nội dung cho lãnh đạo thành phố đối thoại với công dân; tham mưu ban hành các quyết định về giải quyết đơn thư khiếu nại, khiếu kiện của công dân trên địa bàn.

“Trước hết, chúng tôi luôn tạo diễn đàn để người dân được nói, trình bày tâm tư, nguyện vọng cũng như bổ sung các tư liệu liên quan vụ việc. Tại diễn đàn này, cán bộ phụ trách vừa giải thích, tìm tiếng nói chung với người dân, chia sẻ với người dân; đồng thời tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật để người dân nắm rõ, có nhận thức đúng đắn về các vấn đề liên quan. Nhiều trường hợp sau khi được giải thích, người dân tự nguyện rút đơn khiếu nại”, ông Lương Công Tuấn nói.

Năm 2017, Thanh tra thành phố tham mưu cho Chủ tịch UBND thành phố ban hành Quyết định số 17/2017/QĐ-UBND quy định tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn kiến nghị, phản ánh của tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố nhằm tạo hành lang pháp lý cụ thể để cán bộ, công chức áp dụng thực hiện.

Người dân căn cứ vào quyết định này để giám sát quá trình cơ quan chức năng giải quyết đơn thư theo quy trình; tạo điều kiện để các cơ quan giám sát trong hệ thống chính trị về quá trình xử lý đơn thư.

Đây là thước đo đánh giá hiệu quả công tác tiếp dân, xử lý, giải quyết đơn thư công dân của cơ quan chức năng theo quy định.

“Quyết định số 17 là điểm sáng, là bước tiên phong của Đà Nẵng so với các địa phương khác trong việc thực hiện Luật Tiếp công dân và Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Quyết định này đã được triển khai đến cấp phường, xã”, ông Tuấn cho biết.

Bên cạnh đó, Thanh tra thành phố đang thí điểm phần mềm “Cơ sở dữ liệu công tác thanh tra, giải quyết đơn thư của công dân” ở một số cơ quan chức năng như: Văn phòng UBND thành phố, Thanh tra thành phố, Ban Tiếp công dân… và các địa phương như UBND quận Liên Chiểu, các phường trên địa bàn quận Liên Chiểu...

Phần mềm này tạo cơ sở dữ liệu về giải quyết đơn thư trên địa bàn toàn thành phố, phục vụ công tác tìm kiếm, lưu trữ, giúp cán bộ, công chức theo dõi đơn thư trong quá trình tiếp nhận, xử lý, giải quyết và trả lời công dân. Người dân cũng theo dõi quá trình xử lý đơn thư của cơ quan chức năng trên hệ thống phần mềm.

Ông Nguyễn Bá Sơn, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố cho biết: “Phần mềm ứng dụng “Cơ sở dữ liệu công tác thanh tra, giải quyết đơn thư của công dân” từ cấp cơ sở đến cấp thành phố giúp theo dõi, quản lý, kiểm soát toàn bộ nội dung và quá trình tiếp nhận, giải quyết đơn thư từ khi phát sinh cho đến điểm cuối của quy trình chuyên môn giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của người dân và trách nhiệm của từng cấp chính quyền có thẩm quyền giải quyết.

Phần mềm cũng chỉ ra việc giải quyết có chậm trễ hay không, trễ hẹn bao nhiêu ngày, vướng mắc ở chỗ nào. Với giải pháp này, thành phố đang tiến đến việc kiểm soát chặt chẽ các hoạt động về tiếp nhận, giải quyết liên quan đến đơn thư của công dân. Đây là điều đáng mừng”.

Cơ quan tiếp công dân cần quy về một đầu mối

Theo luật sư Đỗ Pháp (Đoàn Luật sư thành phố), Luật Tiếp công dân năm 2013 nhằm thể chế hóa vai trò về quyền con người, quyền công dân. Song, thực tế, qua nhiều năm thi hành luật, vấn đề tiếp công dân hiện vẫn mang nặng tính hình thức. Người dân phản ánh, kiến nghị… với mong muốn được giải quyết kịp thời.

Tuy nhiên, cơ quan tiếp dân hiện vẫn là một cơ quan trung gian, chưa thể giải quyết những vấn đề cơ bản, bức xúc của người dân, chưa đáp ứng được nhu cầu; chỉ mới dừng lại ở mức giải thích, hướng dẫn…, làm quá trình tiếp nhận và xử lý đơn thư kéo dài.

“Cần quy về một đầu mối, Ban Tiếp công dân là nơi đầu tiên người dân đến để gửi đơn thư, và cũng là nơi cuối cùng của hành trình đơn, thư, để họ không phải chạy lòng vòng, từ đó sẽ nâng cao hiệu quả Ban Tiếp công dân, cụ thể hóa Luật Tiếp công dân, bảo đảm tốt nhất quyền lợi của người dân”, luật sư Đỗ Pháp nói.

Cũng theo luật sư Đỗ Pháp, thành phố cần có những biện pháp công khai, minh bạch trong việc giải quyết những khiếu nại, tố cáo không đúng quy định pháp luật, có ý đồ không tốt gây mất đoàn kết; phải chấn chỉnh, đi đến triệt tiêu những tồn tại này.

Chung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Bá Sơn nói thêm, giải quyết đơn thư là công việc nặng nhọc, người làm công tác này cần có những tố chất để đáp ứng yêu cầu công việc, chẳng hạn phải hiểu biết chuyên sâu về lĩnh vực mình làm, phải tâm huyết, chịu lắng nghe… thì mới nâng cao chất lượng giải quyết đơn thư, góp phần tạo sự đồng thuận giữa nhân dân với chính quyền địa phương và thành phố.

Ông Nguyễn Bá Sơn cho rằng, công tác tiếp, đối thoại với công dân được duy trì thường xuyên và trở thành “truyền thống” của Đà Nẵng kể từ khi triển khai thực hiện các dự án đền bù, giải tỏa, thu hồi đất chứ không chờ đến khi có Luật Tiếp công dân.

Song, cũng có những đơn thư khiếu nại, tố cáo có những nội dung chưa đúng, có phần nguyên nhân do người dân nhận thức pháp luật chưa cao khiến công tác tiếp dân gặp những vướng mắc nhất định.

Vì vậy, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến Luật Tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo để người dân nắm rõ, nhận thức đầy đủ về quyền lợi của công dân. Có hiện tượng nữa là khi người dân kiến nghị không được đáp ứng thì lại đi tố cáo.

Đây thường là những trường hợp tố cáo không có căn cứ, không đúng bản chất của sự việc, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan Nhà nước. Tình trạng đơn thư vượt cấp, tập trung đông người gây mất an ninh trật tự tuy không nhiều nhưng cần đặc biệt quan tâm giải quyết, xử lý triệt để.

Mục đích trên hết của việc tiếp, đối thoại với công dân là làm sao bảo vệ được quyền lợi hợp pháp cho người dân, như Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng phát biểu tại buổi đối thoại ngày 5-10-2018: “Với mong muốn ấy, lãnh đạo thành phố và các cơ quan chức năng cố gắng tìm các giải pháp, hướng dẫn cụ thể, rõ ràng để người dân biết, thực hiện trong hành trình đòi và bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình”.

Lời kết

Từ thực tiễn ở Đà Nẵng cho thấy, thực hiện tốt việc tiếp, đối thoại với công dân thể hiện trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, đồng thời xây dựng niềm tin của nhân dân vào cơ quan Nhà nước.

Làm tốt công tác tiếp công dân góp phần khơi dậy tiềm năng, trí tuệ của nhân dân, giúp Đảng và Nhà nước nói chung, chính quyền thành phố nói riêng thu nhận thông tin phản hồi về những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống, từ đó đề ra những chủ trương, quyết định đúng đắn, hợp lòng dân.

Từ nhiều năm qua, việc tiếp, đối thoại với công dân luôn được thành phố chú trọng, như Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Bá Sơn nhận định:

“Lãnh đạo thành phố cũng như các ban, ngành, địa phương đã nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác tiếp dân, đối thoại, giải thích cho người dân để đạt được sự đồng thuận trong chủ trương, giúp thành phố có điều kiện phát triển như ngày hôm nay”.

Sự đồng thuận; tạo niềm tin trong nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, thành phố; xây dựng chính quyền gần dân và vì dân chính là bài học quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển một Đà Nẵng năng động, đầy sức sống.

Điều quan trọng nhất là làm sao bảo vệ được quyền lợi hợp pháp cho người dân. Với mong muốn ấy, lãnh đạo thành phố và các cơ quan chức năng cố gắng tìm các giải pháp, hướng dẫn cụ thể, rõ ràng để người dân biết, thực hiện trong hành trình đòi và bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình”

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng

Bài và ảnh: TRỌNG HUY

;
.
.
.
.
.
.
.