Hơn 10 năm phụ trách lĩnh vực phòng chống tệ nạn xã hội, ông Trần Ngọc Lĩnh, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) phường Tân Chính (quận Thanh Khê) cho rằng: “Công tác phòng chống ma túy, nhất là việc tuyên truyền cho thanh, thiếu niên cần hết sức sâu sát và kiên nhẫn”.
Trước đây, cũng do tâm lý nôn nóng muốn giúp người nghiện có việc làm để xa rời ma túy, phường đã bảo lãnh cho vài đối tượng vay vốn làm ăn. Kết quả là người nghiện vẫn nghiện, còn vốn làm ăn thì mất. Vì vậy, về sau, phường rất cẩn thận “chọn mặt gửi vàng”. Thực tế, trong trường hợp người nghiện được động viên, giúp đỡ và quyết tâm rời bỏ ma túy, việc địa phương bảo lãnh cho vay vốn làm ăn sẽ mang lại hiệu quả rất tốt.
Thanh niên phường Xuân Hà (quận Thanh Khê) tham gia Ngày hội Thanh niên tôn giáo 2018. |
Thực hiện theo phương thức đó, hiện nay, phường có gần 10 trường hợp được vay đến 50 triệu đồng/người để tổ chức làm ăn và tạo thêm việc làm cho những người cùng cảnh ngộ. Hiện Hội CCB phường được UBND phường giao quản lý, giúp đỡ 3 trường hợp sau cai và 2 trường hợp sử dụng ma túy lần đầu. Đến cuối năm nay, Hội CCB phường sẽ xem xét, đánh giá cụ thể từng trường hợp để có cơ sở hỗ trợ vốn làm ăn.
Cùng quan điểm này, anh Nguyễn Văn Nên, Phó Bí thư Đoàn phường Xuân Hà (quận Thanh Khê) chia sẻ thêm, thời gian qua, Đoàn phường chú trọng công tác tập hợp thanh, thiếu niên bằng những sân chơi bổ ích và hấp dẫn để các bạn trẻ tránh xa những trò chơi không lành mạnh. Ngoài các chương trình “khung” của Quận Đoàn Thanh Khê như: sinh hoạt định kỳ ở các chi đoàn, phối hợp với các trường học tổ chức dã ngoại, hoạt động thiện nguyện..., gần đây Đoàn phường đã tổ chức một số sân chơi khá thành công như Ngày hội Thanh niên tôn giáo. Tại sự kiện này, hơn 200 thanh niên theo đạo Phật, Tin lành và đoàn viên, thanh niên của phường đã có những ngày vui chơi đầy ý nghĩa, sôi động. Tại sân chơi này, nhiều thanh niên có dịp bày tỏ quan điểm trước vấn nạn ma túy cũng như đề xuất cách phòng, chống phù hợp thực tế.
Huy động tất cả hội, đoàn thể cùng tham gia công tác phòng, chống ma túy là nét nổi bật của quận Thanh Khê trong thời gian gần đây. Trong đó, Quận Đoàn là lực lượng tiên phong tổ chức hoạt động gặp mặt thanh, thiếu niên lần đầu sử dụng chất ma túy. Tại đây, các cán bộ Đoàn dành phần lớn thời gian để thanh, thiếu niên chia sẻ tâm tư, nguyện vọng, cũng như bày tỏ mong muốn để Đoàn Thanh niên có giải pháp giúp đỡ sâu sát hơn.
Từ kinh nghiệm đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ quận cũng duy trì thường xuyên việc gặp gỡ, tiếp xúc các đối tượng sử dụng ma túy là nữ giới. Qua đó, đã có rất nhiều tâm tư, nguyện vọng của chị em được giãi bày và nhiều người được hỗ trợ vay vốn làm ăn, giới thiệu học nghề. Ngay cả cán bộ tổ dân phố trên địa bàn quận hằng năm cũng đều được tập huấn công tác quản lý, tuyên truyền giúp cảm hóa đối tượng nghiện ma túy. Đội kiểm tra liên ngành 178 cũng tích cực thực hiện việc mời tất cả hộ kinh doanh khách sạn, nhà trọ, karaoke... để tuyên truyền nhắc nhở việc “nói không” với tệ nạn xã hội...
Vào thời điểm năm 2014-2015, tình hình sử dụng ma túy trên địa bàn quận Thanh Khê khá phức tạp, với tốc độ người sử dụng tăng mỗi năm lên đến trên 33%. Đặc biệt, đáng báo động là đối tượng thanh, thiếu niên sử dụng ma túy chiếm 85,7%, và đến 81,8% người nghiện không có việc làm ổn định... Thế nhưng, với phương châm huy động tất cả ban, ngành, đoàn thể cùng tham gia, phát huy hết lợi thế của riêng mình, đồng thời phối hợp chặt chẽ với gia đình để tuyên truyền, giúp đỡ nên tình hình người sử dụng ma túy trên địa bàn quận đã có chuyển biến khá tích cực.
Trong 9 tháng đầu năm 2018, quận chỉ có 4 trường hợp sử dụng ma túy bị lập hồ sơ. Tổng số người nghiện được đưa đi cai nghiện tập trung trên địa bàn quận hiện có 102 người. Đây có thể nói là con số rất ấn tượng, trong bối cảnh tình hình sử dụng ma túy trái phép của thành phố đang diễn biến phức tạp và khó kiểm soát.
Bài và ảnh: THANH VÂN