Một số đại biểu cho rằng, phải dựa trên tinh thần khách quan, công tâm khi chấm điểm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.
Sáng nay 25-10, Quốc hội đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm với 48 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ được công bố trong phiên họp chiều nay. Bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu đánh giá, việc bỏ phiếu tín nhiệm đã diễn ra khách quan, dân chủ, công bằng.
Lấy phiếu tín nhiệm nhằm thực hiện chức năng giám sát của Quốc hội. Do đó, các đại biểu đã phát huy tinh thần khách quan, công tâm trong nhìn nhận đánh giá. Đồng thời rất cân nhắc để ghi trong phiếu tín nhiệm của từng chức danh với 3 mức: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp.
Đại biểu Nguyễn Tạo, đoàn Lâm Đồng (Ảnh: TTXVN) |
Trước đó, các đại biểu cũng đã dành nhiều thời gian nghiên cứu kỹ về các chức danh được lấy tín nhiệm.
Đại biểu Nguyễn Tạo, đoàn Lâm Đồng cho biết: “Đại biểu Quốc hội đã chuẩn bị một tinh thần tốt, công tâm. Các tài liệu của từng chức danh được lấy phiếu tín nhiệm đã được gửi cho đại biểu trước 20 ngày khi khai mạc kỳ họp.
Các đại biểu đã có đủ thời gian để nhận xét đánh giá về từng chức danh. Thủ tướng đã giải trình và Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đã giải trình những thắc mắc của Đại biểu Quốc hội, trước khi bỏ phiếu tín nhiệm. Tôi cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm hết sức dân chủ, công khai, lành mạnh.”
Một số đại biểu đánh giá, việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ giúp các đồng chí Tư lệnh ngành thấy được những vấn đề còn tồn tại trong lĩnh vực mình quản lý để khắc phục trong thời gian tới.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, đoàn Thanh Hóa |
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, đoàn Thanh Hóa cho rằng: "Thời gian qua, các tư lệnh ngành đều cố gắng, nhưng sẽ có một số tư lệnh ngành không chỉ vì điều hành của cá nhân mà do tồn tại của quá khứ, kéo dài nhiều năm.
Đến bây giờ, các tư lệnh ngành mới được 2,5 năm, chưa thể khắc phục được tồn tại đó cho nên cũng phải chịu dư luận nặng nề. Ví dụ y tế, giáo dục chịu trách nhiệm về những vụ việc nhạy cảm trước đó. Nhưng tôi nghĩ rằng, từ việc bỏ phiếu như thế này, các tư lệnh ngành sẽ thấy việc của ngành mình bức xúc đến mức nào, tồn tại của ngành mình đang gây cho người dân và đại biểu quốc hội bức xúc gì để khắc phục, sửa chữa".
Theo VOV