Chính trị - Xã hội

Đẩy mạnh phân loại chất thải rắn tại nguồn

08:16, 28/11/2018 (GMT+7)

* Đầu tư dự án Nhà máy nước Hòa Liên theo hình thức đầu tư công

Chiều 27-11, tại buổi làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) về xử lý chất thải rắn, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh việc xử lý chất thải rắn tại nguồn là một tiêu chí quan trọng của thành phố môi trường và là yếu tố quyết định sự văn minh, bền vững của thành phố.

Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện đồng bộ giữa việc phân loại rác của người dân và đầu tư trang thiết bị phù hợp. Ảnh: KHANG NINH
Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện đồng bộ giữa việc phân loại rác của người dân và đầu tư trang thiết bị phù hợp. Ảnh: KHANG NINH

Theo Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ, Sở TN&MT cần tập trung đề ra mô hình phân loại rác hợp lý theo lộ trình, trang bị thiết bị vận chuyển rác, đầu tư các điểm trung chuyển có công nghệ hiện đại, không gây ô nhiễm môi trường.

Việc phân loại chất thải rắn tại nguồn sẽ là thách thức lớn đối với chính quyền, song nếu quyết tâm thực hiện tốt những giai đoạn đầu thì các giai đoạn tiếp theo sẽ trôi chảy hơn; ngoài ra, cần có sự đồng bộ giữa việc phân loại rác của người dân và quy trình, thiết bị thu gom rác. Tránh tình trạng người dân thực hiện tốt việc phân loại rác tại nhà, nhưng khi đưa lên xe thu gom thì các loại rác lại bị trộn chung trở lại.

Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở TN&MT Tô Văn Hùng đề xuất phương thức phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và kế hoạch triển khai giai đoạn 2019 - 2022. Theo đó, công tác phân loại sẽ được thực hiện theo lộ trình 3 giai đoạn.

Giai đoạn 2019-2020, chất thải rắn sẽ được phân loại tại nguồn thành 3 nhóm rác tái chế, rác nguy hại và rác còn lại, giảm tỷ lệ chôn lấp 10-15%. Giai đoạn 2021-2022, phân làm 4 nhóm, giảm tỷ lệ chôn lấp 15-20%.

Giai đoạn 2023-2025, phân làm 5 nhóm, giảm tỷ lệ chôn lấp 30-40% (nếu có nhà máy sản xuất phân hữu cơ) hoặc 75-80% (nếu có nhà máy đốt rác). Đối với dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn của thành phố, ông Hùng cho biết Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB - đơn vị tư vấn thực hiện nghiên cứu khả thi) đề xuất lựa chọn phương án đốt có phát điện với công suất 1.000 tấn/ngày, kết hợp với bãi chôn lấp kỹ thuật để xử lý lượng chất thải rắn vượt công suất và tro xỉ thải ra từ công đoạn đốt.

ADB đề xuất xây dựng Khu liên hợp ở khu vực xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang), sử dụng toàn bộ diện tích 119 ha trong 20 năm. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 189 triệu USD (khoảng 4.200 tỷ đồng).

Song theo ông Hùng, dự án này đang gặp một số vướng mắc liên quan đến pháp lý. Do chưa chọn được nhà thầu và công nghệ xử lý nên ADB chưa có đủ thông tin lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), chưa thể tiến hành xin chủ trương đầu tư. Ngoài ra, nếu dự án có bao gồm phát điện thì phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát điện trước khi HĐND thành phố thông qua chủ trương đầu tư.

* Cũng trong khuôn khổ buổi làm việc, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình công nghiệp và dân dụng làm chủ đầu tư dự án Nhà máy nước Hòa Liên theo hình thức đầu tư công. (KHANG NINH)

Cùng ngày, tại buổi làm việc với Ban Đô thị HĐND thành phố, Giám đốc Sở TN&MT Tô Văn Hùng cho biết, việc thu gom rác thải trên địa bàn thành phố và tình trạng ô nhiễm môi trường ở bãi rác Khánh Sơn đang được khắc phục. Đơn vị cũng đã kiểm tra vệ sinh môi trường ở 106 tuyến đường và điểm tập kết rác thải trên địa bàn 7 quận, huyện; công bố 5 quy trình vận hành các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường tại bãi rác Khánh Sơn...

Liên quan đến vấn đề quản lý và xử lý rác thải, Sở TN&MT đã tham mưu UBND thành phố trình kỳ họp thứ 9 của HĐND thành phố thông qua nghị quyết về mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp quản lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố, trên cơ sở đó nhằm xây dựng kế hoạch phân loại rác tại nguồn để triển khai thực hiện trên địa bàn thành phố vào năm 2020.

Sở TN&MT cũng đã trình UBND thành phố xem xét chủ trương đầu tư, nguồn vốn và khả năng cân đối vốn của dự án đầu tư các trạm quan trắc môi trường tự động trên địa bàn; trình HĐND thành phố xem xét thông qua danh mục các công trình, dự án cần thu hồi đất và danh mục công trình, dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng của năm 2019.

Các thành viên của Ban Đô thị HĐND thành phố trao đổi, làm rõ hơn các vấn đề quan tâm để có cơ sở trình ra kỳ họp HĐND thành phố sắp đến thông qua; nêu ra một số tồn tại về công tác quản lý các lô đất trống gây ô nhiễm môi trường, thiếu các vị trí tập kết phế thải xây dựng và vật cồng kềnh, chậm hợp thửa các thửa đất rẻo, các tồn tại trong thu gom nước thải ven biển, tình trạng xả thải vào hệ thống cống, ô nhiễm môi trường ở âu thuyền Thọ Quang… 

Ban Đô thị HĐND thành phố và Sở TN&MT sẽ có cơ chế phối hợp công tác để kịp thời giám sát các vấn đề của ngành, nhất là các hoạt động tại bãi rác Khánh Sơn, âu thuyền Thọ Quang... (HOÀNG HIỆP)

.