Hướng tới sự hợp tác, hòa bình và ổn định trên Biển Đông

.

Ngày 8-11, tại Đà Nẵng, Học viện Ngoại giao phối hợp Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông và Hội Luật gia Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 10 với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực”.

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viên Ngoại giao Việt Nam nêu rõ, trong 10 năm qua, hội thảo Biển Đông đã từng bước trở thành một hội thảo khoa học có uy tín và tầm ảnh hưởng hàng đầu khu vực; nhiều ý tưởng, sáng kiến đã được trình bày và thảo luận, nhiều vấn đề mới nổi lên được đưa ra tranh luận thẳng thắn và khách quan. Bên cạnh đó, hội thảo còn là dịp để các học giả trong khu vực kết nối, trao đổi và học hỏi lẫn nhau.

PGS.TS Nguyễn Vũ Tùng bày tỏ tin tưởng, hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông tại Đà Nẵng lần này sẽ là cơ hội để các đại biểu cùng nhau phân tích, mổ xẻ các nguyên nhân của diễn biến tình hình, dự báo các xu thế và đặc biệt là đề ra các giải pháp, các sáng kiến cho chính phủ các nước liên quan, đưa khu vực Biển Đông thành vùng biển hợp tác và phát triển.

Phát biểu chào mừng hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh nêu rõ, Đà Nẵng từ lâu đã là cửa ngõ biển quan trọng của Việt Nam. Từ Đà Nẵng có thể thuận lợi đi theo đường biển đến nhiều quốc gia Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Tận dụng vị trí quan trọng của mình, Đà Nẵng đã và đang đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, đẩy mạnh khai thác thủy sản, du lịch, công nghiệp cơ khí và chế biến, vận tải biển; nhất là thành phố đã ban hành Quy hoạch phát triển kinh tế vùng biển đảo thuộc địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2020 với mục tiêu phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng biển đảo, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội của thành phố; chuẩn bị các nhóm nhiệm vụ và giải pháp phù hợp với Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Về tình hình trên Biển Đông, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cho rằng, đây không chỉ là vấn đề hòa bình, ổn định của khu vực, mà đó còn là cả đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của hơn 300 triệu dân của các cộng đồng ven biển.

Vì vậy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh đề nghị các vị đại biểu cùng nhau thẳng thắn nhìn nhận, phân tích thực trạng tình hình Biển Đông; từ đó đề xuất các sáng kiến khả thi hướng đến kiểm soát tốt tình hình và từng bước xây dựng một Biển Đông hòa bình, hữu nghị và hợp tác bền vững.

Phát biểu đề dẫn tại phiên khai mạc, Thẩm phán Kriangsak Kittichairasee, Tòa án Luật Biển quốc tế ITLOS, đánh giá cao ý nghĩa của hội thảo quốc tế về Biển Đông; đồng thời cho rằng, hợp tác vì hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực Biển Đông cần dựa trên 4 thành tố: ngăn ngừa xung đột, quản lý khủng hoảng, giải quyết tranh chấp và các cơ chế giám sát. Thẩm phán Kriangsak Kittichairasee khẳng định giải pháp cơ bản để giải quyết tranh chấp là các bên tìm kiếm các sáng kiến hợp tác cụ thể, thực chất, đồng thời kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp tình hình.

Tại hội thảo lần này, 32 tham luận sẽ được bàn bạc, thảo luận liên quan đến các vấn đề như: xu hướng phát triển và cục diện khu vực trong thập kỷ qua, vị trí của Biển Đông trong khu vực Ấn Độ Dương, châu Á-Thái Bình Dương; nội hàm chính sách của các nước lớn đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và các tác động đối với khu vực, các biện pháp hoà bình quản lý và giải quyết tranh chấp… Ngoài ra, tình hình Biển Đông, động thái của các nước trong 10 năm qua sẽ được các đại biểu thảo luận, đánh giá toàn diện.

Hội thảo bế mạc vào chiều 9-11.

QUỐC KHẢI

;
.
.
.
.
.
.
.