Bà Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh Luật Phòng chống tác hại rượu, bia thiên về bảo vệ sức khoẻ vì "cái gì có lợi cho dân thì làm ở mức cao nhất".
“Rượu nhạt uống lắm cũng say...”
Thảo luận về dự thảo luật, sáng 16/1, đại biểu Trần Quang Chiểu – Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách cho rằng rượu và bia là hai sản phẩm khác nhau không thể chế tài như nhau. Như quy định cấm bán rượu, bia trên internet, ông Chiểu cho rằng chỉ áp dụng được với rượu, còn không thể cấm bia.
Đại biểu Trần Quang Chiểu |
Đề cập đến tên gọi của dư luật, đại biểu tỉnh Nam Định lập luận, nếu để tên luật là phòng chống tác hại rượu, bia chẳng khác nào khẳng định đây là đồ uống có hại.
“Nếu vậy chúng ta nghĩ gì khi những ngày lễ tết đều dâng lên tổ tiên, khi cúng người thân đã mất ngoài bát cơm còn có chén rượu? Chúng ta nghĩ gì khi khách quốc tế đến thăm, lãnh đạo Đảng, Nhà nước cầm ly rượu vang tiếp khách", đại biểu Chiểu đặt vấn đề.
Cũng không thống nhất với tên gọi của dự thảo, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam Phan Thái Bình đề nghị đổi tên thành Luật kiểm soát việc "lạm dụng đồ uống có cồn", hướng đến những người dưới 18 tuổi.
Ông Bình lưu ý, không nên giảm nhu cầu về đồ uống có cồn nói chung, vì như vậy sẽ ảnh hưởng đến người uống có trách nhiệm và doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) ủng hộ sớm có luật này vì tác hại của rượu bia ngày càng nhiều và nghiêm trọng. “Là một bác sỹ hầu như không uống rượu tôi hiểu và chia sẻ sâu sắc điều này”, đại biểu Trí nói và đề nghị dư luật ngoài việc phòng chống tác hại cần hướng dẫn, tạo điều kiện để rượu tồn tại trong đời sống tốt hơn, văn minh hơn.
Vị đại biểu này cho rằng, dự luật chưa nghiêm khắc như quy định cấm ép buộc người dưới 18 tuổi uống rượu bia: “Tôi đề nghị cấm ép buộc và kích động người khác uống rượu bia. Ai cũng thế, không kể 18 tuổi. Tôi từng ngồi những cuộc họ kích động lẫn nhau để uống rượu”.
Theo ông rượu bia là hàng hoá cũng cần quảng cáo nhưng hạn chế nội dung, địa điểm, thời gian và loại hình, không cần giới hạn độ cồn. Bởi “rượu nhạt uống lắm cũng say. Người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm”.
“Phải đặt lên bàn cân”
Giải trình một số vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh những ý kiến đóng góp của các đại biểu đều xác đáng ở những góc cạnh khác nhau và Ban soạn thảo sẽ nghiên cứu, tiếp thu trên tinh thần ban hành chính sách là “vấn đề nào có lợi cho dân thì làm ở mức cao nhất, không có lợi cho dân thì không làm”.
Nhấn mạnh đây là luật khó, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết có những sự “đối đầu” giữa mong muốn luật bảo vệ sức khỏe con người tối đa và các nhà sản xuất, kinh doanh cũng muốn doanh thu, lợi nhuận. Luật này ra đời tiếp cận ở góc cạnh sức khỏe nhiều hơn, phải khả thi.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến (Ảnh: Quochoi.vn) |
Kinh nghiệm của quốc tế cho thấy, giải pháp hạn chế tác hại của rượu, bia là giảm tính sẵn có của đồ uống này, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và kiểm soát quảng cáo.
Nữ bộ trưởng cũng nhấn mạnh, hiện nay phải đặt lên bàn cân giữa cái lợi về kinh tế và cái lợi về an sinh xã hội, sức khỏe con người.
Trước nhiều ý kiến khác nhau về tên gọi của dự án luật, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị giữ tên theo phương án số 1. Bởi đây vừa là quan điểm, vừa dễ hiểu, đơn giản và chỉ phòng chống tác hại của rượu, bia trong quá trình sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ và cách uống chứ không ảnh hưởng đến văn hóa rượu, bia.
“Không có nghĩa là khi luật này ban hành thì tất cả đều cấm rượu, bia. Trong luật này không có một từ nào là cấm uống rượu, uống bia” – bà Nguyễn Thị Kim Tiến một lần nữa nhấn mạnh và cho biết Ban soạn thảo sẽ tiếp thu, chỉnh sửa để tiếp tục trình Quốc hội.
Theo VOV