Chính trị - Xã hội

Từ sáng 23-11, bão số 9 gây gió giật cấp 9 ở vùng biển Quảng Trị - Bình Thuận

08:14, 23/11/2018 (GMT+7)

 Đà Nẵng có mưa to trên diện rộng

Ngày 22-11, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp trực tuyến với 14 tỉnh thuộc khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên để triển khai các giải pháp ứng phó với bão số 9.

Tại cuộc họp, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia lưu ý, bão càng gần bờ càng di chuyển chậm và càng vào bờ thì gió bão càng mạnh hơn, nguy hiểm hơn. Vùng dự báo bão đổ bộ là các tỉnh từ Khánh Hòa đến Bình Thuận trong khoảng đêm 24-11 đến sáng 25-11.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 16 giờ ngày 22-11, vị trí tâm bão số 9 ở vào khoảng 11,4 độ Vĩ Bắc, 115,2 độ kinh đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 100 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60 - 75 km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 100 km tính từ tâm bão.

Dự báo, đến 16 giờ ngày 23-11, bão số 9 di chuyển theo hướng tây tây bắc mỗi giờ đi được khoảng 15km và có khả năng mạnh thêm. Vị trí tâm bão ở khoảng 11,5 độ vĩ bắc, 112,2 độ kinh đông, cách bờ biển các tỉnh Nam Trung Bộ khoảng 320 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75 - 90km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 180km tính từ tâm bão.

Do ảnh hưởng của bão số 9, vùng biển giữa và bam biển đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 11, biển động rất mạnh. Vùng nguy hiểm trên biển đông đến 16 giờ ngày 24-11 (gió mạnh cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 9,5 đến 13,5 độ vĩ bắc, phía tây kinh tuyến 116,5 độ kinh đông.

Đến 16 giờ ngày 24-11, bão số 9 di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 15km và có khả năng mạnh thêm. Vị trí tâm bão ở khoảng 11,2 độ vĩ bắc, 109,2 độ kinh đông, ngay trên vùng biển các tỉnh từ Phú Yên đến Bà Rịa - Vũng Tàu. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75 - 100 km/giờ), giật cấp 12. Đến 16 giờ ngày 25-11, bão số 9 di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 10 km, đi vào đất liền khu vực Nam Trung Bộ - Đông Nam Bộ sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 11,2 độ vĩ bắc, 107,5 độ kinh đông, ngay trên đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ - Đông Nam Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50 - 60 km/giờ), giật cấp 9.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với rìa phía tây hoàn lưu bão số 9, từ sáng 23-11, vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận có gió mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 9, biển động. Từ khoảng ngày 24 đến ngày 26-11, các tỉnh ven biển từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận và nam Tây Nguyên có mưa rất to (300-500 mm/đợt), bắc Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa to đến rất to (100-200 mm/đợt). Trong đó, vùng trọng tâm mưa sẽ là từ thành phố Đà Nẵng đến tỉnh Bình Thuận, khu vực này có mưa rất to với lượng mưa 300-500mm, có nơi mưa lên đến 600mm. Riêng trong ngày 25-11, khu vực này sẽ có mưa rất to với tổng lượng mưa dự báo lên tới 200-300mm/ngày.

Về cảnh báo lũ, từ ngày 24 đến ngày 27-11, các sông từ Quảng Trị đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Quảng Nam và khu vực Tây Nguyên khả năng ở mức báo động 1, báo động 2 và trên báo động 2, các sông từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận ở mức báo động 2 - báo động 3 và trên báo động 3. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, đô thị tại các tỉnh trên.

HOÀNG HIỆP-TTXVN

.