Hoạt động "tín dụng đen" đang có chiều hướng diễn biến phức tạp

.

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Báo cáo số 284/BC-UBND của UBND thành phố Đà Nẵng về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong năm 2018 sẽ trình tại kỳ họp HĐND thành phố lần thứ 9, khóa IX (nhiệm kỳ 2016-2021).

Theo báo cáo của UBND thành phố, từ đầu năm 2018 đến nay (21-11), trên địa bàn thành phố xảy ra 439 vụ tội phạm về trật tự xã hội (TTXH), giảm 10 vụ so với cùng kỳ năm 2017, làm chết 13 người, bị thương 78 người. Đáng chú ý là tội phạm xâm nhập nhân thân có xu hướng tăng về tính chất, mức độ nghiêm trọng; hành vi liều lĩnh, manh động, coi thường pháp luật như giết người đã xảy ra 23 vụ, tăng 8 vụ.

Đặc biệt, trong năm 2018, hoạt động “tín dụng đen” đang có chiều hướng diễn biến phức tạp trên địa bàn thành phố. Tình trạng xuất hiện một số nhóm đối tượng ở các địa phương phía Bắc như Hải Phòng, Hà  Nội vào Đà Nẵng cư trú có biểu hiện hoạt động cho vay tiền với lãi suất cao, có tính chất chuyên nghiệp; thậm chí tổ chức thành nhóm, hoặc núp bóng công ty, doanh nghiệp với quy mô khác nhau để hoạt động cho vay nặng lãi, đòi nợ, đòi nợ thuê... dưới nhiều hình thức. Riêng từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 46 vụ vi phạm pháp luật, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ cho vay mượn và đòi nợ thuê; trong đó có 41 vụ liên quan cho vay nặng lãi, 2 vụ do mâu thuẫn cá nhân trong làm ăn, 3 vụ do nợ tiền cá độ bóng đá.

Công an thành phố đã đấu tranh làm tan rã đối với 4 nhóm/ 16 đối tượng chuyên hoạt động cho vay nặng lãi; đồng thời triệt phá bắt 7 đối tượng có biểu hiện bảo kê thu mua hải sản, cưỡng đoạt tài sản của các thương lái. Ngoài ra, tình hình mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp. Từ đầu năm 2018 đến nay, lực lượng chức năng của thành phố đã phát hiện và bắt giữ 202 vụ, 284 đối tượng phạm tội về ma túy, tăng 28,7% số vụ và 29% số đối tượng so với cùng kỳ năm 2017. Đối với số người sử dụng chất ma túy cũng tăng 16% so với năm 2017.

Tại báo cáo này, UBND thành phố cũng cho biết, hiện nay lượng người nước ngoài đến thành phố ngày một đông, kéo theo đó là những vi phạm về xuất nhập cảnh, an ninh trật tự. Để xử lý các vi phạm của người nước ngoài, cơ quan điều tra cần có người phiên dịch. Tuy nhiên, Sở Ngoại vụ thành phố không đáp ứng được người phiên dịch tiếng Hàn Quốc, Trung Quốc... Trong khi đó, mức phí cho việc thuê người phiên dịch quá cao (500.000 đồng/giờ và 4 triệu đồng/ngày) nhưng quy định của Bộ Công an chỉ cho phép thanh toán 150.000 đồng/ngày nên Công an thành phố không thể đáp ứng được.

TRỌNG HÙNG

;
;
.
.
.
.
.